Linh cảm nghề nghiệp và những phát hiện lịch sử
Nhớ lại cơ duyên phát hiện hang động núi lửa Krông Nô, TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, năm 2007, khi thực hiện đề tài “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, tỉnh Đác Nông” do Unesco tài trợ, trong một lần đi khảo sát địa chất tại khu du lịch Đray Sáp, ông đặc biệt quan tâm các thành tạo bazan và nghĩ nhiều đến núi lửa, hang động núi lửa. Các tài liệu địa chất trước đây đã ghi nhận, khu vực này hàng nghìn năm trước, có núi lửa Chư B’Luk hoạt động. Bằng chứng đó cộng với linh cảm nghề nghiệp đã thôi thúc ông gặp hướng dẫn viên khu du lịch là anh Nguyễn Thanh Tùng để dò hỏi có hang động ở quanh khu vực hay không và được anh Tùng dẫn vào khu rừng gần khu du lịch. “Đứng trước hang, tôi vui sướng thốt lên: Hang động núi lửa đây rồi!”, TS Phúc nhớ lại. Đó chính là một trong 45 hang lớn, nhỏ được phát hiện sau này và đánh dấu thời điểm lần đầu tiên Việt Nam phát hiện có hang động núi lửa, bởi trước đó, các hang động được tìm thấy đều là hang đá vôi. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới, đặc biệt là Hội Hang động núi lửa Nhật Bản. Họ đã đến hợp tác nghiên cứu với TS Phúc và cộng sự từ năm 2012. Kết quả đã xác lập kỷ lục cho hệ thống hang động núi lửa Krông Nô về quy mô, độ dài và tính độc đáo bậc nhất Đông - Nam Á.
Trong những lần khảo sát thực địa giúp tỉnh Đác Nông xây dựng Hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu, TS La Thế Phúc vẫn ám ảnh những câu chuyện mà người dân nơi đây kể về cái “búa trời”. Người dân gọi “búa trời” bởi một lần sét đánh gốc cây cổ thụ, chiếc búa bằng đá, hình thang, nhỏ cỡ ba ngón tay bật ra. Người dân tin vào sự linh nghiệm của chiếc búa, đưa về mài búa lấy nước cho trẻ nhỏ uống trừ quấy khóc về đêm. Mặc dù văn liệu chưa từng nhắc tới dấu tích người tiền sử ở huyện Krông Nô, nhưng một lần nữa, linh cảm nghề nghiệp đã khiến TS La Thế Phúc nghĩ tới rìu đá/đồ đá của người tiền sử. Ông được người dân cho xem “búa trời” và rồi một lần tình cờ, chính ông đã tìm thấy một chiếc rìu đá tại hiên nhà của một người dân trên đường đi khảo sát địa chất. Ông đã quyết định điền dã cùng với một nhà địa chất (vừa là cộng sự và là người bạn đời của ông) để tiếp cận, nhận diện làm quen các đồ đá, đồ gốm tiền sử tại thôn Tám, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, cùng sự hướng dẫn của ThS khảo cổ học Vũ Tiến Đức (Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên). Có thể nói, đây là cuộc điền dã lịch sử, tạo niềm đam mê mới bên cạnh niềm đam mê bảo tồn di sản địa chất vốn có trong ông.
Nhiều vỏ ốc biển được tìm thấy minh chứng mối quan hệ của người tiền sử với cư dân biển.
