Từ những thăng trầm ban đầu
Khái niệm nhà sản xuất phim đã hình thành và phát triển tại Việt Nam từ cách đây vài chục năm, gắn chặt với một dòng phim thương mại từng được gọi bằng cái tên chẳng mấy sang trọng "phim mì ăn liền". Ngày ấy, những bộ phim video đình đám, phần lớn sản xuất ở phía nam đều gắn với những cái tên nổi tiếng năng động, nhạy bén trong lĩnh vực sản xuất như Lý Huỳnh, Đào Thu, Hai Nhất, Thái Hòa, Phước Sang...
Rồi dòng phim này thoái trào, chỉ còn duy nhất dạng phim do Nhà nước đặt hàng hoặc trợ giá tồn tại, do các đơn vị làm phim quốc doanh sản xuất, với chức danh giám đốc sản xuất "hữu danh vô thực" mặc nhiên luôn thuộc về người đứng đầu của hãng. Vì thế, thay vì có một nhà sản xuất đúng nghĩa, điện ảnh Việt Nam sinh ra một chức danh mới toanh: chủ nhiệm phim, với chức năng ôm cục tiền đi theo đoàn để chi trả mọi khoản kinh phí từ nhỏ đến lớn.
Chủ trương xã hội hóa điện ảnh được đẩy mạnh những năm gần đây, dòng phim tư nhân chiếm thế thượng phong đã hình thành một đội ngũ nhà sản xuất phim tâm huyết, có tên tuổi như Jimmy Nghiêm Phạm (Hãng phim Chánh Phương), Đinh Thị Thanh Hương (Hãng phim Thiên Ngân) hay Hồng Ánh (Hãng phim Xanh), Ngô Thị Bích Hạnh (Hãng phim Việt - BHD), Trinh Hoan (Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê) với hàng loạt tác phẩm chất lượng cao nối nhau ra rạp, như Đường đua, Cánh đồng bất tận, Để mai tính, Dòng máu anh hùng...
Vài năm trước, điện ảnh nước nhà từng chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của các ngôi sao showbiz vào lĩnh vực vô cùng mới mẻ này. Không chỉ khoanh vùng trong đối tượng diễn viên - đạo diễn, vai trò "bà đỡ" cho một bộ phim có thể thuộc về bất cứ ai - từ người mẫu, ca sĩ đến danh hài, người đẹp. Miễn là có tiền, có câu chuyện muốn kể. Miễn là có đam mê đóng phim, có tham vọng thử sức trong một địa hạt tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Kiểu như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sản xuất Hiệp sĩ mù, giọng ca Ưng Hoàng Phúc đầu tư Hùng Ali và Sáu lóc cóc hay người mẫu Ngọc Trinh đầu tư làm Vòng eo 56... Kết quả nhãn tiền, phần lớn những nhà sản xuất "tay mơ" cùng những sản phẩm nghiệp dư đều nhận về phản hồi không mấy khả quan và sớm bỏ cuộc.
Nhờ vậy, cuộc chơi sản xuất phim trở về với những người chọn điện ảnh là niềm đam mê lớn nhất cuộc đời. Danh sách những "bà đỡ" mát tay, tài năng nhanh chóng được nối dài. Trong đó có những người vợ xông xáo làm hậu thuẫn cho hành trình sáng tạo của chồng, như Bebe Phạm (vợ của đạo diễn Charlie Nguyễn), Thanh Thúy (vợ của đạo diễn Đức Thịnh), Minh Hà (vợ đạo diễn Lý Hải)... Có những diễn viên thành danh đam mê lĩnh vực sản xuất như Mai Thu Huyền, Trương Ngọc Ánh hay Ngô Thanh Vân, Trấn Thành... Có những gương mặt nổi trội của dòng phim độc lập như Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Đăng Di... Không thể phủ nhận, những dấu ấn đậm nét của điện ảnh Việt ít năm trở lại đây, ở cả dòng phim thương mại lẫn nghệ thuật, giải trí hay độc lập, đều có phần đóng góp đáng kể của những nhà sản xuất đầy tâm huyết này. Không có họ, những Đập cánh giữa không trung, Bi đừng sợ, Cha và con và..., Ròm, Song Lang, Thưa mẹ con đi, Đường đua, Tro tàn rực rỡ… hay Trúng số, Hai Phượng, Hương Ga, Lật mặt, Bố già, Nhà bà Nữ... không thể trở thành điểm sáng doanh thu khi ra rạp, gặt hái thành công khi góp mặt tại các liên hoan phim quốc tế đình đám.
