Chuyện người phụ nữ 58 tuổi sinh con
Những năm qua, đã có hàng nghìn đứa trẻ ra đời từ Trung tâm hỗ trợ sinh sản (HTSS) của Bệnh viện Bưu Điện. Tiếng lành đồn xa, nơi đây trở thành địa chỉ tìm đến của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Sau khi tư vấn cho các bệnh nhân xếp hàng chờ, bác sĩ Nhã gặp tôi, và tôi đã bất ngờ, ám ảnh khi nghe chị kể...
Người phụ nữ dự phiên tòa ly hôn với chồng, đạp xe trên đường Giải Phóng (Hà Nội) trong tâm trạng giông bão. Vợ chồng chị đã quyết định ly hôn sau nhiều năm chung sống mà không có con. Chị đi khám nhiều nơi, các bác sĩ đều xác định bị viêm lộ tuyến - một bệnh thường gặp của phụ nữ. Nhưng lúc ấy như một “thói quen” trong nếp nghĩ, khi hai vợ chồng không thể có con, lỗi đều thuộc về phụ nữ. Đạp xe liêu xiêu vô định sau phiên tòa ly hôn, chị lao vào đoàn tàu ở đoạn đường thuộc huyện Thường Tín và qua đời. Chồng cũ của chị sau đó lấy vợ cũng không có con, lúc đó tất cả mới hay, nguyên nhân vô sinh không phải từ phía chị.
Em gái của người phụ nữ ấy, lúc đó đang học Đại học Y Hà Nội đã vô cùng đau buồn và day dứt vì cái chết của chị. Nữ sinh viên có tên Nguyễn Thị Nhã sau khi ra trường đã quyết định vào khoa Sản Bệnh viện Bưu điện làm việc. Ở đây, chị lại chứng kiến nỗi buồn đau của những phụ nữ không thể làm mẹ. Mình phải làm gì để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn này? Tại sao là bác sĩ sản khoa mà không thể giúp họ được làm mẹ?... Những câu hỏi đó cứ xoáy sâu vào tâm trí nữ bác sĩ trẻ. Hỏi cũng tức là trả lời, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã đã chuyên tâm đào sâu chuyên môn và được lãnh đạo Bệnh viện Bưu Điện tạo mọi điều kiện để chị đi học tập về hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh và tham gia các khóa tập huấn, hội thảo ở Pháp, Mỹ... Lãnh đạo tập đoàn VNPT và Bệnh viện Bưu điện đã quyết định thành lập Trung tâm HTSS, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã làm giám đốc. Và kể từ đây, nơi này đã bắt đầu một hành trình đi từ không đến có, mang tới nhiều điều kỳ diệu tưởng như chỉ có trong cổ tích cho nhiều gia đình.
Đó là câu chuyện chị Ngân - người phụ nữ đã 58 tuổi nhưng vẫn có thể mang bầu và sinh một bé trai kháu khỉnh. Chị Ngân quê ở Đan Phượng - lập gia đình mấy chục năm nhưng không thể có con vì chồng tinh trùng yếu. Chồng chị không chịu thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) vì cho rằng làm theo cách đó thì không phải con mình. Mãi cho đến khi thấy vợ hàng xóm đi làm IVF về sinh một đứa bé giống hệt bố, chồng chị Ngân mới thay đổi suy nghĩ, nhưng lúc đó chị đã bước sang tuổi 58. Cảm động trước khát khao được làm mẹ của chị, sau khi thăm khám, bác sĩ Nhã quyết định làm IVF cho chị từ trứng của một người hiến tặng và tinh trùng của chồng chị. Chị Ngân hoài thai và cùng các bác sĩ ở Trung tâm HTSS hồi hộp dõi theo mầm sống trong mình. Đến tuần thứ 35, chỉ trở dạ sinh một bé trai nặng 2,6 kg khỏe mạnh và người phụ nữ tuổi 58 này vẫn đủ sữa cho con bú. Chị Ngân trở thành phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con đầu lòng ở Việt Nam, một điều mà ngay cả trong mơ, chị cũng không dám nghĩ tới. Đó chỉ là một trong số rất nhiều kỳ tích mà Trung tâm HTSS xác lập chỉ trong vòng sáu năm thành lập.
Thầy thuốc ưu tú, TS. BS Đỗ Văn Tráng, Giám đốc Bệnh viện Bưu điện chia sẻ: “Trong số những người đến bệnh viện thì có lẽ người mắc bệnh vô sinh, hiếm muộn có nhiều nỗi niềm và tâm tư nhất. Không chỉ lo lắng, buồn tủi khi không biết vì sao mình lại không thể có con, những áp lực về kinh tế, tâm lý càng khiến họ thêm trăn trở, thậm chí tuyệt vọng khi năm này qua năm khác tìm kiếm, thăm khám, điều trị đủ cách mà không thể có được một mụn con. Thấu cảm những nỗi niềm ấy, Trung tâm HTSS luôn đồng hành, sẻ chia, hỗ trợ người bệnh một cách hiệu quả, góp phần mang đến tiếng cười, hạnh phúc vô bờ bến của biết bao gia đình từng đứng bên bờ vực tuyệt vọng bởi chứng bệnh vô sinh. Chỉ sau một thời gian ngắn Trung tâm HTSS đã làm được hầu hết các kỹ thuật HTSS mà các Trung tâm HTSS ở Việt Nam cũng như trên thế giới thực hiện như: bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA), lấy tinh trùng vi phẫu tinh hoàn (Micro TESE), đông phôi theo phương pháp thủy tinh hóa, chuyển phôi đông lạnh... Không chỉ thế, Trung tâm còn thực hiện thành công nhiều ca IVF khó như: người bệnh lớn tuổi, người bệnh có tinh trùng bất động 100%... làm nên tiếng vang và là niềm hy vọng của nhiều gia đình vô sinh hiếm muộn”.
