Kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi“diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những nỗ lực cải cách chính sách của Chính phủ đã tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Qua các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Đảng đều tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân ngày càng sáng tỏ, cùng với các chính sách chung và chính sách đặc thù được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong giai đoạn 2001 - 2020, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực trạng kinh tế tư nhân ở nước ta trong thời gian qua
Quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cho thấy, phần lớn các chủ thể kinh doanh của khu vực này có quy mô nhỏ và vừa, trong đó khu vực có quy mô siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao.
Nếu phân theo quy mô lao động, năm 2020 có tới 77,8% doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh có quy mô dưới 10 lao động, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 61,5% của năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,2% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 0,02%. Số doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có quy mô từ 10 đến 199 lao động chiếm 17,9%, thấp hơn tỷ lệ 33,2% của năm 2010. Tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động của khu vực ngoài Nhà nước sau 10 năm chưa cải thiện, thậm chí còn thấp hơn so với năm 2010, trong đó số doanh nghiệp ngoài Nhà nước có quy mô từ 200 đến 299 lao động chiếm 0,3% (năm 2010 chiếm 0,6%) và quy mô trên 300 lao động chiếm 0,4% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (năm 2010 chiếm 0,8%).
Bảng 1: Số doanh nghiệp phân theo quy mô lao động và phân theo loại hình
doanh nghiệp
doanh nghiệp
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Xét về quy mô vốn, năm 2020, có đến 18,5% số doanh nghiệp ngoài Nhà nước có vốn kinh doanh dưới 1 tỷ đồng trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (tỷ lệ của năm 2010 là 13,2%) và 51,9% có quy mô vốn từ 1 đến dưới 10 tỷ đồng (tỷ lệ của năm 2010 là 60,2%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 0,002% và 0,02%; ở khu vực doanh nghiệp FDI là 0,3% và 0,8%; chỉ có 7% số doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước có vốn kinh doanh từ 50 tỷ đồng trở lên (tỷ lệ này năm 2010 là 4,5%). Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Bảng 2: Số doanh nghiệp phân theo quy mô vốn và phân theo loại hình
doanh nghiệp
Nguồn: Niên giám Thống kê
Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều thuộc những ngành có giá trị gia tăng thấp, trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu hoạt động nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường địa phương, với sự liên kết hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp này ít có khả năng tiếp cận tới công nghệ hiện đại, chủ yếu thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp, hơn là dựa trên các nền tảng về kiến thức, công nghệ, đổi mới và khả năng cạnh tranh. Khả năng tích tụ vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế, do đó, rất ít doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đã vươn lên thành doanh nghiệp quy mô vừa, dẫn đến tình trạng thiếu các doanh nghiệp quy mô vừa trong bức tranh tổng thể về các công ty tư nhân trong nước.
Tại khu vực hộ kinh doanh, phần lớn các cơ sở kinh doanh cá thể có quy mô siêu nhỏ nếu xét ở khía cạnh lao động. Số lao động trung bình trong các hộ kinh doanh giai đoạn 2001-2020 dao động trong khoảng 1,7- 1,8 người trên một cơ sở. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động trung bình khoảng 2,36 - 2,45 người/cơ sở, cao hơn khu vực dịch vụ khoảng 1,51- 1,61 người/cơ sở.
Đóng góp của kinh tế tư nhân
Đóng góp vào quy mô GDP
Kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Năm 2010, giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế tư nhân theo giá hiện hành đạt 598,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,85% GDP của cả nước; đến năm 2015 đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,2%; năm 2020 đạt 2.178,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,08%. Trong khi tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể ngày càng giảm, từ 27% năm 2010 xuống 25,55% vào năm 2015 và 22,68% năm 2020 thì khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng ngày càng tăng, tỷ trọng tăng từ 21,85% năm 2010 lên 24,2% năm 2015 và đạt 27,08% năm 2020, cao nhất trong các loại hình kinh tế. Kinh tế tư nhân từ loại hình kinh tế đóng góp thứ 2, sau kinh tế cá thể đã vươn lên đứng đầu.
Kinh tế tư nhân dần đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng góp hơn 50% GDP, trong đó có đóng góp lớn của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển nhanh, vượt lên khu vực kinh tế cá thể và trở thành khu vực đóng góp lớn nhất cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Năm 2010, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong kinh tế ngoài nhà nước tăng dần qua các năm, năm 2010 đạt 43,93%; năm 2015 đạt 47,80%; năm 2017 đạt 51,65% và năm 2020 đạt 53,55%.
Đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước
Khu vực kinh tế tư nhân có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2010-2020 liên tục tăng, năm 2010 mới chỉ đạt 70 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách nhà nước; đến năm 2015 đạt 129,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,7% và tăng 85% so với năm 2010. Trong những năm gần đây, đóng góp của khu vực này tăng nhanh. Tốc độ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân luôn cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách chung của cả nền kinh tế. Năm 2016 đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,88%; đến năm 2020 đạt 247,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,36% và gấp 3,5 lần năm 2010, gấp gần 2 lần năm 2015. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước của cả nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đạt 11,6%, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đạt 13,1%; thu ngân sách của cả nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8,2%/năm, thấp hơn mức 13,8%/năm của khu vực kinh tế tư nhân. Tính chung giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng thu ngân sách của cả nền kinh tế đạt 9,9%/năm, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đạt 13,4%/năm.
Tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng thu
ngân sách Nhà nước (%)
ngân sách Nhà nước (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Giải quyết việc làm cho người lao động
Đóng góp lớn nhất của kinh tế tư nhân cho xã hội đó là giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là sử dụng lao động tại chỗ… Loại hình kinh tế này hàng năm thu hút lao động mới và từ các doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể chuyển sang. Giai đoạn 2010-2015, số lao động làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh, năm 2015 đạt 45,1 triệu lao động, chiếm 85% tổng số lao động của cả nền kinh tế, tăng 2,76 triệu lao động so với năm 2010; bình quân mỗi năm tăng 552,6 nghìn lao động, tương đương tăng 1,3%. Như vậy, với lực lượng lao động chiếm khoảng 85% của lao động toàn nền kinh tế nhưng đóng góp vào tăng trưởng GDP mới chỉ đạt dưới 50%, chứng tỏ hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân chưa cao. Thể hiện ở một số yếu tố, đó là tình trạng lạc hậu về công nghệ, chất lượng nhân lực thấp và không đồng đều, hạn chế về năng lực quản trị, trình độ lao động của các doanh nghiệp chủ yếu còn thấp, thiếu nhân lực giỏi, lao động không được đào tạo bài bản, kỹ năng thấp. Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế tư nhân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy số lao động giảm do chuyển sang khu vực kinh tế khác như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhưng hiệu quả hoạt động cao hơn, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cho nền kinh tế có xu hướng tăng lên. Năm 2016, lao động trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 45 triệu lao động, giảm 77,6 nghìn lao động so với năm 2015; năm 2020, đạt 44,8 triệu lao động, giảm 355,4 nghìn lao động nhưng đóng góp vào GDP đạt trên 50%. Kinh tế tư nhân phát triển đã làm tăng sự lựa chọn cho người lao động và người sử dụng lao động, dẫn đến làm tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động.
Một số hạn chế cơ bản và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới
Tuy đã phát triển rất nhanh và phát triển ở nhiều ngành nghề nhưng do xuất phát điểm thấp, từ những khó khăn do lịch sử để lại, do điều kiện hoàn cảnh chung của cả nền kinh tế, loại hình kinh tế tư nhân còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể:
Việc phát triển doanh nghiệp trong loại hình kinh tế tư nhân những năm qua, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn còn mang nặng tính hình thức, phát triển bề rộng, chưa quan tâm đến chất lượng và bề sâu. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được hình thành mỗi năm thực chất là từ các hộ gia đình (các khách sạn nhà hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, cửa hàng buôn bán thực phẩm bằng sử dụng công nghệ...), dẫn đến kết quả số lượng đơn vị thành lập thì nhiều, nhưng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, tính bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.
Do tiếp cận nguồn vốn tín dụng gặp khó khăn nên việc mở rộng sản xuất kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến năng suất lao động và năng lực sản xuất còn thấp. Mặt khác, thành phần chủ yếu của khu vực tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể nên vẫn yếu thế trong cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả xuất khẩu sang thị trường nước ngoài và tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém nhiều mặt. Lao động phần lớn chưa được đào tạo bài bản hoặc chỉ được đào tạo chứng chỉ ngắn hạn nên tiếp cận tiến bộ khoa học không dễ dàng.
Trình độ quản lý: Trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp còn thấp. Đa số các chủ doanh nghiệp trưởng thành từ thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm qua bạn hàng. Chính vì quản lý và điều hành dựa vào kinh nghiệm được tích lũy, chưa qua đào tạo và không có bằng cấp chuyên môn nên thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa có được chiến lược kinh doanh đúng nghĩa.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong phát triển kinh tế tư nhân, một số giải pháp, khuyến nghị được đề ra như sau:
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể kinh tế tư nhân.
Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các hợp đồng mua sắm công theo quy định của pháp luật đấu thầu về ưu đãi cho các gói thầu quy mô nhỏ.
Đổi mới tư duy: Doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới tư duy trước bối cảnh mới. Việc ký kết các hiệp định thương mại buộc các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chấp nhận tuân thủ luật chơi mà phải tích lũy đủ cả tiềm lực và năng lực. Thích ứng với thời cuộc là điều bắt buộc với doanh nghiệp. Tư duy toàn cầu và tăng cường liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt lên một tầm cao mới.
Xây dựng mô hình quản trị: Hầu hết các doanh nghiệp trong hệ thống kinh tế tư nhân, kể cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, thực chất cũng là các doanh nghiệp mang tính chất gia đình và được chi phối bởi một cá nhân có vai trò dẫn dắt. Chính vì vậy, để doanh nghiệp phát triển bền vững cần phải xây dựng mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phát triển nhân lực, khoa học công nghệ: Để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động, để từ đó có thể đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất trong bối cảnh mới./.
(Nguồn: Vụ Thống kê Tổng hợp - TCTK)