- Xin bà đánh giá về tình hình an ninh nguồn nước hiện nay ở Tiểu vùng sông Mê Công?
Sông Mê Công là sông dài thứ 12 và lớn thứ 10 về tổng lượng dòng chảy hằng năm với khoảng 475 tỷ m3. Lưu vực sông Mê Công có diện tích khoảng 810.000 km2, được chia thành vùng thượng lưu vực và hạ lưu vực.
Nhu cầu phát triển kinh tế trong Tiểu vùng sông Mê Công là rất lớn. Các quốc gia trên lưu vực gia tăng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan. Trong bối cảnh đó, các quốc gia nằm ở hạ nguồn chịu tác động kép từ sự phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu gây suy giảm về nguồn nước, phù sa bùn cát, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.
Cần phải nhấn mạnh, việc tăng cường khai thác, sử dụng nước thượng nguồn, phát triển các công trình thủy điện, thủy lợi tạo ra những thách thức không nhỏ. Nhiều dự án phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị hóa vừa làm tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, vốn được dự báo sẽ suy giảm, vừa ảnh hưởng chất lượng nước do ô nhiễm từ các nguồn thải. Những yếu tố đó ảnh hưởng an ninh nguồn nước trong khu vực.
- Thưa bà, có những hệ lụy nghiêm trọng nào từ việc an ninh nguồn nước không được bảo đảm?
Mất an ninh nguồn nước kéo theo việc phải thay đổi sinh kế, dẫn đến di cư bắt buộc; hoặc mất sinh kế mà chưa có giải pháp thay thế có thể gây mất an ninh xã hội; ảnh hưởng an ninh lương thực. Xung đột lợi ích giữa các bên liên quan có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng và phát triển.
Ngoài ra, suy giảm nguồn nước và thiếu hụt lượng phù sa từ sông Mê Công còn gây nhiều hệ lụy trực tiếp đến môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên, có thể là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong những năm qua.
Nhu cầu phát triển kinh tế trong Tiểu vùng sông Mê Công là rất lớn. Ảnh: THANH TRÚC |
- Nằm trong Tiểu vùng sông Mê Công và là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Việt Nam đã triển khai những nỗ lực gì để góp phần khắc phục những vấn đề trên?
Ý thức rõ về vị thế là quốc gia cuối nguồn trong lưu vực sông Mê Công và tầm quan trọng của việc tham gia Ủy hội sông Mê Công quốc tế (Ủy hội) giúp bảo vệ lợi ích quốc gia, trong mọi hoạt động hợp tác đa phương, Việt Nam luôn chủ động nêu cao vai trò của Ủy hội; kiến nghị gắn kết, phối hợp với Ủy hội trong mọi hoạt động liên quan.
Trong quá trình tham gia các hoạt động của Ủy hội, cũng như hợp tác song phương và đa phương khác với các đối tác phát triển, quan tâm lưu vực sông Mê Công, cũng như các cơ chế hợp tác khu vực, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và liên bang, Việt Nam luôn tận dụng cơ hội khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Ủy hội, đặc biệt trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Ủy hội trên trường quốc tế và khu vực. Việt Nam cũng tích cực, chủ động đóng vai trò dẫn dắt trong các hoạt động hợp tác của các cơ chế hợp tác khác, nhất là hợp tác về tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương; kêu gọi sự chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, nâng cấp công cụ, tăng cường năng lực phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, theo dõi, giám sát.
Việt Nam cũng chủ động tăng cường theo dõi, giám sát các hoạt động phát triển trên thượng nguồn, thông qua việc mở rộng mạng quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát chất lượng nước, đo đạc phù sa bùn cát, thủy sản, sức khỏe hệ sinh thái, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, hiện đại như công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh. Để chủ động ứng phó thiên tai như lũ lụt và hạn hán, Việt Nam cũng rất nỗ lực trong công tác dự báo và cảnh báo sớm.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Ủy hội sông Mê Công quốc tế diễn ra tại Vientiane (Lào) tháng 4/2023, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, nhất là kiến nghị thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực dựa trên công nghệ số, chia sẻ số liệu vận hành các công trình sử dụng nước theo thời gian thực.
Trước bối cảnh các nước gia tăng khai thác sử dụng nước trên lưu vực, Việt Nam đã đề nghị các quốc gia thành viên Ủy hội tăng cường chia sẻ thông tin về các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nhất là thông tin về kế hoạch xây dựng các dự án khai thác tài nguyên nước trên lưu vực và vận hành công trình, không chỉ trên dòng chính mà cả trên các dòng nhánh sông Mê Công; tuân thủ các quy định của Hiệp định Mê Công 1995 và các quy chế, thủ tục liên quan, đặc biệt là áp dụng Hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới của Ủy hội nhằm giảm tối đa tác động của các hoạt động phát triển, góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bảo đảm an ninh nguồn nước của lưu vực.
- Theo bà, hợp tác bảo đảm an ninh nguồn nước ở Tiểu vùng sông Mê Công cần chú trọng nội dung gì?
Với các quốc gia là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam), cần nghiêm túc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Hiệp định Mê Công 1995, các cam kết của lãnh đạo cấp cao, trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước và các quy chế, thủ tục sử dụng nước. Các nước cũng cần tăng cường mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường xuyên biên giới và các hoạt động cảnh báo, dự báo lũ, hạn hán; đẩy mạnh công tác chia sẻ thông tin, số liệu về lưu vực, tiến tới xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn lưu vực sông Mê Công và cùng nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Mê Công, nhằm bảo đảm sử dụng nước công bằng, hợp lý giữa các quốc gia trên lưu vực.
Ngoài hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội, các quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy và mở rộng thêm hợp tác về tài nguyên nước theo những cơ chế hợp tác khác một cách thiết thực, hiệu quả, tạo thêm kênh đối thoại về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, thúc đẩy các nước thượng nguồn chia sẻ đầy đủ và kịp thời thông tin về các dự án phát triển trên sông Mê Công cho các nước hạ nguồn.
Với vai trò là các đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Trung Quốc và Myanmar cần tiếp tục thực hiện các cam kết trong trao đổi, chia sẻ thông tin, số liệu với Ủy hội, nhằm phục vụ các hoạt động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đánh giá hiện trạng toàn lưu vực, thực hiện các nghiên cứu chung về thay đổi chế độ dòng chảy sông Mê Công và đề xuất các chiến lược thích ứng.
Điểm quan trọng mấu chốt là các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Công cần tiếp tục xây dựng và củng cố lòng tin thông qua việc công khai, minh bạch, kịp thời và thiện chí trong trao đổi, chia sẻ thông tin về kế hoạch, dự định phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công. Đó là nền tảng cho các quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững, từ đó góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững và bảo đảm an ninh nguồn nước của lưu vực.
- Chân thành cảm ơn bà!