Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.
Trong tổng vốn đăng ký, vốn đăng ký cấp mới có 3.188 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 20,19 tỷ USD, tăng 56,6% so với năm trước về số dự án và tăng 62,2% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,85 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2023, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 3,77 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 3,54 tỷ USD, chiếm 17,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 3,41 tỷ USD, chiếm 16,9%; Nhật Bản 2,86 tỷ USD, chiếm 14,2%; Đài Loan 2,25 tỷ USD, chiếm 11,1%; Hàn Quốc 1,84 tỷ USD, chiếm 9,1%.
Ngoài vốn đăng ký mới, cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,88 tỷ USD, giảm 22,1% so với năm trước.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.451 lượt với tổng giá trị góp vốn 8,54 tỷ USD, tăng 65,7% so với năm trước. Trong đó, có 1.349 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 4,05 tỷ USD và 2.102 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,49 tỷ USD.
Năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,08 tỷ USD, chiếm 82,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện./.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài
PV