Siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả

|

Triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và chủ đề công tác năm 2017 về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh" bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo chuyển biến tích cực ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tăng cường kỷ luật, vì dân phục vụ

"Trước kia không ít cán bộ công chức (CBCC) buổi trưa mải đi uống rượu về làm muộn, thậm chí nghỉ luôn buổi chiều, ảnh hưởng tới công việc thì nay tình trạng này đã chấm dứt", Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Mai Vũ Tuấn khẳng định. Với huyện miền núi hơn 90% bà con người dân tộc, uống rượu là tập quán khó bỏ, tuy nhiên khi chỉ đạo kiên quyết: tổ chức CBCC ký cam kết với thủ trưởng, lãnh đạo các đầu mối cam kết với lãnh đạo huyện nếu cán bộ vi phạm chịu trách nhiệm liên đới, thành lập tổ kiểm tra đột xuất, mọi người đều nghiêm túc chấp hành.

Tác phong, lề lối làm việc và tinh thần phục vụ người dân chuyển biến tích cực cho thấy sự nghiêm túc của mỗi CBCC, cơ quan, đơn vị hưởng ứng thực hiện chủ đề công tác của tỉnh về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh". Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cô Tô Vũ Văn Hiển chia sẻ, từ khi tổ công tác đặc biệt kiểm tra đột xuất và giám sát, nhắc nhở, nề nếp làm việc tại Trung tâm Hành chính công của huyện quy củ hơn thể hiện qua ứng xử văn hóa, hướng dẫn tận tình, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng, đúng hẹn. Nhiều thủ tục quy định làm trong một ngày, nhưng giải quyết chỉ vài tiếng, bà con rất hài lòng. Có thêm kênh giám sát từ người dân, mỗi CBCC càng gắng giữ mình để tránh bị phàn nàn, nhắc nhở.

Hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn, cắt giảm tối đa các TTHC, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân trong giao dịch TTHC; nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu của nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở. Đội trưởng Quản lý hành chính về TTXH công an TP Hạ Long Phạm Trường Sơn bộc bạch, mình đặt địa vị là người dân đi làm TTHC mới thấu hiểu nỗi vất vả, thế nên cán bộ chiến sĩ (CBCS) luôn làm hết việc chứ không hết giờ, tận tụy phục vụ vô điều kiện. Nhiều năm tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo, anh Lê Anh Đài, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đúc rút kinh nghiệm, nếu vững nghiệp vụ, có bản lĩnh, thân thiện, cởi mở lắng nghe và chân tình trao đổi sẽ hạ nhiệt tình hình và giúp người dân bớt bức xúc, biết phân biệt đúng sai để hành động đúng.

Sở dĩ có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 gắn với nhiệm vụ chuyên môn bởi nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt học tập bài bản, sâu rộng, nghiêm túc, coi trọng khâu kiểm tra, giám sát. Khi đã thấm nhuần, tất yếu kế hoạch, chương trình hành động được triển khai cụ thể theo đúng nội dung đã ký cam kết. Đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng công an TP Hạ Long chia sẻ, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo thực hiện "những việc cần làm ngay" như chấm dứt tình trạng ăn uống, "liên hoan", "gặp mặt" với động cơ không trong sáng; tổ chức cưới hỏi, giỗ tết tiết kiệm, không uống rượu, bia, trong giờ làm việc; xử lý nghiêm CBCS sai phạm kỷ luật không để kéo dài; điều động luân chuyển ngay những CBCS có dấu hiệu vi phạm về đạo đức, lối sống và kỷ luật của ngành...

Ngoài ra, việc định kỳ đối thoại với đoàn viên, CBCS trẻ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng từ đó có chủ trương quản lý, giáo dục phù hợp, hằng năm tất cả cán bộ, đảng viên cam kết bằng văn bản rèn luyện không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", mỗi tháng kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 nhằm khắc phục kịp thời thiếu sót đã phát huy hiệu quả tích cực. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, bên cạnh thành tích chuyên môn, kết quả thực hiện nghị quyết còn là căn cứ xem xét quy hoạch, đề bạt, luân chuyển, đào tạo cán bộ.

Với đặc thù đảm nhiệm "gác gôn", thời gian qua, nhiều vụ việc, dấu hiệu sai phạm đã được Thanh tra tỉnh sớm phát hiện, cảnh báo và đề nghị xử lý, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Với cách làm mới là chủ động thanh tra công trình trọng điểm ở giai đoạn vừa hoàn thành, chưa quyết toán đã giúp phòng ngừa sai phạm, kiến nghị giảm trừ không quyết toán hàng chục tỷ đồng. Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh Phạm Xuân Thắng chia sẻ, hành vi sai phạm chưa hoàn chỉnh nên "cứu" được cán bộ, nếu phát hiện sai phạm ở thời điểm công trình đã quyết toán xong cán bộ dễ bị xử lý trách nhiệm, kỷ luật thường nặng nề.

