Sử dụng mô hình dữ liệu mảng để xem xét mối quan hệ của các đặc điểm giám đốc điều hành và hiệu quả của công ty gia đình niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam, giai đoạn 2012 - 2018

|

Sử dụng mô hình dữ liệu mảng để xem xét mối quan hệ của các đặc điểm giám đốc điều hành và hiệu quả của công ty gia đình niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam, giai đoạn 2012 - 2018

Trong mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, giám đốc điều hành (CEO) đóng vai trò như đầu tàu cho sự phát triển, là chìa khoá mở ra thành công hoặc thất bại của mỗi doanh nghiệp.  Các công ty gia đình cũng là nhóm doanh nghiệp có mô hình tổ chức kinh doanh đặc thù, đang ngày càng có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Vì vậy, nghiên cứu này kì vọng có thể đánh giá mối quan hệ giữa các đặc điểm của giám đốc điều hành và hiệu qua hoạt động của CTGĐNY trên TTCK Việt Nam bằng việc sử dụng mô hình dữ liệu mảng

1. Sự cần thiết tiến hành nghiên cứu
 
Dữ liệu mảng (Panel Data) là dạng dữ liệu bao gồm cả hai chiều không gian và thời gian, là loại số liệu kết hợp chuỗi thời gian (time series) và số liệu chéo (cross sections).

Các nghiên cứu về tâm lý học người đã chỉ ra rằng, những đặc điểm khác nhau về nhân khẩu học, tâm lý học hành vi, kinh nghiệm, thâm niên công tác, đặc trưng tính cách, giới tính… có ảnh hưởng mạnh mẽ đến 
hành vi của mỗi cá nhân. Những hành vi này thông qua quá trình lao động, học tập, làm việc lại ảnh hưởng đến cách thức nhìn nhận, đánh giá vấn đề, phong cách làm việc … và từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý cũng như kết quả học tập, làm việc của mỗi cá nhân (Holland,1960). Đối với các CEO cũng vậy, các nghiên cứu về lãnh đạo đã chỉ ra rằng phong cách, thói quen hay hành vi của một nhà lãnh đạo cụ thể là mặt phản ánh ra bên ngoài của một loạt các đặc điểm đặc trưng của nhà lãnh đạo đó. Chính thói quen, phong cách làm việc của nhà lãnh đạo đó lại có những tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp do họ điều hành (Thong và Yap, 1995), (Herrmann và Datta, 2002), (Heaton, 2002),...Vì vậy, từ lâu nay, một trong những nội dung được khá nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị kinh doanh trên thế giới quan tâm, tìm hiểu đó là ảnh hưởng của đặc điểm các nhà lãnh đạo đến các khía cạnh hoạt động khác nhau của doanh nghiệp.
 
Từ các lí do kể trên, nghiên cứu hy vọng có thể đúc rút tổng kết được một số những đặc điểm tiêu biểu của CEO Việt có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và kết quả của nghiên cứu có thể làm cơ sở cho các quyết định, lựa chọn đầu tư trên thị trường hiện nay.

2. 
Xây dựng - biện luận mô hình
 
Để đưa ra mô hình tổng quát đánh giá chung về nội dung nghiên cứu, tác giả tiến hành sử dụng mô hình dữ liệu mảng (panel data) để xem xét mối quan hệ chung của các đặc điểm cá nhân của giám đốc điều hành (CEO’s characteristic) và hiệu quả hoạt động của các CTGĐNY. Lựa chọn khoanh vùng phân tích dữ liệu về các CTGĐ bởi đây là mô hình tổ chức kinh tế tiêu biểu và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như Việt Nam.

Ý nghĩa mô hình sẽ giúp đánh giá những ảnh hưởng tác động có thể có của các đặc điểm cá nhân của giám đốc điều hành tới hiệu quả hoạt động của các công ty sở hữu gia đình niêm yết.

