Phụ nữ ngày càng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

|

Phụ nữ ngày càng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Trong những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Có được thành công này phải kể đến vai trò của phụ nữ - một trong những nhân tố đóng góp quan trọng, thiết thực. Hiện chiếm 50,2% dân số và 47,3% lực lượng lao động, phụ nữ đang ngày càng khẳng định rõ nét vai trò vị trí của mình khi tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phụ nữ ngày càng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Trong những năm qua, thực hìện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương liên quan đến công tác cán bộ, đến nay, công tác cán bộ nữ có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ ngày càng phát huy hiệu quả vai trò quan trọng của mình khi tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Tại Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có 131/483 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 27,12%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước... Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội chiếm gần 40%. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội là nữ; chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội là nữ chiếm 22,22%; phó chủ nhiệm các ủy ban là 6,45%; tất cả các ủy ban đều có thành viên là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh là 26,54%, cấp huyện là 27,85% và cấp cơ sở là 26,59%. Những kết quả đó đã đưa vị thế phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội đứng thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương,

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam là một trong 20 thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có gần 285,7 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó có 50,8 nghìn doanh nghiệp là công ty cổ phần, gần 140 nghìn công ty TNHH một thành viên, hơn 93 nghìn công ty TNHH hai thành viên trở lên và trên 1,5 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Qua khảo sát trên doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, Báo cáo của VCCI cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ có hoạt động kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo. Tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp do nữ làm chủ là 64%, cao hơn tỷ lệ 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ. Phụ nữ đủ năng lực trình độ để đảm trách các vị trí quản lý khi có 68,6% chủ doanh nghiệp nữ có trình độ học vấn từ trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 71,9%. Trong những năm qua, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước, các doanh nhân nữ là những người nắm bắt rất nhanh các cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sáng tạo trong kinh doanh. Họ là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội kinh doanh đã giúp các doanh nhân nữ thuận lợi và có ưu thế được lựa chọn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được cải tiến, đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn. Đến nay, những tấm gương về các doanh nhân nữ thành công trên thương trường và tạo lập được những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam không chỉ ra khu vực mà trên toàn thế giới có thể kể đến những cái tên như: Vinamilk, TH True milk, Saigon Co.op…

Đặc biệt, năm 2020 trước khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, một lần nữa đã cho thấy vai trò doanh nhân nữ khi làm chủ được hoạt động của doanh nghiệp với việc nỗ lực duy trì đội ngũ nhân tài, truyền năng lượng tích cực cho nhân viên, cộng sự của mình đồng thời duy trì tổ chức, bảo vệ khách hàng chủ chốt đồng hành… Qua đó đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành, chia sẻ với chính quyền các cấp trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
 

Trong hoạt động xã hội, nhiều phụ nữ ngành y tế, giáo dục, văn hóa, báo chí, thể dục thể thao... đã đạt những danh hiệu cao quý. Nhiều tấm gương điển hình đã trở thành nhân tố truyền cảm hứng. Đặc biệt, vai trò và vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể, phụ nữ có đầy đủ năng lực trình độ để đảm nhận các vị trí quản lý, tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn cũng như đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục. Cụ thể, 10 năm qua, giáo dục đại học và trên đại học Việt Nam đã có bước chuyển mình, góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho đất nước trong đó có nguồn lao động nữ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, tỷ lệ lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên là 11,3% (nam là 10,1%). Đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ ngày càng tăng. Trong 5 năm (2015- 2020), số lượng nữ được phong hàm Phó Giáo sư tăng hơn 2,6 lần; nữ được phong hàm Giáo sư tăng 1,6 lần.

Giải pháp nâng cao vai trò, vị trí phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới

Mặc dù đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại như: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vai trò, vị trí và năng lưc của phụ nữ; doanh nghiệp do nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tuyển dụng nhân sự, xây dựng các mối quan hệ đối tác... Hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; một số doanh nghiệp nữ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ về vốn... Ngoài ra, lao động nữ cũng đang làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn so với lao động nam. Những định kiến, bất bình đẳng đối với phụ nữ vẫn còn xảy ra ở một bộ phận nhỏ trong xã hội đang gây trở ngại cho sự phát triển tham gia hoạt động xã hội của người phụ nữ.

Để tạo điều kiện giúp phụ nữ tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khoá X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TƯ, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới từ đó tổ chức lãnh đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, tạo bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị.

Ba là, quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, theo đó, cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Sớm xác định những ngành, những lĩnh vực phù hợp, phát huy được thế mạnh của phụ nữ, những chức danh lãnh đạo và quản lý cần có cán bộ nữ, từ đó có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và sử dụng. Chú ý phát hiện tài năng trẻ và có quy trình đào tạo, bồi dưỡng thích hợp để sớm đề bạt, sử dụng.

Bốn là, phụ nữ không ngừng phấn đấu, vươn lên, nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, không ngừng nỗ lực, tự nắm bắt xu thế cũng như các cơ hội giáo dục, đào tạo nghề nghiệp để từ đó vươn lên và phát huy tiềm năng đóng góp tích cực vào hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ba động lực quan trọng nhất tác động đến sự phát triển của kinh tế trong tương lai đó là: Doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; phụ nữ; Internet. Nếu phát huy được ba động lực này sẽ tạo thế chân kiềng để nền kinh tế bứt phá.

Minh Ngân