Thị trường vốn của Việt Nam, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ mới hình thành, với quy mô thị trường còn nhỏ so GDP. Thời gian gần đây thị trường này phát triển nhanh về quy mô, sản phẩm, góp phần huy động được nguồn lực tài chính quan trọng, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.
Thị trường "niềm tin" còn hạn chế, rủi ro
Hiện nay, thị trường vốn đã hình thành, vận hành đầy đủ các cấu phần như: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phái sinh. Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2019 đến đầu năm 2022 và đã nhanh chóng đạt được quy mô khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tính đến ngày 31/12/2022.
Theo Bộ Tài chính, với tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, quy mô thị trường vốn đã đạt 134,5% GDP năm 2021. Quy mô vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 39,7% GDP, có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng... Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thị trường này cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập về nhiều khía cạnh như: cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường...
Thêm nữa, dù phát triển mạnh, song thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn khá nhỏ so các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung, dài hạn. Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tài chính khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.
Mặt khác, phần lớn nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro khi mua, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nên cũng hạn chế đáng kể việc đánh giá và ra quyết định của các nhà đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp như: doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán... chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường. Hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Chính Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng từng thẳng thắn thừa nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian qua chủ yếu là... trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Dù không đại diện cho toàn thị trường nhưng những vụ việc sai phạm pháp luật trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian qua quả thật là "con sâu làm rầu nồi canh", làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Chưa kể, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố... Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu nhưng mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển và chỉ thật sự được quan tâm, phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây. Vậy nên, khó tránh khỏi những hạn chế và bộc lộ một số rủi ro, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.
Nhất quán nguyên tắc "tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm"
Thực tế, theo quy luật, thị trường sẽ trải qua giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khởi nguồn từ "lượng" và chuyển dần sang tăng về "chất". Chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành vi của các chủ thể tham gia thị trường. Và trách nhiệm đầu tiên, quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là niềm tin, là "chữ tình" với doanh nghiệp.
Thực tế, từ chủ trương, đường lối của Đảng đến các quyết sách của Chính phủ đều thể hiện rõ quyết tâm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, minh bạch và không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thị trường khi phát triển đã đem lại tác dụng tích cực với vai trò là một kênh dẫn vốn, chia sẻ hoạt động cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế, đặc biệt là giúp các tổ chức tín dụng bớt đi gánh nặng về rủi ro kỳ hạn.
Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn, hướng tới thông lệ quốc tế, và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ quan điểm, trong dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một công cụ quan trọng, chủ chốt và rất cần thiết trong việc đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng ta không cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, miễn là doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tuân thủ đúng quy định pháp lý theo đúng tinh thần "tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm".
Việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường. Khi các chủ thể phát hành tuân thủ pháp lý cao, đề cao tính minh bạch, công bố thông tin đầy đủ, giữ chữ tín với nhà đầu tư, thanh toán đầy đủ, đúng hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, còn nhà đầu tư hiểu biết pháp luật, cẩn trọng xem xét thị trường khi mua trái phiếu doanh nghiệp..., chắc chắn chất lượng và niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được nâng lên.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng và cần được kiến tạo nền tảng để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội: Từ ngày 19/7 đến ngày 2/10/2023, tổng khối lượng giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 83 triệu trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 22.000 tỷ đồng.