Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam

|

Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam

Trong xu thế quốc tế hóa, thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam đang là hướng đi của nhiều trường đại học. Điều này giúp người học thuận lợi hơn trong tiếp cận nền giáo dục quốc tế và trở thành công dân toàn cầu dễ dàng hơn.

Nhiều cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam

Tại Việt Nam hình thức liên kết đào tạo đại học không chỉ là gửi học sinh sang các nước có điều kiện tốt hơn, hoặc tiếp nhận chương trình đào tạo từ nước ngoài vào, mà còn xuất hiện mô hình đào tạo với sự tham gia rất nhiều khâu từ thiết kế chương trình, tổ chức giảng dạy nghiên cứu, trao đổi học thuật, giáo viên, sinh viên… rất đa dạng. Năm 2019, Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành và Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với các quy định hợp lý, đã mở ra nhiều cơ hội thu hút các trường đại học quốc tế tham gia liên kết với các trường đại học của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 70 cơ sở giáo dục cung cấp chương trình giáo dục quốc tế, với khoảng hơn 300 chương trình và hợp tác với hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các chương trình liên kết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý. Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để hợp tác với các trường quốc tế mở các ngành liên kết đào tạo trên các lĩnh vực khác như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch…. Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ. Đây là cơ hội tốt cho các trường quốc tế mở rộng hợp tác liên kết đào tạo tại Việt Nam và tạo ra nhiều cơ hội học tập và mở rộng hơn các chương trình giáo dục quốc tế cho sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các trường đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng tạo ra nhiều cơ hội cho người học lựa chọn phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Hiện hầu hết các chương trình đào tạo quốc tế được “nhập khẩu” hoàn toàn; hoặc theo hình thức chuyển giao nhưng chất lượng vẫn được kiểm tra nghiêm ngặt bởi các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu cung cấp. Do đó, người học theo chương trình liên kết vẫn được tiếp nhận chất lượng đạt chuẩn quốc tế, giá trị bằng cấp chương trình đào tạo quốc tế không thay đổi so với nguyên bản ở nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế không chỉ tập trung cung cấp kiến thức chuyên môn cho người học mà còn chú trọng nhiều đến rèn luyện và đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng cộng đồng thông qua các hoạt động tìm hiểu thực tế. Đặc biệt chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Việt Nam cũng đã có các trường đại học được ghi nhận trong danh sách các bảng xếp hạng đại học uy tín nhất tại Châu Á và trên thế giới như: 3 trường thuộc top 1000 đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) và bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE); 8 trường thuộc top 500 đại học tốt nhất Châu Á theo bảng xếp hạng QS. Ngoài ra, Việt Nam có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tham gia vào các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, người học không chỉ được đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu theo chất lượng quốc tế mà còn giúp người học tiết kiệm được thời gian học tập ở nước ngoài cùng một khoản kinh phí không hề nhỏ. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt ở Việt Nam luôn thấp so với các nước phát triển như: Anh, Mỹ, Pháp.

Sự đa dạng, chất lượng trong các chương trình liên kết quốc tế cùng chi phí hợp lý đã đưa các trường đại học Việt Nam trở thành điểm lựa chọn mới cho các du học sinh quốc tế. Những năm trước đây, Việt Nam chỉ thu hút các du học sinh đến từ các nước như: Lào, Campuchia, Trung Quốc… nhưng vài năm trở lại đây, Việt Nam đã thu hút được lượng sinh viên tới từ các nước phát triển. Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Việt Nam hiện đang đón khoảng 20.000 sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.

Giải pháp thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam

Tuy nhiên, việc thúc đẩy các cơ hội học tập chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam vẫn còn gặp một số rào cản, khó khăn như: Trình độ ngoại ngữ của người học tham gia vào các chương trình học còn thấp; hầu hết các trường đại học đều khó khăn trong việc tìm đối tác liên kết đào tạo; chương trình giáo dục quốc tế còn gặp khó khăn trong quy đổi bằng cấp. Ngoài ra, nhiều trường quảng cáo là trường quốc tế hay chương trình đào tạo quốc tế nhưng lại không có thông tin rõ ràng, minh bạch rất dễ gây hiểu lầm cho sinh viên, phụ huynh và xã hội. Việc xin visa cho sinh viên hay cán bộ nước ngoài đến làm việc, học tập theo chương trình liên kết quốc tế còn nhiều bất cập.

Để thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu của người học trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Bộ Giáo dục & Đào tạo: cần tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế; quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo, đồng thời bảo đảm sự minh bạch thông tin các cơ sở đào tạo, các chương trình quốc tế. Bên canh đó, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng các tham tán văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài lên danh sách các trường đại học có thiện chí với Việt Nam để giúp các trường đại học trong nước liên hệ tìm đổi tác.

Các trường đại học: cần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập quốc tế. Tiếp tục hợp tác quốc tế mở rộng những chương trình chưa có. Ngoài ra, xây dựng mạng lưới chặt chẽ với cựu sinh viên và cộng đồng doanh nghiệp để tạo môi trường học hiện đại, cập nhật, năng động; đồng thời giúp sinh viên kết nối, tìm việc làm phù hợp.

Đối với người học: cần chú ý lựa chọn chương trình liên kết đào tạo hợp pháp là các chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mỗi sinh viên cần cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ và chủ động nắm bắt thông tin liên tục để chuẩn bị tốt hành tranh khi tốt nghiệp ra trường trở thành công dân toàn cầu./.

ThS. Nguyễn Phương Tú

Đại học Công nghiệp Hà Nội