Trời tang tảng sáng, sương sớm còn bao phủ trên mặt hồ, các loài chim bắt đầu cất tiếng hót lảnh lót trên rừng già, cũng là lúc Chủ nhiệm Hợp tác xã xuồng Nam Mẫu Dương Văn Hồi bắt đầu ngày mới bằng việc vệ sinh xuồng, kiểm tra máy móc, sắp xếp lại áo phao cứu sinh cho ngăn nắp nhằm mang lại cho du khách một chuyến trải nghiệm khám phá hồ Ba Bể một cách an toàn và lý thú. Là người lái xuồng, kiêm hướng dẫn viên du lịch từ hơn mười năm qua, anh Hồi chia sẻ: “Mỗi chuyến đưa khách trong và ngoài nước thăm danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quê hương, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng hồ vẫn luôn là niềm tự hào của chúng tôi”.
Đã nhiều lần cùng Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ môi trường Vườn quốc gia Ba Bể Phạm Đức Toàn dẫn khách khám phá danh thắng này, nhưng lần nào cũng mang lại cho chúng tôi những cảm xúc mới lạ. “Hôm nay, chúng ta sẽ không xuất phát từ bến thuyền Ba Bể, mà sẽ vào hồ từ sông Năng, anh Hồi nhé!”, anh Toàn đặt vấn đề. Xuôi dòng sông Năng từ bến Buốc Lốm, anh Hồi khéo léo điều khiển chiếc xuồng lần lượt qua nhiều đoạn sông quanh co, uốn lượn dưới chân núi, dưới những vách đá cao dựng đứng, đến đoạn êm đềm thấy cảnh nhộn nhịp của cuộc sống chài lưới mưu sinh của người dân địa phương, hai bên bờ là nương ngô xanh mướt. Dòng sông Năng như bị thu lại khi chảy qua động Puông, vào sâu trong động là một thế giới huyền ảo bởi vô số nhũ đá mang hình thù kỳ lạ. “Vào mùa hè, trong động lộng gió, mát như trong một “tủ lạnh” khổng lồ, nhưng vào mùa đông lại ấm áp lạ thường, du khách thường dùng dằng chẳng muốn đi. Thời gian cho tuyến du lịch này thường bị trễ giờ là vì thế”, anh Hồi bảo vậy. Dòng sông Năng đang hiền hòa, bỗng chốc đổ nước xuống thác Đầu Đẳng ở độ cao hàng trăm mét bọt tung trắng xóa. Dời thác Đầu Đẳng, thuyền anh Hồi ngược dòng sông Năng rẽ vào hồ Ba Bể - khung cảnh hồ nước trong xanh, núi rừng nguyên sinh hùng vĩ hiện ra trước mặt như một bức tranh sơn thủy hữu tình... Thật đúng với mệnh danh là “viên ngọc xanh” dành tặng cho nơi này.
Xuồng lướt nhẹ trên mặt hồ, sát rừng nguyên sinh đặc trưng trên núi đá vôi, trong những buổi chiều tà có thể sẽ được chiêm ngưỡng vạc hoa, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, khỉ mặt đỏ, cày vằn, tê tê vàng... là những loài đặc hữu, trong đó có những loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu đang cư ngụ tại đây. Đến Ao Tiên giữa rừng già tĩnh mịch, ra đảo Bà Góa giữa hồ Ba Bể tỏa bóng cây cổ thụ, ngược lên động Hua Mạ với những nhũ đá thiên tạo không hề thua kém động Thiên Cung ở vịnh Hạ Long.
Chiều buông trên mặt hồ, xuồng từ các ngả, các tuyến tham quan hối hả đưa du khách về khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng. “Hợp tác xã xuồng hồ Ba Bể có 88 xuồng, thuyền đưa khách tham quan các điểm du lịch. Hai năm trở lại đây, du khách đến với hồ Ba Bể ngày càng đông, mỗi thuyền cũng có thu nhập khoảng mười triệu đồng/tháng”, anh Hồi thật thà.
Anh Phạm Đức Toàn dẫn chúng tôi đến nhà ông Triệu Duy Thơ, một căn nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày ở bản Pác Ngòi bên hồ Ba Bể. Bữa tối, chúng tôi cùng bác Thơ chế biến các món ăn từ cá bắt ở lòng hồ, đó là cá mương nướng, cá Chiên hấp và dán thơm nức, xào các món rau, măng là đặc sản của núi rừng Ba Bể, nhâm nhi rượu ngô men lá thơm nồng bên bếp lửa bập bùng, được thưởng thức đàn tính và các điệu sli, lượn mượt mà, đằm thắm của các nghệ nhân bản địa mà thấy lâng lâng, thanh thản, ấm cúng giữa vùng sông nước núi rừng hoang sơ. Bác Thơ tâm sự: “Chung quanh hồ có 18 gia đình làm du lịch cộng đồng từ hàng chục năm nay. Các gia đình này đều có khả năng phục vụ du khách từ ăn, nghỉ, lái xuồng, kiêm hướng dẫn viên du lịch đi tham quan các điểm quanh khu vực hồ với giá bình dân. Mỗi gia đình có thu nhập bình quân từ năm đến bảy triệu đồng/ tháng”.
Đến với “viên ngọc xanh” giữa núi rừng Việt Bắc dường như gần hơn bởi sự kết nối của hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, đã giúp du khách từ Hà Nội, Thái Nguyên lên, Cao Bằng xuống, Lạng Sơn sang hồ Ba Bể đều thuận tiện. Tuyến đường 279 thông sang tỉnh Tuyên Quang đang được mở mới, dự kiến sẽ hoàn thành trong nay mai. Tuyến đường 258 nối với quốc lộ 3 đoạn thị trấn Phủ Thông vào hồ Ba Bể trước đây bị coi là “điểm nghẽn” của du lịch hồ Ba Bể bởi sự hiểm trở, nay đã được tỉnh nâng cấp, mặt đường trải nhựa phẳng. Đến nay, Vườn quốc gia Ba Bể đã hợp tác, liên kết với hơn 100 doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành trong nước. Những nỗ lực của địa phương đang từng bước đánh thức tiềm năng du lịch hồ Ba Bể. Năm 2012, khoảng 30 nghìn lượt khách đến với danh thắng này. Những ngày cuối năm, ngay trong dịp hồ Ba Bể được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, thì đã có một số hãng lữ hành đặt khách sạn đến tháng 6-2013. Đây là cơ hội để quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch, góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân địa phương.
* Hồ Ba Bể sâu từ 17 đến 23 mét, là nơi cư trú của 105 loài cá nước ngọt, số lượng loài cá phong phú nhất so với các hồ khác ở nước ta, trong đó có cá cóc bụng hoa, một loài đặc hữu đến nay mới chỉ phát hiện ở hồ này. Vườn quốc gia Ba Bể rộng hơn mười nghìn ha, trung tâm là hồ Ba Bể là một phức hệ bao gồm hồ, sông, suối, rừng trên núi đá vôi, tạo ra vùng khí hậu điển hình, ôn hòa quanh năm, mùa hè mát mẻ. Hồ Ba Bể được công nhận là di sản ASEAN, là khu đất ngập nước (RAMSAR) thứ ba ở nước ta.