Thanh tra góp phần chấn chỉnh kỷ cương, tuy nhiên tuyệt đối không thể áp đặt cách nghĩ chủ quan hễ thanh tra phải tìm ra được cái sai và không vì bệnh thành tích mà làm oan sai. Để đối tượng thanh tra "tâm phục khẩu phục", cán bộ phải công tâm, trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu kết hợp kiểm tra thực địa, dẫn chiếu cụ thể các quy định, từ đó phân tích, đánh giá chính xác, khách quan, chỉ rõ bản chất sai ở khâu nào; tạo mọi điều kiện cho đối tượng thanh tra giải trình nội dung dự thảo kết luận thanh tra. Đặc biệt, từ năm ngoái, tất cả cuộc thanh tra đều có tổ giám sát, tránh "một mình một ngựa" dẫn đến lạm quyền hay "cưỡi ngựa xem hoa" bỏ sót lọt vì động cơ vụ lợi cá nhân.

Có thể cảm nhận không khí quyết tâm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết và hiệu quả ban đầu là minh chứng. CBCC chủ động cải tiến lề lối làm việc, giải quyết công việc nhiệt tình, nhanh chóng, không cửa quyền, sách nhiễu, vô cảm với dân; xuất hiện thêm nhiều điển hình tâm huyết tìm tòi nhiều cách làm hay, sáng tạo. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại ở một số chi, đảng bộ cơ sở cần sớm khắc phục là khâu thực hiện còn lúng túng, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và đột phá, mang nặng tính hình thức.

Đầu tàu gương mẫu

"Cán bộ đi trước, làng nước theo sau". Triển khai chỉ thành công nếu người đứng đầu cấp ủy, bí thư đảng bộ, chi bộ, thủ trưởng đơn vị gương mẫu và xông xáo vào cuộc. Lãnh đạo nêu gương cả trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt công tác chuyên môn cấp dưới mới nể phục noi theo. Khâu quán triệt Nghị quyết ghi nhận tiến bộ của nhiều lãnh đạo quản lý về ý thức học tập nghiêm túc, xây dựng kế hoạch hành động cá nhân kỹ lưỡng; trực tiếp chỉ đạo sâu sát từng bước, không qua loa, đại khái. Đơn cử ở huyện Bình Liêu, trước đây báo cáo viên chuyên trách của Ban Tuyên giáo thường phổ biến nghị quyết nên đôi khi Bí thư cấp ủy chưa nghiên cứu kỹ nội dung thì nay Bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt nên nghiên cứu rất sâu. Khi ấy, đương nhiên cấp dưới cũng bố trí thời gian học tập thỏa đáng và tự giác chấp hành.

Phân công rõ việc, rõ người, giao nhiệm vụ có phân cấp theo đúng quy chế, đề cao và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để cấp dưới mắc sai phạm là phương thức lãnh đạo hữu hiệu. Đại tá Lê Duy Tấn trải lòng: Tư tưởng không thông đeo bình tông không nổi. Mình không gương mẫu chẳng thể nói được anh em. Không chỉ tay năm ngón, việc khó có mặt chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên, quy trách nhiệm liên đới trong điều hành của lãnh đạo các đội, phường, công việc chuyển biến hẳn. Nhằm phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, chủ trương miễn nhiệm, thay thế cán bộ làm việc yếu kém, phẩm chất đạo đức kém, tín nhiệm thấp, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác cũng được công an thành phố áp dụng. Xây dựng đội ngũ CBCC cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và cơ quan đơn vị, trong sạch, vững mạnh không thể thiếu vai trò của người thủ trưởng. Cầu thị lắng nghe phản ánh từ các kênh thông tin, nhiều lãnh đạo chủ động có biện pháp quản lý phù hợp, kèm cặp nhắc nhở thường xuyên nhằm ngăn ngừa biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong CBCC.

Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng giúp cho người đứng đầu nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức rõ khiếm khuyết, hạn chế và sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Nếu như trước đây những kiến nghị hậu thanh tra còn chưa được thực hiện nghiêm thì nay các đối tượng thanh tra đã có giải pháp khắc phục triệt để, tránh tái diễn sai phạm. Phản ánh của nhiều thủ trưởng cũng cho thấy, qua thanh tra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong cơ chế chính sách không chỉ giúp bịt kẽ hở trong quy định mà còn tạo thuận lợi trong chỉ đạo thực tế sau này.