Dư địa và giải pháp nào cho tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm 2023?

|

Dư địa và giải pháp nào cho tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm 2023?

Hoạt động thương mại và dịch vụ nước ta hoạt động sôi động trở lại trong 6 tháng đầu năm nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng quy mô vẫn nhỏ hơn so với thời điểm trước khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu đánh giá đúng và nắm bắt tốt cơ hội, chúng ta còn nhiều dư địa để lĩnh vực này đạt tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022 nhưng quy mô mới chỉ bằng 84% trước thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quy mô tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2019-2023 bị sụt giảm trong năm 2020 do nền kinh tế chịu tác động trước cú sốc của dịch Covid-19, sau đó từ năm 2021 tăng dần về quy mô so với năm 2019 và đạt tăng trưởng dương dần tiệm cận với tốc độ tăng của năm 2019.

Hình 1: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 
6 tháng đầu năm giai đoạn 2019-2023

Điểm khác biệt trong mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm nay so với các năm trước là có sự đóng góp lớn của lĩnh vực lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành vào mức tăng trưởng chung. Trong mức tăng chung 10,9% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực lưu trú và ăn uống tăng 18,7%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung (6 tháng đầu năm 2022 tăng 27%, đóng góp 2,4 điểm phần trăm); lĩnh vực du lịch lữ hành tăng 65,9%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm (cùng kỳ năm 2022 tăng tương ứng 98,3% và đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung). Động lực tạo tăng trưởng của 2 lĩnh vực này là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, khi lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm nay đạt 63,5 triệu lượt khách, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế đến Việt Nam với 5,6 triệu lượt khách, gấp 9,3 lần so với 6 tháng đầu năm 2022.

Sự phục hồi của ngành du lịch cũng tác động mạnh vào mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các địa phương có hoạt động du lịch, vui chơi giải trí như: Quảng Ninh tăng 15,1%, Khánh Hòa tăng 13,4%, Đà Nẵng tăng 13,4%, Ninh Bình tăng 19,2%, Thanh Hoá tăng 15,8%, Hà Tĩnh tăng 16,7%, Quảng Bình tăng 13,1%, Bình Định tăng 16,0%, Bình Thuận tăng 23,6%; Tuyên Quang tăng 17,8%, Yên Bái tăng 26,4%... Ngoài ra, hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách an sinh xã hội và sự phục hồi của các doanh nghiệp tạo động lực cho tiêu dùng nội địa tăng cao ở một số tỉnh/thành phố lớn và các tỉnh tập trung các khu công nghiệp như: Hà Nội tăng 6,1%, Hải Phòng tăng 12,9%, Bình Dương tăng 8,1%, Đồng Nai tăng 13,7%.

Dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm 2023

Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tạo dư địa cho tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm 2023. Do 6 tháng đầu năm 2023 lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ bằng 66% so với năm 2019, đây là "khoảng trống" lớn cần phải bù lấp và phục hồi trong những tháng cuối năm nay. Theo đó, các địa phương cần tích cực triển khai thực hiện quảng bá hình ảnh, sản phẩm dịch vụ du lịch và các chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút mạnh mẽ lượng khách quốc tế, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng khu vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức được áp dụng từ 1/7 năm nay chắc chắn sẽ gây áp lực lên lạm phát trong những tháng cuối năm, tuy nhiên người dân cũng có xu hướng gia tăng các khoản chi tiêu. Do vậy, đây cũng là dư địa để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm tận dụng và thu hút nguồn thu nhập tăng lên của người dân.

Như vậy, để tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

(1) Triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở áp dụng từ 1/7 để thu nhập của người dân được thực chất hơn, tránh tình trạng “giá đi trước, lương đi sau”;

(2) Ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung cầu trên nền tảng số;

 (3) Thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch, thu hút mạnh mẽ khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là khách đến từ  Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia Châu Âu; Đồng thời triển khai thêm các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế... Đây chính là giải pháp tích cực nhằm biến dư địa thành động lực cho du lịch lữ hành phát triển và bùng nổ, tác động mạnh mẽ tới tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những tháng cuối năm./.

Lê Thị Hiền

Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin Thống kê - TCTK