Nằm phía bên kia sông Hậu, làng Chăm Châu Phong thuộc thị xã Tân Châu không chỉ là làng cổ mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm ở vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long mà còn nổi tiếng với làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm.
Nghề dệt của người Chăm nói chung và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang nói riêng ra đời từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Theo các cụ cao niên ở đây, nghề phát triển bắt đầu từ khoảng những năm đầu của thế kỉ XIX. Xưa kia, hầu như trong nhà của bất kì người Chăm nào cũng có ít nhất một khung dệt và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi mới 10 – 12 tuổi, thiếu nữ Chăm đã được hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt.
Nghề dệt của người Chăm nói chung và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang nói riêng ra đời từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Theo các cụ cao niên ở đây, nghề phát triển bắt đầu từ khoảng những năm đầu của thế kỉ XIX. Xưa kia, hầu như trong nhà của bất kì người Chăm nào cũng có ít nhất một khung dệt và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi mới 10 – 12 tuổi, thiếu nữ Chăm đã được hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm thường xuất hiện trong đời sống hằng ngày của con người nơi đây như trang phục của người phụ nữ với váy, áo, khăn đội đầu; xà rông của nam giới… với màu sắc, hoa văn, họa tiết khác nhau như: sóng nước, vân mây, ô vuông, kẻ sọc, lồng đèn, bông dâu… Đôi khi, họ cũng tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp mắt từ nơi khác và kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm cho sản phẩm thêm phần sinh động và mới mẻ hơn. Tuy nhiên yếu tố truyền thống vẫn là dòng chảy xuyên suốt trong các sản phẩm. Chính vì vậy, những sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Châu Phong mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, vừa có sự mềm mại, duyên dáng, lại vừa thể hiện sự tinh xảo từ cách phối màu, lên bố cục đến đến kỹ thuật dệt, tạo hình hoa văn…
Theo người Chăm nơi đây, để tạo nên những tấm thổ cẩm độc đáo, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian với nhiều công cụ trong một quy trình sản xuất độc đáo. Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Người Chăm không dùng trực tiếp ống chỉ mua về mà chia ra thành nhiều ống nhỏ trước khi kéo canh. Thông thường, họ chỉ sử dụng 3 loại chỉ là chỉ cotton (dùng cho trang phục cả nam và nữ), tơ (dành cho các mặt hàng dệt cao cấp, thường là trang phục cưới của cô dâu hay những trang phục lễ hội dành cho phụ nữ) và polyester (là loại chỉ dày nên chỉ dùng để làm túi xách, khăn choàng, ít khi may trang phục). Chỉ dùng để dệt cũng có nhiều kích cỡ khác nhau sợi có số càng lớn thì càng mảnh, thêu lên nét càng thanh.
Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm còn có một công đoạn nữa là nhuộm. Ở công đoạn này, người Chăm An Giang cũng tự chuẩn bị nguyên liệu là một vài loại đất đá, kết hợp với các loại rễ cây, lá cây và trái cây, để chế thành thành phẩm nhuộm.
Tiếp đến, để chỉ cứng hơn, họ phải tiến hành hồ sợi bằng cách đun sôi một nồi nước lớn có pha loãng một ít bột gạo. Sau khi sợi/chỉ được nhúng vào nước cho ướt đều, họ đem vắt kiệt cho thật ráo mới cho vào nồi nước hồ này để nhúng. Hồ bám đều quanh sợi, họ lại vắt ráo và đem đi phơi khô trước khi mang đi quay. Vì là nghề thủ công nên các công cụ làm nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang cũng rất đơn giản, bao gồm: Sa quay chỉ, khung kéo canh và khung dệt. Sợi cotton sau khi mua về được đưa vào sa đảo để quay thành con chỉ. Sau khi chỉ được quay thành con, người ta đem con chỉ ngâm trong nước 1 đêm, đến sáng mang đi tẩy trắng. Sau đó, dùng bột gạo để hồ chỉ khoảng 30 phút cho sợi chỉ săn lại và đem chỉ phơi nắng cho khô.
Với tơ, trước tiên phải dùng nước tro để tẩy chất nhờn của con tằm còn bám trên sợi tơ, rồi ngâm tơ với nước vo gạo m đêm mới mang đi hồ tơ. Tơ được hồ bằng bột gạo tẻ, nấu sệt như cháo loãng.
Sau công đoạn tẩy trắng và xử lý sợi là quay sợi vào các ống chỉ suốt để thực hiện việc mắc canh, tạo hoa văn cho vải.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm có kỹ thuật rất đặc biệt. Khác với kiểu dệt Ikat – dệt xà rông, dệt thổ cẩm phải xen kẽ giữa go nền và go hoa văn. Để xỏ xong go cho một khung dệt, trung bình họ mất khoảng 3 ngày. Họ có thể sử dụng nhiều loại go, go 12, 13, 14… khi go 18 người ta không dùng bằng kẽm mà đan bằng chỉ dùng để dệt tơ cho vải dày, giá thành cao hơn. Ngoài ra, số lượng khung go thay đổi khác nhau tùy từng loại hoa văn như: Dệt thổ cẩm hoa văn dạng bông dâu cần 12 khung go, dạng mắt xích phải có 10 khung go, dạng mắc võng cần 9 khung go, hoa văn con thoi, cánh quạt 8 khung go…
Đặc biệt, khi dệt với nguyên liệu chỉ tơ, sợi khá mảnh và dễ đứt nên người Chăm không dùng sợi go lược kẽm mà thay bằng go lược chỉ sẽ giúp cho sợi chỉ khít hơn, khi dệt sản phẩm sẽ khắc mặt, mịn hơn.
Nhờ kỹ thuật dệt thủ công, với những nguyên liệu là sợi tơ được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên làm cho màu sắc trên sản phẩm luôn tươi tắn, bền màu và mang đặc trưng riêng không lẫn với những loại sản phẩm tơ sợi ở nhiều địa phương khác.
Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm cũng đã khác trước rất nhiều bởi thay bằng tơ công nghiệp nhưng hoa văn và cách nhuộm vẫn giữ nguyên phong cách truyền thống. Các sản phẩm dệt cũng ngày càng đa dạng hơn vì giờ đây dưới đôi bàn tay khéo léo của những thôn nữ, những chiếc khăn choàng, xà rông túi đeo, khăn bịt tóc và thậm chí khăn tắm cũng đã tinh xảo hơn. Hàng hóa cũng không chỉ dừng lại ở phục vụ gia đình mà đã được thương lái tới mua và nhiều sản phẩm đã có mặt ở một số quốc gia trên thế giới.
Theo thống kê, làng Chăm Châu Phong hiện có gần 500 hộ đồng bào Chăm, trong đó, ấp Phũm Soài có khoảng 300 hộ, phần lớn làm nghề dệt thổ cẩm. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành điểm đến của cộng đồng du lịch hút khách với chương trình “trở thành một người Chăm”. Đa số khách du lịch đến đây đều cảm thấy hài lòng khi được đi thăm các cơ sở dệt tại nhà của người dân. Không những thế, du khách còn được trải nghiệm vai thôn nữ dệt thổ cẩm và múa những vũ điệu độc đáo cũng như thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị nơi đây.
Đến với làng dệt cổ Châu Phong, ngắm nhìn những cô thôn nữ duyên dáng trong những bộ trang phục truyền thống đang ngồi quay tơ, dệt thổ cẩm, trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ như mùa xuân, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được không gian thân thiện, bình dị và cuộc sống gần gũi và đáng yêu của những con người nơi đây./.
Trúc Linh