Ngành Giáo dục chủ động các phương án vượt qua dịch bệnh

|

Ngành Giáo dục chủ động các phương án vượt qua dịch bệnh

Trước sự nguy hiểm và nguy cơ lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, hàng triệu học sinh - sinh viên trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã phải nghỉ học khi mới trở lại trường ít ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến cho các chương trình giáo dục của năm học 2019-2020 bị xáo trộn. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị cùng chung tay chống lại dịch bệnh, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thường xuyên phải cập nhật, đánh giá tình hình để kịp thời điều chỉnh các phương án giảng dạy và học tập nhằm đảm bảo chất lượng chương trình học và bổ sung kiến thức cho học sinh sinh viên, nhất là với học sinh đang trong giai đoạn chuẩn bị chuyển cấp.

Tác động của dịch bệnh tới ngành GD&ĐT

Từ đầu năm đến nay, công tác giáo dục, đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Do nguy cơ lây lan cao tại những nơi tiếp xúc đông người, hầu hết các trường học tại các địa phương trên cả nước đã cho học sinh sinh viên nghỉ học, các trung tâm giáo dục, đào tạo đều đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm Việt Nam bắt đầu tăng cường triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh cũng gần với khoảng thời gian bắt đầu bước sang học kỳ 2 được ít ngày. Thống kê đến cuối tháng 3 cho thấy có khoảng 5 triệu trẻ em bậc mầm non, 17 triệu học sinh phổ thông và trên 1,5 triệu học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng và trung cấp bị gián đoạn việc học tại trường học và các trung tâm. Tính đến hết tháng 4/2020, học sinh sinh viên cả nước đã phải nghỉ học khoảng 3 tháng; các chương trình giảng dạy bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch, nền nếp dạy và học của nhà trường và học sinh, sinh viên mà còn ảnh hưởng đến các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh học sinh ở cấp mầm non và tiểu học. Ngoài ra, dịch bùng phát còn ảnh hưởng đến đời sống của nhiều giáo viên; mất cân đối thu chi ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nhiều hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cũng như các hoạt động phong trào hỗ trợ học sinh, sinh viên bị gián đoạn, chậm tiến độ.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập là những đơn vị phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp khi học sinh sinh viên trên cả nước nghỉ học. Việc thực hiện giãn cách xã hội để giảm tránh sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng đã khiến cho doanh thu của các cơ sở sụt giảm mạnh nhưng vẫn phải gánh chi phí thuê địa điểm, trả lương giáo viên, nhân viên… mà không có được sự hỗ trợ như các cơ quan công lập. Nhiều giáo viên dạy tại các cơ sở tư nhân phải nghỉ việc không lương do đơn vị không đủ nguồn lực chi trả cho giáo viên khi học sinh nghỉ học. Theo ước tính của Ngành, riêng chi phí lương cho trên 103,8 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập theo mức bình quân tối thiểu vùng là 400 tỷ đồng/tháng; chi phí thuê mặt bằng của 3.702 cơ sở giáo dục ngoài công lập từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến cap đẳng sư phạm, đạo học cũng từ 450-500 tỷ đồng/tháng. Trong đó chưa kể đến các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và một số chi phí chưa thống kê hết.

Những khó khăn chồng chất, đặc biệt là về tài chính đã khiến cho số doanh nghiệp giáo dục phải tạm ngưng hoạt động có thời hạn trong quý I tăng đến 24,5%, tương ứng tăng từ 245 doanh nghiệp quý I/2019 lên 305 doanh nghiệp; các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao thứ 3 trong số các ngành nghề có doanh nghiệp giải thể với 164 doanh nghiệp, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, các doanh nghiệp mới thành lập trong ngành giáo dục cũng giảm mạnh cả về số doanh nghiệp, số vốn và số lao động với mức giảm tương ứng 2,2%, 17,7% và 17,3%. Ngoài ra, toàn bộ chương trình đào tạo của ngành đã bị xáo trộn, gây phát sinh thêm nhiều chi phí để xây dựng, thiết kế lại chương trình. Theo đánh giá của các chuyên gia cổ phiếu lĩnh vực đào tạo và việc làm đã giảm mạnh (-30,5%) so với đầu năm.

Chủ động ứng phó với sự thay đổi của tình hình

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch. Đây là hành động nhanh chóng, kịp thời đầu tiên được ngành GD&ĐT triển khai nhằm ngăn chặn dịch bệnh do trường học là nơi tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Phương án tạm nghỉ học ở một số địa phương đến hết tháng 4/2020 đã kéo dài gần 3 tháng nhưng được đưa ra theo từng giai đoạn trong thời gian từ 1-2 tuần song song với các phương án về thời điểm kết thúc năm học, chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp của khối lớp 9 và lớp 12, thi đại học phù hợp với từng cấp học nhằm thăm dò diễn biến tình hình dịch bệnh, linh hoạt điều chỉnh chương trình học và có thời gian để lên kế hoạch hiệu quả cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên quay lại trường học.