Chờ đợi những nhà sản xuất chuyên nghiệp
Dù khá thành công nhưng điểm chung giữa những "bà đỡ mát tay" này nằm ở chỗ, họ đều là dân tay ngang, chưa hề kinh qua một khóa đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Kinh nghiệm thực chiến trên phim trường, những bài học đúc rút từ lựa chọn đối tác - gửi dự án tới các chợ phim cùng quỹ hỗ trợ điện ảnh - kêu gọi đầu tư từ mọi nguồn lực có thể đã giúp họ trưởng thành và định vị tên tuổi, tùy thuộc vào cách thức thực hành của từng cá nhân. Không có mẫu số chung, chẳng ai giống ai, mạnh ai nấy làm. Lẽ dĩ nhiên, được đào tạo bài bản chưa chắc đã trở thành nhà sản xuất giỏi và ngược lại, nhưng rõ ràng, chỉ khi mỗi bánh răng trong dây chuyền sản xuất đều có thể vận hành nhịp nhàng và ăn khớp, điện ảnh mới có thể tiến xa được.
Nhận thức rõ điều đó, "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã đặt dấu mốc đầu tiên đầy ý nghĩa, khi vai trò vô cùng quan trọng của nhà sản xuất phim chuyên nghiệp, trong quá trình cho ra đời một bộ phim đã chính thức được khẳng định. Lần đầu trong lịch sử điện ảnh nước nhà, chuyên ngành "sản xuất phim" được chính thức đưa vào chương trình đào tạo của hai cái nôi ươm mầm các nghệ sĩ điện ảnh trên cả nước. Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đảm nhiệm tỷ lệ 60%, 40% còn lại thuộc nhiệm vụ của Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch tổng thể, 70 - 105 nhà sản xuất phim tương lai được đào tạo theo mô hình chính quy dài hạn trong nước, 4 - 6 (giai đoạn 2014 - 2015) và 15 - 25 nhà sản xuất phim tương lai (giai đoạn 2016 - 2020) được đào tạo bài bản theo hình thức trên tại nước ngoài. Với nội dung "tổ chức các khóa đào tạo, thực tập ngắn hạn để nâng cao tay nghề", 70 - 105 nhà sản xuất phim sẽ được tham gia trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2020 (ở trong nước) và 6 -10 nhà sản xuất (giai đoạn 2014 - 2015) cùng 25 - 50 nhà sản xuất (giai đoạn 2016 - 2020) được gửi ra nước ngoài để trau dồi vốn kiến thức làm nghề.
Chưa có một tổng kết về quá trình hiện thực hóa Chiến lược vĩ mô này sau gần 10 năm thực hiện, nên cũng không biết đã có bao nhiêu "bà đỡ" đã được "ra lò" và chính thức gia nhập thị trường điện ảnh trong nước. Nhưng sự cần thiết của đội ngũ nhân lực này là không thể chối cãi trên lộ trình chuyên nghiệp hóa, nhằm từng bước phát triển nền công nghiệp điện ảnh của tương lai.
Nhà sản xuất phim (film producer) là người song hành cùng tác phẩm, từ ý tưởng khởi phát ban đầu tới xây dựng, hoàn thiện kịch bản; từ kêu gọi các kênh đầu tư tài chính tới hình thành một ê-kíp làm phim tối ưu; từ vận hành nhịp nhàng các khâu sản xuất tiền kỳ, hậu kỳ tới triển khai các công đoạn truyền thông, tiếp thị, phân phối, phát hành…