Theo đó, Việt Nam đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog), hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất từ 0 giờ ngày 28-12-2020.
Quang cảnh cuộc họp báo
Đề án số hóa truyền hình được thực hiện theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg (ngày 27-12-2011) của Thủ tướng Chính phủ.
Tại thời điểm năm 2011, 90% số hộ gia đình có máy thu hình (tương đương với hơn 18 triệu chiếc), 90% trong số đó chưa xem được truyền hình số. Đến năm 2020, số liệu thống kê cho thấy 16 triệu hộ gia đình đã xem truyền hình số qua các phương thức cáp, IPTV và trên 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh miễn phí.
Trong giai đoạn số hoá truyền hinh mặt đất, Việt Nam đã thực hiện chính sách bắt buộc từ năm 2014, máy thu hình phải tích hợp chức năng thu số DVB-T2. Một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư cho sản xuất, lắp ráp đầu thu số (set-top-box). Nhà nước hỗ trợ đầu thu số cho 1,9 triệu hộ gia đình là đối tượng nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia từ năm 2015 đến 2020.
Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất đã đạt 80% dân cư (vượt 10% so với mục tiêu đề ra) so với 50% dân cư của năm 2011. Nếu tính cả phủ sóng truyền hình số vệ tinh thì 100% dân cư đã xem được truyền hình số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc họp báo
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đã thành công và hoàn thành 4 mục tiêu lớn của Đề án.
Thứ nhất, hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất cao hơn khoảng 30 lần so với truyền hình tương tự. Vì vậy, đã giải phóng được trên 100 MHz thuộc băng tần 700MHz, là băng tần "vàng" để phủ sóng 5G toàn quốc, trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước đây.
Thứ hai, đã mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất từ phủ sóng tại trung tâm của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 (tương đương khoảng 20% dân số Việt Nam) thì đến nay đã vươn đến tất cả 63 địa phương trên toàn quốc (tương đương với khoảng 80% dân số xuống đến nhiều huyện, xã, thôn, bản).
Thứ ba, Đề án đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình số mặt đất mà trước kia là sân riêng của đài truyền hình nhà nước. Nếu như năm 2011 chỉ có Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC làm truyền hình số mặt đất thì đến năm 2020 đã có 5 đơn vị làm, trong đó có 4 đơn vị là công cổ phần (CP) như Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), Công ty TNHH truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) và Công ty CP truyền hình số miền Bắc (DTV). Nguồn lực số hoá truyền hình đã đạt trên 50%.
Thứ tư, 100% các đài phát thanh truyền hinh (PTTH) địa phương đã được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng chuyên môn hoá, tập trung vào sản xuất nội dung chương trình. Cách đây 9 năm, vào năm 2011, 100% các nhà đài vừa làm nội dung, vừa truyền dẫn, phát sóng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với việc tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất trong năm 2020, Việt Nam đứng thứ 5/10 nước ASEAN về hoàn thành số hóa truyền hình (Brunei vào năm 2017, Singapore 2019, Malaysia 2019 và Thái Lan 2020), giữ đúng cam kết về thời gian hoản thành, trong khi Việt Nam là nước đông dân nhất trong 5 nước nêu trên. Với thế giới, mặc dù Việt Nam có dân số đứng thứ 15 và thu nhập đứng thứ 130/193 nước nhưng đứng thứ 78/193 nước hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Đề án số hóa truyền hình của Việt Nam thành công bởi những lý do, cách làm rất riêng, gồm: có lộ trình cụ thể, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm; đi thẳng vào công nghệ tiên tiến (bỏ qua công nghệ DVB-T), Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DVB-T2; sử dụng Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích thay ngân sách để thúc đẩy số hoá truyền hình (các nước khác phải dùng ngân sách) với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1.145 tỷ đồng; sáng tạo trong truyền thông, để người dân cùng doanh nghiệp cả nước tham gia, ủng hộ mạnh mẽ đề án. |
TRẦN BÌNH