Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tham luận tại Kỳ họp lần thứ 53 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc

|

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tham luận tại Kỳ họp lần thứ 53 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc

Trong ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp lần thứ 53 do Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc tổ chức diễn ra vào tối ngày 02/3/2022 (theo giờ Việt Nam), thay mặt đoàn đại biểu của Tổng cục Thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã có bài phát biểu tham luận trong nội dung Thống kê kinh tế phi chính thức.
 
Trong bài phát biểu, Tổng cục trưởng cho biết Việt Nam luôn theo sát và rất quan tâm tới công tác xây dựng chỉ tiêu thống kê về kinh tế phi chính thức của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua hỗ trợ kỹ thuật của ILO cho Việt Nam trong lĩnh vực này trong hơn mười năm qua. Việt Nam đã công bố dữ liệu chính thức về việc làm phi chính thức, bao gồm và không bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, tuân thủ khung chỉ tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) hiện hành. Theo số liệu thống kê mới nhất năm 2021, tại Việt Nam, việc làm phi chính thức bao gồm lĩnh vực nông nghiệp (68,5%) cao hơn nhiều so với số liệu không tính đến lĩnh vực này (56,2%).
 
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương tại buổi họp trực tuyến
Kỳ họp lần thứ 13 
của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc 

Tổng cục Thống kê Việt Nam đánh giá ILO đã đạt được những tiến bộ đáng kể hướng tới một khung mới giúp nâng cao hiểu biết về tình trạng phi chính thức trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và hoan nghênh các nỗ lực đang được thực hiện để đảm bảo tính nhất quán với các tiêu chuẩn thống kê được thông qua tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động (ICLS) lần thứ 19 và 20.
 
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho rằng điều quan trọng là các tiêu chuẩn mới hỗ trợ việc đo lường tình trạng phi chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp, cần dựa trên các tiêu chí có ý nghĩa ở cấp quốc gia. Tổng cục Thống kê Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đề xuất về việc bao gồm cả công việc được trả lương và không được trả lương trong các tiêu chuẩn mới, để thúc đẩy việc đo lường rộng rãi tất cả các hình thức công việc trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và ranh giới sản xuất chung, cho phép hiểu rõ các mức độ công nhận và bảo vệ người lao động và các đơn vị kinh tế có liên quan./.
 
B.N