Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Từng bước nâng tầm trên bảng xếp hạng thế giới

|

Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Từng bước nâng tầm trên bảng xếp hạng thế giới

Những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới. Giai đoạn 2019-2022, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đạt 74%. Năm 2022, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục tăng 11,1% so với năm 2021 (từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD), đưa Việt Nam lên vị trí thứ 32 trong top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Một số yếu tố tạo nên thành công trong xây dựng, định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam thời gian qua

Theo báo cáo của Brand Finance - Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thương hiệu mạnh, là điểm sáng trong bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong hai năm gần đây. Năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 đạt 388 tỷ USD, tăng 21,6% so với năm 2020; năm 2022 đạt 431 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2021.

Để đạt được những kết quả trên, trước hết phải kể đến chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ trong hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đã tạo ra uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ những nỗ lực trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu của Chính phủ, cùng với đó là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Việc quyết tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp đã góp phần đáng kể gia tăng giá trị và vị trí của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa thương hiệu quốc gia và thương hiệu sản phẩm trong sự phát triển và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp. Theo đó, khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao. Một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với các sản phẩm với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của quốc gia đó.

Theo đánh giá, sự thăng hạng của thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua được xem là có khởi nguồn từ các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu với nòng cốt là Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Trong đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh về Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao. Nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các thương hiệu Việt Nam; xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.

 

Lễ trao giải Giải thưởng Top 10 Thương hiệu mạnh quốc gia năm 2023
 
Từ những định hướng đó, qua 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chương trình cũng luôn đồng hành, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao. Chương trình cũng tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Có thể thấy, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022. Trong đó, một số doanh nghiệp có thương hiệu mạnh điển hình như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Tân Titan; Công ty cổ phần đá hoa cương châu Âu (Eurostone – đạt danh hiệu Top 10 Thương hiệu mạnh quốc gia năm 2023); Công ty cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ Bảo Đức; Thương hiệu Dr.Papie (Thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Starmed); Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm và Xuất khẩu Miền Tây (Westfood)…

Theo đánh giá, giá trị vị thế của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam thời gian qua tăng đều qua các năm. Các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng. Đồng thời, kết quả trên cũng cho thấy các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Một số định hướng và giải pháp trong xây dựng, định vị và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam thời gian tới

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục định hướng mục tiêu xây dựng định vị hình ảnh là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030 sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới và xu hướng tiêu dùng chuyển dịch dần sang những sản phẩm thân thiện với môi trường và sản xuất xanh sẽ là một trong những yếu tố lợi thế để giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, thu hút thêm người tiêu dùng. Cùng với đó, sản xuất xanh cũng chính là yêu cầu tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, FTA. Những hiệp định thương mại tự do này đều có những yêu cầu khắt khe về tiêu chí môi trường, do vậy nếu doanh nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện tốt sản xuất xanh thì đây sẽ là một cơ hội lớn giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đáp ứng sâu hơn, xa hơn đến các thị trường khó tính, như: Thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Chính vì vậy, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam hiện nay để cạnh tranh trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.

Thực hiện mục tiêu đó, năm 2023, với chủ đề "Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh" trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam kỳ vọng sẽ là “cú hích” đối với các doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm xanh của Việt Nam, góp phần nâng cao giá thị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Mặc dù vậy, xu hướng phát triển sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh cũng đang đặt ra bài toán lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự cân nhắc, tính toán phù hợp, bảo đảm yếu tố cân bằng để phát triển. Trước những khó khăn và thách thức đó đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh và tuân thủ đúng các quy định về môi trường. Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và phải tính đến hướng tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến tới loại dần những sản phẩm và dịch vụ phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới môi trường.

Các doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, đi theo các hướng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường từ nguyên liệu đến máy móc thiết bị, sản phẩm và quy trình kinh doanh thân thiện với môi trường. Nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường; thiết kế bao bì, sản phẩm và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chủ động cải tiến quy trình cập nhật công nghệ kỹ thuật hiện đại, sáng tạo, đổi mới không ngừng để mang lại những sản phẩm chất lượng và uy tín cho thị trường người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, lan tỏa giá trị thành công của doanh nghiệp mang đến sự hài lòng của khách hàng.

Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao giá trị Thương hiệu quốc gia, bên cạnh việc gia tăng giá trị thương hiệu các doanh nghiệp, các sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp:

Tiếp tục quảng bá về nền kinh tế ổn định, môi trường kinh doanh được nhà nước tạo thuận lợi và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Quảng bá về hình ảnh Việt Nam gắn với những giá trị “xanh, bền vững” hợp xu thế hiện tại cũng góp phần tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia;

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp;

Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của Thương hiệu quốc gia Việt Nam;

Tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, nhất là ở thị trường ngoài nước và sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.

Việc gia tăng giá trị thương hiệu Việt Nam cũng cho thấy một bức tranh lạc quan về nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, uy tín, chất lượng, năng lực của một thương hiệu không chỉ được định giá từ góc nhìn của doanh nghiệp mà còn là sự hài lòng của cộng đồng người tiêu dùng. Do vậy, để nâng tầm vóc Thương hiệu quốc gia Việt Nam, mỗi người dân Việt cần có trách nhiệm và hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia, bởi xây dựng thương hiệu quốc gia bên cạnh việc phát triển bền vững đất nước cũng làm tăng niềm tự hào dân tộc và giá trị của mỗi người Việt Nam khi bước ra thế giới. Khi thương hiệu Việt Nam được thăng hạng thì giá trị cá nhân của mỗi người Việt Nam cũng được nâng tầm và ngược lại./.
 T.Hòa