Thổi hồn cho hang động núi lửa
Trở về Hà Nội, ông đề xuất và được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho triển khai đề tài cấp cơ sở “Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong công viên địa chất núi lửa Krông Nô”. Sau quá trình thực hiện, TS Phúc và các cộng sự phát hiện thêm nhiều địa điểm chứa di tích khảo cổ tiền sử với các hiện vật gắn liền sinh hoạt, lao động của người tiền sử, như: rìu đá, bàn dập, cối đá, phác vật, mảnh gốm, mảnh tước, hòn ghè, hòn mài... Đáng chú ý, nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài đã phát hiện nhiều hiện vật thời tiền sử với số lượng và mật độ tăng dần trong các hang núi lửa, từ hang C1 đến C6; đặc biệt xuất hiện dày đặc tại hang C6-1. Vấn đề cấp thiết đặt ra là tìm ra địa điểm, vị trí để đào hố thám sát, khai quật tìm chủ nhân của các hiện vật tiền sử. Ban Chủ nhiệm dự án Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã giao nhiệm vụ đột xuất “Nghiên cứu, điều tra thăm dò (thám sát) khảo cổ hang động núi lửa thuộc huyện Krông Nô” cho TS Phúc chủ trì thực hiện. Hố thám sát được mở tại hang C6-1 với kết quả phát hiện các di tích bếp lửa, thu hàng vạn hiện vật, gồm: đồ đá, đồ gốm, mũi tên đồng, thổ hoàng, công cụ xương mày, xương răng động vật và vụn vỏ nhuyễn thể. Đây là bằng chứng xác thực nơi cư trú của người tiền sử và cơ sở bảo đảm việc khai quật mở rộng tiếp theo. Trước kết quả thám sát, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì đề tài Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, do TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm. Theo đó, hai hố khai quật đã được thực hiện ở hang C6’ và hang C6-1. Kết quả cho thấy, hang C6’ là trại săn tạm thời (qua đêm) của cư dân tiền sử. Hang C6-1 là nơi ở của người tiền sử với nhiều di tích được tìm thấy: các bếp lửa, hố rác bếp, đá xếp hình tròn... và hàng vạn di vật quý giá, như: công cụ đá các loại, tinh thể thạch anh, hoàng thổ, công cụ xương, đồ gốm, xương răng động vật (thú, bò sát, chim, động vật lưỡng cư, cá...), vỏ nhuyễn thể nước ngọt các loại, ốc núi và ốc biển. Đặc biệt, phát hiện ba bộ di cốt khá đầy đủ của người tiền sử và các vụn xương răng của bảy cá thể người tiền sử khác. PGS, TS Nguyễn Lân Cường tham gia cộng tác khai quật và nghiên cứu về cổ nhân học chia sẻ: Qua trao đổi, các nhà khoa học Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Indonesia... rất ngạc nhiên và cho rằng, họ chưa hề phát hiện di cốt người cổ trong những hang động núi lửa.
Các di vật ở hố khai quật đã phác họa khá rõ lịch sử, văn hóa của người tiền sử. PGS, TS Nguyễn Khắc Sử (cộng tác viên của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) chủ trì khai quật nhận định, cư dân tiền sử bắt đầu cư trú trong hang cách đây bảy nghìn năm và trong khoảng ba nghìn năm sống trong hang, đã săn bắt, hái lượm để sinh sống, thức ăn ngoài các loài thú như hươu, nai, lợn rừng, tê giác, chim, cá, khỉ, rắn, ba ba, chó rừng, cầy, mai rùa,... còn có các loài ốc, hến. Có các dấu tích của bếp trong hang và các dụng cụ bằng đá, bằng xương động vật để cắt thịt. Nghiên cứu bước đầu về bộ xương một trẻ em, đó là trẻ khoảng bốn tuổi, răng cửa sữa mòn vẹt, do nguồn thức ăn chủ yếu là trai, ốc, hến. Cũng nhờ vỏ sò, ốc, hến thải ra trong môi trường đã làm tăng can-xi trong đất khiến bộ xương người phát hiện tại hang động núi lửa khá nguyên vẹn. Các nhà khoa học nhận định, cư dân tiền sử ở Tây Nguyên đã có sự giao lưu với biển, với những nhóm người khác, biết sử dụng vỏ ốc biển làm đồ trang sức. Các cư dân ở trong hang tiếp xúc với cộng đồng cư dân khác không cùng tộc người ít nhất cách đây năm nghìn năm. Có sự thay đổi của môi trường, khí hậu và sự thích nghi của người tiền sử qua các di vật để lại. Đồ gốm được phát hiện tại hang động là di vật rất quan trọng, cho thấy con người xa xưa đã rất sáng tạo, pha đất, nặn hình, nung lửa để sử dụng. Có đồ gốm chứng tỏ con người đã biết nấu chín thức ăn. Theo đánh giá của PGS, TS Nguyễn Khắc Sử, đây là đồ gốm có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Tây Nguyên từ trước đến nay. Trình độ của người tiền sử khá phát triển, trong số rất nhiều hang, người tiền sử biết chọn hang rộng, thoáng, trần chắc chắn, thoát nước, gần nguồn nước, nhiều ánh sáng để sinh sống.
Hang động núi lửa Krông Nô gắn liền với chủ nhân người tiền sử không chỉ có giá trị về khoa học, lịch sử mà chắc chắn sẽ là điểm thu hút du khách trong nay mai. Đây là di sản kép, di sản hỗn hợp giữa thiên nhiên và con người, có giá trị nổi bật toàn cầu. TS Phúc cho biết, ông và các cộng sự của đề tài đã có kế hoạch bảo tồn tại chỗ, dự kiến đẩy mạnh nghiên cứu di chỉ, làm các phiên bản và ma-nơ-canh tái hiện cảnh sinh hoạt thường nhật của người tiền sử phục vụ tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Đác Nông.