Mùa xuân của nữ bác sĩ
Ngày 18-9-2019 là ngày vợ chồng chị Hạnh, anh Thành không bao giờ quên, ngày mà sau 17 năm trời mòn mỏi chờ đợi đến vô vọng, cuối cùng họ đã được hưởng niềm vui làm bố mẹ. Trước đó, chị Hạnh đã bảy lần mang thai, nhưng đều mất con vì nội tiết kém, thiếu dưỡng chất, không đủ sức khỏe. Cuối năm 2018, hai vợ chồng đến Trung tâm HTSS (Bệnh viện Bưu điện) và tự nhủ sẽ “đặt cược” lần cuối. Nếu lần này không thành, họ sẽ xin con nuôi vì toàn bộ đất đai và nhà cửa đều bán để chữa chạy. Trực tiếp khám, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã nhận thấy dự trữ buồng trứng của chị Hạnh thấp, số trứng còn lại thấp nên tỷ lệ làm thụ tinh IVF thành công thấp. Chị Hạnh vẫn quyết tâm “còn bao nhiêu, dùng bấy nhiêu” và quyết định không xin trứng. Chị Hạnh đã mang bầu trong lần chuyển phôi đầu tiên, đến tuần thứ 38, một bé trai đã chào đời nặng 2.9 kg. Cho đến bây giờ giọng anh Thành vẫn có gì đó run run khi nhớ lại giây phút đón con trai chào đời: “Ở tuổi ngoài 40 mới học cách làm bố, đeo kính pha sữa cho con, có lúc vã mồ hôi, nhưng nghĩ tới 17 năm chờ đợi, tôi lại thấy rất xứng đáng”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã tâm sự: “Khi mới thành lập năm 2013, tỷ lệ thụ thai thành công của Trung tâm HTSS mới đạt 30-40% thì cho đến nay, hằng tháng tỷ lệ thành công các ca đạt từ 60 đến 67%, tỷ lệ có thai lâm sàng (có tim thai) đạt từ 52 đến 55% và thai diễn tiến (có thai trên 12 tuần) là 47 đến 50%. Chúng tôi luôn cố gắng đạt tỷ lệ cao nhất có thể, liên tục cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực HTSS. Mỗi một hồ sơ bệnh nhân đều có mã số riêng, quản lý và lưu trữ với quy trình chặt chẽ trên máy tính. Những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đều có quy chuẩn chung nhưng quan trọng là người thực hiện thế nào. Cũng trứng đó, tinh trùng đó vào tay người này thì có thai, nhưng vào tay người khác chưa chắc đã có. Làm sao để thụ thai thành công, ngoài câu chuyện quy trình, quy chuẩn kỹ thuật cần có thái độ làm việc nghiêm túc mà đằng sau đó là cái tâm của người bác sĩ. Mỗi một thao tác của bác sĩ đều ảnh hưởng tới sự thành bại của bệnh nhân. Khác với việc may cái áo, xấu đẹp đều nhìn thấy ngay, nhưng người bác sĩ thao tác với phôi thì không thể biết được. Chính vì thế, quan điểm của tôi là nếu hôm nay bác sĩ còn có gì đó phân tâm thì hãy làm việc khác, khi nào có thể toàn tâm toàn ý thì mới thực hiện những thao tác quan trọng như chọc trứng, tạo phôi. Bí quyết thành công của chúng tôi là luôn tạo môi trường làm việc thoải mái nhất cho các y bác sĩ”.
Tôi có mặt ở khoa HTSS, một nơi luôn sạch đến vô trùng, nơi bệnh nhân đến mà như trở về ngôi nhà của mình, mang theo nhiều hy vọng. Tôi bất giác cảm thấy xúc động khi biết tại nơi đây, đã có hàng nghìn đứa trẻ chào đời khi mà bố mẹ của chúng nhiều lúc đã cảm thấy vô vọng trên đường tìm con. Nơi này ngày càng có nhiều cặp vợ chồng tìm đến khi mà tỷ lệ vô sinh hiếm muộn lại tăng nhanh. Trong số đó, có rất nhiều cặp vợ chồng nghèo, không đủ tiền để làm các kỹ thuật tốn kém như IVF. Nhưng Bệnh viện Bưu điện đã tiếp sức cho họ, mặc dù phải tự chủ tài chính từ lâu, nhưng trong những năm qua, nơi đây đã tài trợ cho gần 200 cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn với 30 triệu đồng/cặp để làm IVF. Chỉ riêng trong năm 2019, Trung tâm đã tư vấn, khám miễn phí cho gần 1000 lượt bệnh nhân. Nhiều cặp vợ chồng nhờ thế phát hiện bệnh, điều trị kịp thời và sinh con. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã trở thành người mẹ thứ hai của nhiều đứa trẻ ra đời ở đây, không chỉ ở nghĩa cử giúp đứa trẻ ra đời bằng kỹ thuật, mà còn chia sẻ cho những cảnh ngộ éo le. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo đã được chị giúp đỡ tiền, động viên tinh thần để họ tiếp tục hành trình sinh con, nuôi con vốn đã nhọc nhằn và nhiều lúc đơn độc.
Cái chộn rộn cuối năm như dừng lại ngoài cánh cửa của Trung tâm HTSS, nơi đây các y, bác sĩ đang tận tâm cho những ca hiếm muộn và từ đây nhiều người sẽ mãn nguyệt khai hoa. Điện thoại của bác sĩ Nhã sẽ nhận được những tin nhắn cảm ơn đình kèm hình ảnh trẻ thơ. Nhìn những hình ảnh đó, chị như đã thấy cả mùa xuân và chẳng có mùa xuân nào đẹp hơn thế.