Ðến đền Hùng, đầu tiên du khách thăm và làm lễ dâng hương tại nhà tưởng niệm 18 đời vua Hùng, những vị vua đã có công mở nước và xây dựng lên nhà nước Văn Lang cổ đại. Du khách tiếp tục tham quan đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng trên núi Nghĩa Lĩnh.
Những cây xanh bản địa được trồng mới theo từng hàng lớp, tạo cảnh quan môi trường thêm hấp dẫn đối với du khách. Từ trên khu vực đền, du khách có thể chiêm ngưỡng cả một vùng đất rộng của trung tâm Bắc Bộ, với ngã ba Hạc, nơi sông Lô chảy vào sông Hồng, các dãy núi của hệ núi Tam Ðảo và Ba Vì xen lẫn với những cánh đồng tốt tươi, những làng quê trù phú của miền trung du Bắc Bộ.
Có dịp đặt chân đến đền Hùng, du khách còn làm lễ dâng hương tại đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân trong quần thể Di tích lịch sử đền Hùng. Ðây là các đền thờ cha 'Rồng', mẹ 'Tiên' của con cháu Lạc Hồng. Những ngôi đền mới được xây dựng khang trang bề thế, ngày ngày đón con cháu về tưởng nhớ tiền nhân, nhớ tới cội nguồn.
Du khách được tham quan bảo tàng Hùng Vương, lưu giữ và trưng bày các hiện vật lịch sử của thời đại Hùng Vương, nghe giới thiệu về lịch sử ra đời hình thành phát triển của nhà nước Văn Lang - tên quốc gia đầu tiên của nước ta. Qua tài liệu của các nhà nghiên cứu văn hoá thời đại Hùng Vương thì nếu lấy đền Hùng làm tâm thì trong bán kính 20km có tới 50 làng cổ và vượt ra ngoài phạm vi đó có tới trên 20 làng cổ khác mang những dấu ấn của thời đại Hùng Vương. Các làng cổ chứa đựng trong đó tập quán sinh hoạt cộng đồng, ngành nghề thủ công, đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân Lạc Việt nếu được phục dựng sẽ thu hút được du khách.
Năm 2011, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng với các hoạt động trải dài từ Khu di tích lịch sử đền Hùng, thành phố Việt Trì đến các xã, phường vùng ven khu di tích. Năm nay lễ hội Ðền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ làm chủ lễ và có sự tham gia của năm tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Ðịnh, Quảng Ngãi và Ðồng Tháp.
Các hoạt động của lễ hội đền Hùng như tổ chức rước kiệu của các xã vùng ven khu di tích về đền Hùng; đánh trống đồng, múa sư tử và hát Xoan của các phường Xoan trong tỉnh; triển lãm các hiện vật cung tiến với chủ đề 'Tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế với đền Hùng'. Ngoài ra, còn có hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày của một số tỉnh, thành phố trong cả nước và các hoạt động thể thao, văn hóa, trình diễn diễn xướng dân gian... Bên cạnh đó, tổ chức lễ phát động trồng cây, hội thảo quốc tế 'Tín ngưỡng thờ Hùng Vương' để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...