Thuận tiện trong sử dụng và quản lý
Tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về mẫu thẻ BHYT mới, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho biết, thẻ BHYT đang sử dụng hiện nay được làm trên chất liệu giấy, dễ bị hư hỏng, nhàu nát, khó bảo quản để sử dụng lâu dài. Nội dung in trên thẻ BHYT bao gồm cả thông tin thay đổi thường xuyên và thông tin cố định, mỗi khi thay đổi thông tin về người tham gia như địa chỉ, nơi đăng ký KCB ban đầu thì cơ quan BHXH phải in và cấp lại thẻ BHYT mới. Bên cạnh đó, phôi thẻ BHYT hiện nay đang in sẵn phiên hiệu của BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng gây khó khăn cho việc điều chuyển phôi thẻ BHYT giữa các tỉnh. Khi thẻ BHYT bị mất, hỏng, người tham gia cũng buộc phải đề nghị cấp lại tại cơ quan BHXH nơi trực tiếp thu, cấp thẻ BHYT...
Ðồng thời, hiện nay, toàn bộ dữ liệu in, cấp thẻ BHYT cho người tham gia đã được cập nhật đầy đủ trên Cổng Thông tin giám định BHYT, bảo đảm quản lý thẻ BHYT trên dữ liệu điện tử và tinh giản một số tiêu chí trên thẻ BHYT giấy... Ðặc biệt, ứng dụng BHXH số - VssID được triển khai từ tháng 11-2020 đã tích hợp thông tin thẻ BHYT, người dân chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại thông minh sẽ có đầy đủ thông tin BHYT, khi đi KCB không cần mang thẻ giấy. Trong năm 2021, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phát triển khoảng 30 triệu người sử dụng ứng dụng VssID.
Ðể khắc phục những bất cập, hạn chế của mẫu thẻ BHYT đang sử dụng, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam nghiên cứu, ban hành văn bản quy định mẫu thẻ BHYT mới là cần thiết. Việc cấp thẻ mới sẽ được gắn với các tiêu chí, như: thuận tiện, đầy đủ quyền lợi và tránh lãng phí. Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu cũng cho biết, hiện nay có gần 87 triệu người tham gia BHYT. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần phải đổi mẫu thẻ BHYT từ ngày 1-4-2021. Thẻ BHYT mẫu cũ có hiệu lực vẫn sử dụng trong việc KCB bình thường; BHXH các địa phương sử dụng hết phôi mẫu thẻ cũ mới chuyển sang mẫu mới. Và dự kiến, số lượng phôi thẻ mới được áp dụng trong năm nay khoảng 10 triệu phôi... BHXH Việt Nam cũng khuyến khích người dân dùng thẻ cũ nếu còn hạn thì tiếp tục dùng, hết hạn hoặc bị hỏng, rách, thay đổi thông tin cá nhân mới thực hiện đổi thẻ, tránh tình trạng ồ ạt đổi thẻ.
Người tham gia đổi thẻ như thế nào?
Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) Trần Quốc Túy cho biết, quy trình cấp thẻ BHYT mẫu mới vẫn tiếp tục được thực hiện theo các quy định và văn bản hướng dẫn về thẻ BHYT hiện hành của BHXH Việt Nam. Về nơi nộp và nhận hồ sơ: Người được tổ chức BHXH đóng BHYT đến UBND cấp xã hoặc cơ quan BHXH để nộp hồ sơ. Riêng trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ BHYT phải đến cơ quan BHXH; người được ngân sách nhà nước đóng BHYT đến UBND xã; người đã hiến bộ phận cơ thể đến cơ quan BHXH; người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT đến đại lý thu hoặc nộp cho cơ quan BHXH. Riêng học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường, nộp hồ sơ cho nhà trường để được đổi thẻ. Người tham gia BHYT theo hộ gia đình đến đại lý thu hoặc nộp cho cơ quan BHXH; người tham gia BHYT đóng tại doanh nghiệp thì nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để được đổi thẻ...
Người tham gia BHYT, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ cấp thẻ BHYT trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thực hiện thủ tục đổi thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn)... Lưu ý: Trường hợp thực hiện giao dịch điện tử, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đổi thẻ BHYT lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam hoặc của Tổ chức I-VAN (thực hiện cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH); Ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN.
Một điểm quan trọng về mẫu thẻ BHYT mới đó là về con dấu, trước đây sử dụng con dấu của BHXH các tỉnh, thành phố nay thay bằng con dấu của BHXH Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (hoặc người được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh), điều này giúp cho việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan BHXH nào gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp không may bị mất, hỏng thẻ khi đi KCB ngoại tỉnh hoặc đi du lịch, công tác, học tập ở tỉnh khác.
Có thể thấy, với việc sử dụng thẻ BHYT mẫu mới từ ngày 1-4-2021, người tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ tiện lợi hơn trong quá trình đề nghị cấp thẻ, bảo quản và sử dụng thẻ để thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Mẫu thẻ BHYT mới là một trong những giải pháp cải cách hành chính hiệu quả của ngành BHXH Việt Nam, bảo đảm tốt nhất quyền lợi về BHYT cho người tham gia, tạo thuận lợi cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và cơ quan BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn như thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng, được ép plastic sau khi in, tiện lợi khi bảo quản, sử dụng.
Mã số thẻ chỉ còn 10 chữ số, thay vì 15 ký tự như thẻ BHYT hiện hành. Ðiều này giúp giảm bớt số lượng ký tự người tham gia cần khai báo khi tra cứu. Mặt sau của thẻ BHYT mẫu mới có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng thẻ BHYT, giúp người tham gia nắm rõ được phương thức tra cứu thông tin về thẻ và quyền lợi được hưởng; cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp khó khăn, vướng mắc...