Song song với phương án tạm nghỉ học, Ngành đã thực hiện nghiêm các Công điện, Chỉ thị của Chính phủ, phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các địa phương tổng hợp nhanh tình hình dịch bệnh tại các nhà trường, cơ sở giáo dục; khẩn trương xây dựng kế hoạch học bù trong khung kế hoạch thời gian năm học phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình giáo dục theo thời gian học bù được sử dụng từ quỹ thời gian dự phòng đã được quy định tại Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời hướng dẫn cho tất cả học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường trước khi nghỉ học về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, giữ ấm, hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc đông người theo hướng dẫn của cơ quan y tế). Các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh được triển khai nhằm thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Trong thời gian trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học, các trường học, cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tại địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tiến hành các biện pháp vệ sinh trường học, tẩy trùng 100% trường lớp, các thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ.

Ngoài ra, trên cơ sở thống kê, rà soát những khó khăn, thiệt hại và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục, ngành GD&ĐT cũng có văn bản báo cáo, kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục như: Miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế và phí thuê mặt bằng; Xét trợ cấp, miễn bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập bị ngưng việc làm. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cũng phối hợp và nhận được sự ủng hộ của ngành Thông tin và Truyền thông qua việc hỗ trợ phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT; hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43 nghìn trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học. Các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT.

Đảm bảo nhu cầu và chất lượng giáo dục cho học sinh và giáo viên

Đặc biệt, trong các phương án phòng chống dịch của ngành GD&ĐT, một trong những vấn đề quan trọng nhất cần sớm có kế hoạch là việc thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học. Do đó, 3 giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm hỗ trợ các địa phương, nhà trường, học sinh, sinh viên nhằm đảm bảo chất lượng và khối lượng kiến thức cho năm học.

Thứ nhất, triển khai thực hiện rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình; đặc biệt với khối lớp 9 và lớp 12 thực hiện phương châm tinh giản nội dung nhưng không buông lỏng chất lượng. Các nội dung tinh giản được hướng dẫn cụ thể theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, giảm kiến thức nâng cao, đảm bảo sự thống nhất chung trong cả nước để căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020.

Thứ hai, giải pháp dạy và học trên truyền hình, qua internet (dạy - học trực tuyến) áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020 được các địa phương, cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập tích cực đẩy mạnh cả về dạy - học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo chương trình giáo dục được tinh giản. Nhiều trường học trên cả nước đã triển khai học trực tuyến cho học sinh, sinh viên thông qua các nền tảng ứng dụng học trực tuyến như Trans, Zoom, Office 365… Các bài giảng điện tử cũng được thẩm định từ nội dung chương trình cốt lõi đã tinh giản để phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc. Qua đó tạo điều kiện để các địa phương tổ chức cho học sinh học qua truyền hình, từ đó rút ngắn được thời gian hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh.

Việc học trực tuyến đã chứng minh được tính hiệu quả và được triển khai rộng rãi trong giai đoạn các trường học và trung tâm cho học sinh, sinh viên nghỉ học với 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông; gần 100 trường đại học áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến; kho bài giảng e-learning của Bộ GD&ĐT cung cấp khoảng 5 nghìn bài giảng giáo dục phổ thông được khai thác, sử dụng miễn phí.

Thứ ba, căn cứ vào chương trình đã tinh giản nội dung dạy học, ngành GD&ĐT lên kế hoạch xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2020. Giải pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lớp 12 có thể học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chính thức. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được thực hiện với mục tiêu chính là lấy kết quả để xét, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và cũng là một trong những căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xem xét, sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ theo Luật Giáo dục đại học.

Dù rất kịp thời và nhanh chóng chủ động thực hiện nhiều phương án, biện pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì chương trình học tập nhưng ngành giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai nhiệm vụ chuyên môn trong bối cảnh thực hiện nhiều biện pháp giãn cách phòng chống dịch bệnh. Hình thức đào tạo trực tuyến triển khai rộng rãi đã bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế cần sớm tìm cách khắc phục nếu như ngành GD&ĐT có chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, không chỉ trong mùa dịch này mà còn phát triển trong thời gian sau này. Các vấn đề thường xoay quanh những hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, về học liệu, tổ chức hoạt động dạy học, quản lý học sinh; đặc biệt là tính bình đẳng đối với học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa thiếu thốn thiết bị công nghệ (máy tính, điện thoại, ipad…) và những vùng đường truyền mạng internet còn kém. Ngoài ra còn có các vấn đề về bản quyền, bảo mật khi sử dụng ứng dụng học trực tuyến, những lúng túng của giáo viên và học sinh khi triển khai hoạt động học trực tuyến khá mới mẻ này… Do đó, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Việt Nam, sự quyết tâm của nhân dân thế giới, hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiểm soát hoàn toàn để tất cả các ngành kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động GD&ĐT nói riêng được trở lại vận hành bình thường, qua đó có điều kiện thuận lợi để ngành GD&ĐT triển khai ứng dụng các thành tựu của công nghệ số vào chuyên môn./.

 
Minh Hà