Chứng chỉ hành nghề nhà giáo: Nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động đa chiều

|

Bộ GD-ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có quy định về việc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Ở góc độ giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia bày tỏ băn khoăn và cho rằng Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đa chiều bởi mỗi hệ đào tạo có tính đặc thù riêng, tránh tình trạng có thể biến tướng chứng chỉ hành nghề thành “giấy phép con”. 

Quản lý bằng chất lượng, tiêu chuẩn

Đầu tháng 7 vừa qua, tại cuộc họp tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD-ĐT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, bộ đã nhận được góp ý của 60 tỉnh, thành phố, 14 bộ, ngành và 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD-ĐT, với sự tham gia của hơn 800.000 nhà giáo. Mục đích của luật là nhằm đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo; chuyển từ hướng quản lý hành chính, mệnh lệnh sang quản lý bằng chất lượng, tiêu chuẩn. Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng 8, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 tới.

Thầy và trò Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành chuyên ngành điện. Ảnh: QUANG HUY

Theo góp ý của các bộ, ngành, địa phương và nhà giáo, về cơ bản thống nhất đối với cấu trúc, các điều, khoản của dự thảo Luật Nhà giáo. Một số nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý, như: quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; việc định danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên trường học; vai trò của cơ quan quản lý giáo dục cấp phòng, sở trong tuyển dụng; bổ nhiệm nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo... Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá rằng những góp ý khá cụ thể, thiết thực; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT quan tâm theo dõi, lắng nghe thêm ý kiến từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về dự thảo luật.

Tránh biến tướng chứng chỉ hành nghề

GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, khẳng định, chứng chỉ hành nghề nhà giáo là cần thiết, nhưng Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đa chiều về vấn đề này để đảm bảo chứng chỉ hành nghề nhà giáo phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời, cần làm rõ hơn lộ trình thực hiện chính sách về lương, chính sách về thu hút nhà giáo tài năng nước ngoài, chính sách hợp tác quốc tế…

Thầy và trò Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) trong giờ thực hành chuyên ngành điện

Ở góc độ cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), ThS Nguyễn Lê Đình Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ (TPHCM), băn khoăn, dự thảo Luật Nhà giáo quy định các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo gồm: nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu… “Điều này có nghĩa là các sinh viên sư phạm mới ra trường, các giáo viên được tuyển dụng sau khi Luật Nhà giáo có hiệu lực phải sát hạch chứng chỉ hành nghề tương tự các ngành nghề đặc thù khác như luật sư, bác sĩ... Điều này là không cần thiết”, ThS Nguyễn Lê Đình Hải nêu ý kiến.

Tương tự, ThS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM, nhấn mạnh, đặc thù của GDNN là trung bình 3-5 năm có sự thay đổi về kỹ thuật, công nghệ, nên nhà trường phải đưa thầy, cô giáo đi tu nghiệp, nâng cao trình độ ở nước ngoài để cập nhật vào giáo án, chương trình đào tạo, giảng dạy. Như vậy, lúc về nước, cơ quan nào sẽ chứng nhận? Bộ GD-ĐT có chấp nhận văn bằng, chứng chỉ đó? Theo ThS Trần Thanh Hải, không nên biến chứng chỉ hành nghề nhà giáo thành “giấy phép con”. Có thể trong tương lai 5-10 năm tới, khi giáo dục nói chung, GDNN nói riêng, đi vào quỹ đạo cải cách, sắp xếp, quy hoạch tinh gọn và đạt được các nền tảng cơ bản, việc cấp chứng chỉ hành nghề mới trở nên cần thiết.

Theo lãnh đạo các cơ sở GDNN, thực tế nhà giáo GDNN giảng dạy nhiều ngành nghề khác nhau, ở mỗi lĩnh vực đều có quy định về chứng chỉ, hoặc một số ngành nghề đào tạo bắt buộc giảng viên phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Mới nhất, trong Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH ngày 10-5-2024 của Bộ LĐTB-XH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo cũng đã nêu rất rõ các tiêu chí của nhà giáo GDNN. Do đó, nếu dự thảo Luật Nhà giáo không có chương, mục hoặc điều, khoản riêng dành cho nhà giáo GDNN mà bắt buộc nhà giáo GDNN phải có chứng chỉ hành nghề thì sẽ phát sinh thủ tục rườm rà, phức tạp, tăng chi phí, nguồn lực xã hội, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức của nhà giáo.

Tăng tính tự chủ cho cơ sở GDNN

Ngoài những điểm mới và thay đổi trong cách xác định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trong cách đánh giá, xếp loại nhà giáo GDNN so với quy định trước đây, Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH tăng tính tự chủ cho các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN, Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên. Theo đó, các cơ sở giáo dục này có trách nhiệm: “Xác định sự phù hợp về trình độ chuyên môn được đào tạo và trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo với ngành, nghề được phân công giảng dạy. Bố trí giảng dạy cho nhà giáo đạt chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm, có văn bằng về trình độ chuyên môn và chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy”.

Diễn đàn góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo: Hiểu đúng, làm trúng về chứng chỉ hành nghề

Diễn đàn góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo: Chứng chỉ hay giấy phép hành nghề cho nhà giáo là cần thiết