Bắc Cạn cần tổ chức chế biến sâu khoáng sản

|

NDO - NDĐT - Để nâng cao giá trị của khoáng sản, bảo vệ hạ tầng giao thông, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách, tỉnh Bắc Cạn đã không cho xuất quặng thô, nhưng cần tổ chức chế biến sâu khoáng sản tại chỗ.

Sau một thời gian ngừng khai thác, gần đây Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico đề nghị tỉnh Bắc Cạn cho khai thác mỏ sắt Pù Ổ ở huyện Chợ Đồn, nhưng UBND tỉnh Bắc Cạn không đồng ý. Làm việc với doanh nghiệp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Cạn Nông Văn Chí yêu cầu: Sau khi nghiền tuyển tại chỗ để loại bỏ tạp chất, nâng hàm lượng quặng sắt từ 50% trở lên, doanh nghiệp phải liên hệ bán cho hai cơ sở chế biến quặng sắt trên địa bàn, nếu không sẽ không cho khai thác để chở xuống bến tàu Đa Phúc (Thái Nguyên) như trước đây.

“Tương tự như vậy, đối với Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (MATEXIM) có mỏ sắt Bản Quân tại huyện Chợ Đồn, sau khi nghiền tuyển để nâng hàm lượng quặng thì phải được chế biến tại Nhà máy sắt xốp của công ty này ở Khu công nghiệp Thanh Bình của tỉnh, nếu không chế biến tại nhà máy này thì tỉnh sẽ không cho vận chuyển quặng sắt sau khi nghiền tuyển nâng hàm lượng ra khỏi mỏ”, ông Nông Văn Chí yêu cầu.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp đang khai thác hàng chục mỏ chì - kẽm, sắt, nếu không chế biến khoáng sản trên địa bàn, tỉnh Bắc Cạn chỉ thu được thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, còn thuế giá trị gia tăng, đây là khoản thu lớn nhất thì tỉnh lại không thu được. Từ năm 2011 đến năm 2016, mỗi năm ngân sách tỉnh thu được từ 60 - 70 tỷ đồng từ hoạt động khoáng sản. Số thu này được coi là chưa tương xứng với thực tế hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Nguyên nhân chủ yếu là do khoáng sản không được chế biến sâu tại chỗ. Đối với quặng sắt, sau khi nghiền tuyển nâng hàm lượng thì doanh nghiệp chở đi bán. Quặng chì - kẽm cũng tương tự như vậy, sau khi tuyển nổi để nâng hàm lượng quặng chì, nâng hàm lượng quặng kẽm, phần lớn được chở ra ngoài tỉnh chế biến thành kim loại chì, kim loại kẽm. Thuế giá trị gia tăng sau khi khoáng sản được chế biến sâu là rất lớn, nhưng tỉnh không thu được.

Trong khi đó, tuyến Quốc lộ 3B (tuyến đường 257 trước đây) và hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện Chợ Đồn (địa phương có hoạt động khoáng sản lớn nhất tỉnh) đã xuống cấp trầm trọng, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển khoáng sản gây ra. Riêng việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 3B từ TP Bắc Cạn vào huyện Chợ Đồn, tuyến đường thường xuyên có vận chuyển khoáng sản, năm 2013 ngân sách T.Ư phải đầu tư gần 700 tỷ đồng.

Để nâng cấp tuyến Quốc lộ 3B kéo dài từ thị trấn Bằng Lũng qua xã Yên Thịnh, Yên Thượng và Bản Thi, huyện Chợ Đồn, năm 2015 ngân sách T.Ư đầu tư 400 tỷ đồng. Nguyên nhân trực tiếp làm cho tuyến đường xuống cấp là do vận chuyển khoáng sản gây ra. Hoạt động vận chuyển khoáng sản với khối lượng lớn, liên tục từ hàng chục năm qua làm cho tuyến đường qua các xã Bình Trung, Nghĩa Tá, tuyến đường trục chính xã Bản Thi cũng thuộc huyện Chợ Đồn đến nay đã “nát bươm”, đi lại rất khó khăn, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần số tiền rất lớn để nâng cấp, nhưng đến nay ngân sách chưa bố trí được.

Việc mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ thu được 60 - 70 tỷ đồng từ hoạt động khoáng sản, nhưng tác động mà hoạt động khoáng sản, trực tiếp là là vận chuyển khoáng sản chưa qua chế biến sâu gây ra riêng với hạ tầng giao thông là không nhỏ. Tỉnh cần sớm có giải pháp để khắc phục bất cập này để vừa bảo vệ hạ tầng giao thông, nâng giá trị gia tăng của khoáng sản, lại tăng thu cho ngân sách.

Không vận chuyển quặng ra khỏi địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết, không mang tính chất “ngăn sông cấm chợ”, mà sau khi chế biến, doanh nghiệp sẽ vận chuyển sản phẩm từ quặng đi cung cấp cho các nhà máy luyện kim, xuất khẩu. Khi đó, giá trị gia tăng của khoáng sản được nâng lên, giảm tải cho hạ tầng giao thông, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu cho ngân sách địa phương.

Hiện nay, Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn có ba mỏ chì - kẽm, số quặng khai thác được đưa vào chế biến tại xưởng tuyển nổi để nâng hàm lượng quặng, rồi chở đi chế biến tại tỉnh khác, ngân sách địa phương không thu được bao nhiêu. Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn có Nhà máy luyện chì Bắc Cạn với năng lực sản xuất 5 nghìn tấn chì kim loại/năm, ngừng hoạt động từ đầu năm 2016 do nhiều nguyên nhân. Nhưng khi nhà máy này hoạt động ổn định, sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 150 lao động, hằng năm nộp thuế giá trị gia tăng cho tỉnh khoảng 40 tỷ đồng, không gây áp lực lên hạ tầng giao thông.

Gần đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn có những cuộc làm việc, cùng với từng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đối với những nhà máy chế biến khoáng sản trên địa bàn đang “đắp chiếu” hoạt động trở lại cũng nhằm những mục tiêu nêu trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Nông Văn Chí cho biết: Tới đây sẽ báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền không cho vận chuyển khoáng sản chưa qua chế biến ra khỏi địa bàn tỉnh. Bởi nhiều năm qua, hoạt động khoáng sản không mang lại nguồn thu ngân sách tương xứng, giải quyết lao động không được bao nhiêu, nhưng ngược lại, tác động tiêu cực của hoạt động khoáng sản không phải là nhỏ.

Hầu hết doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều kiến nghị, để chủ trương không vận chuyển khoáng sản chưa qua chế biến ra ngoài tỉnh thành hiện thực, thì tỉnh không cấp phép khai thác mỏ cho những doanh nghiệp không có nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn.

Vận chuyển khoáng sản quá tải trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn thời gian gần đây có chiều hướng tăng.