Chủ động đánh giá năng lực người học

|

“Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với việc tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó” - TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục & Đào tạo (ảnh bên) mở đầu cuộc trò chuyện với NDHT về kỳ thi quốc gia đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận bằng một lời khẳng định như thế.

Ông có thể phân tích ngắn gọn những đổi mới căn bản nhất của kỳ thi quốc gia sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2015?

Đổi mới căn bản, quan trọng nhất của công tác tổ chức thi là: tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.

Theo tinh thần căn bản này, công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Nội dung câu hỏi của đề thi bảo đảm cả bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Một điểm mới là thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi THPT quốc gia. Đây là một đổi mới căn bản, tạo sự tách biệt giữa thi và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ từ trước đến nay, thí sinh phải đăng ký vào trường, ngành trước khi thi nên dẫn đến nhiều rủi ro khi năm nào cũng có nhiều thí sinh điểm cao nhưng bị trượt do đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành hay trường không phù hợp. Theo quy định mới, sau khi có kết quả thi, thí sinh mới phải đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp với điểm thi mình đạt được, để chọn trường vừa sức hơn, hạn chế rủi ro. Từ kết quả của kỳ thi duy nhất này, thí sinh có thể sử dụng để xét tuyển cả vào ĐH lẫn CĐ, thay thế cho việc phải tổ chức ba đợt thi rất nặng nề như trước đây. Do đó, nếu triển khai kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, sẽ giảm áp lực thi cử và sự tốn kém rất lớn cho toàn xã hội.

Hiện tại, dự thảo ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia đã được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp. Ông có thể cho biết những ưu điểm - nhược điểm và tính khả thi của từng phương án mà Bộ đưa ra?

Công bố rộng rãi dự thảo để lấy ý kiến đóng góp là việc làm thận trọng để tăng cường phản biện xã hội trước một quyết định có liên quan đến nhiều đối tượng, nhằm bảo đảm có được sự đồng thuận chung và có tính thực tế, khả thi khi chính thức triển khai thực hiện.

Mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm và tính khả thi ở các mức độ nhiều ít khác nhau. Và điều này chắc chắn sẽ được phân tích và nhận thức toàn diện hơn từ các luồng ý kiến phản hồi mà Bộ mong muốn nhận được. Theo đó, phương án nào được đánh giá là phù hợp định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW, bảo đảm mục đích tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia (xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh; tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học) và đáp ứng nguyên tắc đề ra (bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, độ tin cậy của kết quả thi; bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh) sẽ là phương án khả thi nhất.

Trả lời phỏng vấn một tờ báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết “Bộ hiểu rất rõ điều xã hội lo lắng và quan tâm nhất đối với kỳ thi quốc gia là sự trung thực, độ tin cậy, khách quan. Đặc biệt, với các trường ĐH, CĐ có chủ trương sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển thì độ tin cậy của kết quả thi chính là điều quan trọng hàng đầu”. Để tổ chức một kỳ thi thực sự nghiêm túc, để kết quả đạt tới “độ tin cậy” này, Bộ đã tính đến những phương án khả thi nào, thưa ông?

Muốn có kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì phải làm tốt tất cả các khâu, từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lý và sử dụng kết quả thi.

Để đạt được mục đích này, Bộ sẽ bố trí tổ chức coi thi theo các cụm thi tập trung ở các trường THPT và các trường ĐH, CĐ tại thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; bố trí các cụm chấm thi theo vùng, miền. Và, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của các Sở GD&ĐT như trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra kỳ thi, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi pham quy chế thi và tạo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, nhất là các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi.

Vậy làm thế nào để tránh được những tiêu cực, tâm lý “nương tay” với học sinh tại địa phương (khi kỳ thi được tổ chức tại địa phương, giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ kết hợp chấm cùng giáo viên địa phương)?

Trong những năm trước đây, với mục đích thi để công nhận tốt nghiệp THPT, khâu coi thi tại các địa phương vẫn còn có một số bất cập dễ làm nảy sinh tiêu cực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là không có tính cạnh tranh giữa các thí sinh và tâm lý nương tay với học sinh trường mình, địa phương mình của những người tham gia tổ chức thi.

Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia sẽ làm tăng tính cạnh tranh của cuộc thi và là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho các thí sinh tự giác thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Cán bộ, giáo viên phải thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác coi thi, chấm thi. Bên cạnh việc làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, giáo viên, học sinh thì xây dựng các chế tài mạnh nhằm xử lý những vi phạm trong coi thi, chấm thi là những giải pháp cần tính toán để tổ chức thực hiện.

“Trên cơ sở đặc thù của từng trường, kèm theo việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các trường có thể bổ sung hình thức kiểm tra năng lực khác. Với các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia cần phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng trình Bộ GD&ĐT, chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện bảo đảm chất lượng nguồn tuyển”. Kỳ thi quốc gia hướng tới việc giảm áp lực, chi phí cho cả xã hội nhưng căn cứ theo hướng dẫn trên, sau khi có kết quả thi, các thí sinh có thể còn phải trải qua khá nhiều bước để có thể đặt chân vào cổng trường ĐH?

Giảm áp lực cho học sinh cũng như chi phí tốn kém cho xã hội trong tổ chức thi là một trong những mục tiêu đã được NQ 29 chỉ rõ. Nhưng tự chủ trong tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học, được quy định trong Luật Giáo dục đại học.

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ phải tổ chức sao cho kết quả có sự phân hóa và độ tin cậy cao để nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Có thể những năm đầu chưa có nhiều cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này trong tuyển sinh, nhưng về lâu dài phải tổ chức tốt kỳ thi quốc gia để ngày càng có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng. Chỉ khi làm được như vậy, kỳ thi quốc gia mới thực hiện được “sứ mệnh” của nó. Tuy nhiên, cùng với sử dụng kết quả kỳ thi này, căn cứ vào đặc điểm của ngành đào tạo của trường, yêu cầu đặc thù của công tác tuyển chọn thí sinh vào trường, các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận, kiểm tra năng khiếu... Việc này do các trường ĐH, CĐ chủ động thực hiện theo quy chế.

Vai trò tự chủ của các trường ĐH, CĐ sẽ được phát huy khi các cơ sở giáo dục ĐH nhận thấy việc tham gia tổ chức tốt kỳ thi quốc gia vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mình. Mỗi trường ĐH, CĐ có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia. Các trường ĐH, CĐ đóng vai trò quan trọng trong kỳ thi này, từ đó có thể dựa vào kết quả của kỳ thi để tuyển sinh được những thí sinh đáp ứng yêu cầu của trường nhưng giảm thiểu được những tốn kém, vất vả và rủi ro có thể có nếu tự mình tổ chức kỳ thi riêng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Muốn có kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì phải làm tốt tất cả các khâu, từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lý và sử dụng kết quả thi.

Tổ chức một kỳ thi quốc gia chính là việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.