Năm 2023 du lịch Việt kỳ vọng khởi sắc

|

Năm 2023 du lịch Việt kỳ vọng khởi sắc

Từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm, khi lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh, khách quốc tế quay trở lại Việt Nam ngày càng nhiều. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy hoạt động du lịch đang dần phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại, đồng thời là động lực tích cực để ngành Du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
 
Khởi sắc và phục hồi trở lại

 
Năm 2022 là năm đánh dấu sự khởi sắc của du lịch Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch vào tháng 3/2023. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt 3,6 triệu lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước. Lượng khách du lịch nội địa đạt 101 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng thu từ du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.
 
Ảnh minh họa

Quý I/2023, ngành du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Lượng khách quốc tế ước đạt hơn 2,7 nghìn lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I ước đạt 2023 ước đạt 161,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng tăng 73,5%. Quảng Ninh tăng 43,1%; Cần Thơ tăng 42,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 37,2%; Thái Bình tăng 36%; Đồng Nai tăng 23,6%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 12,5%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương. Một số địa phương có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng gấp 4,9 lần; Hà Nội gấp 2,7 lần; Hải Phòng gấp 2,5 lần; Kiên Giang gấp 2,2 lần; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 84,5%; Quảng Ninh tăng 59,4%; Cần Thơ tăng 15,7%.

Có thể nói, ngay sau thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn vào tháng 3/2022, hoạt động du lịch trên cả nước khá nhộn nhịp. Nhiều địa phương có kết quả hoạt động du lịch nổi bật như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Giang, Bình Thuận...

Cụ thể, năm 2022, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút gần 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa. Riêng khách du lịch nội địa tăng 167% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch đạt 120.000 tỉ đồng, tăng 33% so với kế hoạch. Thành phố Hồ Chí Minh đã làm mới lại các chương trình du lịch tại nhiều điểm đến với 6 chương trình du lịch mới, hấp dẫn; triển khai sản phẩm du lịch mới, độc đáo "Ngắm thành phố từ trên cao" bằng máy bay trực thăng. Đồng thời, thành phố công bố và cập nhật tài nguyên du lịch gồm 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động (app du lịch)...

Năm 2022, thương hiệu của du lịch Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh với giải thưởng danh hiệu quốc tế. Hội đồng Tư vấn Du lịch bình chọn Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam... Năm 2023, thành phố phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15 - 20% so với năm 2022. Để thu hút du khách, thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy phát triển, quảng bá các nhóm sản phẩm có lợi thế, làm mới các sản phẩm phù hợp nhu cầu xu hướng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể, Thành phố ưu tiên 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm đặc trưng (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch MICE, golf, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế, du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái), sản phẩm chính (du lịch đêm, đường thủy, ẩm thực, cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, cưới, giáo dục)...

Năm 2023, ngành du lịch Thủ đô cũng tập trung chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến Hà Nội. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội quý I năm 2023 ước đạt 1,1 triệu lượt người, gấp hơn 3,2 lần cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 712 nghìn lượt người, gấp 15 lần cùng kỳ năm trước; khách nội địa đạt 339 nghìn lượt người, tăng 20,7%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng mức và gấp 3 lần cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng mức và gấp 3 lần cùng kỳ.

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam thời gian qua đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức tăng trưởng các chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam cao thứ 3 thế giới, trong đó có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu toàn cầu. Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tự tin du lịch qua Chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) của Booking. com. Theo dữ liệu của Google Destination Insights, lượng tìm kiếm về “Du lịch Việt Nam” từ các thị trường Mỹ, Australia, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh… thuộc nhóm tăng cao nhất trên thế giới.

Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á" tại Giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Tháng 2/2023, Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng Du lịch ASEAN năm 2023, như: Giải thưởng Homestay ASEAN, Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN, Giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN, Giải thưởng Dịch vụ Spa ASEAN. Đây là điểm nhấn khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam thời gian qua, qua đó góp phần khẳng định quyết tâm mở cửa du lịch, chào đón du khách đến và trải nghiệm các dịch vụ xanh, đẹp, đẳng cấp của du lịch Việt Nam, phù hợp với mọi nhu cầu của khách du lịch.
Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững
Các chuyên gia du lịch trên thế giới dự báo, năm 2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Ngành du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch thúc đẩy việc đón khách quốc tế trong năm 2023. Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm. Cụ thể, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch ASEAN, các hội chợ du lịch quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)... truyền thông, quảng bá trên các kênh CNN và kênh truyền thông lớn khác. Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Việt tại các thị trường trọng điểm như ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngành Du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án“Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Đặc biệt, sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” được kỳ vọng góp phần mở ra giai đoạn mới trong hợp tác du lịch với các quốc gia, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy mở rộng thị trường khách du lịch trong khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới. Đây là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch và các hoạt động sẽ diễn ra. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển ngành Du lịch cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch Việt Nam là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao. Trên cơ sở phân tích xu hướng toàn cầu; sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, phục hồi nhanh, tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp điều khách hàng cần"; từ du lịch "một mùa", sang du lịch “quanh năm”; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể, liên kết với phát triển du lịch của thế giới và khu vực; phát triển du lịch theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có…

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
 

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung tay phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch văn minh, hội nhập, hiệu quả, bền vững với phương châm: "người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực”
 
Cùng với đó, tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch; thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.
 
 
Các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm chế độ cho người lao động và tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai; đồng thời cũng là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.


5 DANH HIỆU LỚN VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH 
TẠI GIẢI THƯỞNG DU LỊCH TẾ GIỚI LẦN THỨ 29 NĂM 2022

1. Việt Nam: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới
2. Hà Nội: Thành phố cho các kỳ nghỉ ngắn hàng đầu thế giới
3. Phú Quốc: Điểm đến đảo hàng đầu thế giới

4. Tam Đảo: Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới
5. Mộc Châu: Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới



Thời gian tới, tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, ngành Du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch sẽ - Điểm đến an toàn, thân thiện", thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới./.
ThS. Nguyễn Bình Minh - Đại học Công nghiệp Hà Nội