Mô hình dữ liệu bảng có dạng tổng quát:



 
Trong đó:  i là đơn vị chéo thứ i và t là thời gian thứ tm, Y: Biến phụ thuộc , X: Biến độc lập Phương trình hồi quy phục vụ nghiên cứu đề xuất như sau:


 
Các biến nghiên cứu trong phương trình đề xuất gồm 3 loại: Biến phụ thuộc, biến độc lập và biến kiểm soát. Trong đó, biến phụ thuộc ROE - giá trị sổ sách kế toán, mô tả lợi nhuận sau thuế tính trên vốn chủ sở hữu bình quân. Các biến độc lập mô tả đặc điểm công tác của CEO gồm : (1) OWNERSHARE - mô tả tỷ lệ cổ phiếu sở hữu của CEO, được đo bằng tỷ lệ phần trăm cổ phần mà CEO nắm giữ trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty, (2) KIEMNHIEM - phản ánh tính song trùng lãnh đạo trong việc tổ chức phân công nhiệm vụ của CEO. Biến giả (dummy) để nghiên cứu, khi CEO chỉ đơn thuần là giám đốc điều hành thì nhận giá trị 0, ngược lại nếu có kiêm nhiệm thì nhận giá trị 1 và (3) CHANGE - mô tả tình trạng trạng thay đổi CEO trong doanh nghiệp. Do CEO hoạt động dưới sự kiểm soát và điều hành của HĐQT, vì vậy HĐQT có quyền tuyển dụng hoặc sa thải CEO. Đây là biến định tính, được phân loại theo số lần thay đổi CEO của công ty. Ngoài ra, khi đánh giá ảnh hưởng của sự thay đổi CEO đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tác giả lựa chọn phương pháp xây dựng biến giả (biến dummy), theo đó CHANGE nhận giá trị 0 trong trường hợp công ty không thay đổi CEO trong suốt giai đoạn nghiên cứu, và ngược lại nhận giá trị 1. Mô hình sử dụng 2 biến kiểm soát là: (1) GROWTH - Tăng trưởng của doanh nghiệp, được tính bằng chênh lệch giữa quy mô doanh nghiệp của kỳ hiện tại so với quy mô kỳ trước và được thể hiện bằng đơn vị phần trăm và (2) SIZE - dữ liệu về tổng tài sản 
của CTGĐ được mã hoá dưới dạng số logarithm thành biến SIZE trong quá trình xử lý mô hình định lượng.
 
Đối với dữ liệu mảng (là sự kết hợp giữa dữ liệu chuỗi thời gian từ 2012 đến 2018 và sắp xếp cùng lúc cho các doanh nghiệp về không gian) có 3 mô hình có thể sử dụng tùy vào đặc điểm các phạm vi nghiên cứu bao gồm: Mô hình Pooled OLS; Mô hình Fixed effect và Mô hình Random effect.

Việc lựa chọn mô hình nghiên cứu sẽ sử dụng kiểm định Hausman giữa mô hình Fixed effect và Random effect, với giả thuyết: Ho: Mô hình Random effect là phù hợp. H1: Mô hình Fixed effect là phù hợp.

Trong trường hợp kiểm định Hausman cho p-value lớn hơn 0,05 thì mô hình Random effect là phù hợp và ngược lại nếu p-value của kiểm định Hausman nhỏ hơn 0.05 thì mô hình Fixed effect là phù hợp.

Sau khi tìm ra mô hình phù hợp với dữ liệu, tác giả tiến hành kiểm định sự tin cậy của mô hình bằng kiểm định phương sai thay đổi và kiểm định tự tương quan.

3. 
Kết quả
 
Hiện nay, trên TTCK Việt Nam, cơ cấu sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết được phân bổ như sau: 24% là các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, 18% là các doanh nghiệp sở hữu nước ngoài, còn lại đa số (tương đương 58%) là các doanh nghiệp sở hữu tư nhân. Trong khi đó, các công ty gia đình niêt yết chủ yếu là các công ty tư nhân tham gia vào thị trường chứng khoán dưới hình thức là các công ty cổ phần tập đoàn, điều này có thể cho thấy thực tế cơ cấu chiếm đa số của nhóm các doanh nghiệp niêm yết sở hữu gia đình. Theo thống kê sơ bộ tại Diễn đàn doanh nghiệp 2018, 100 công ty gia đình lớn nhất Việt Nam hiện đóng góp 25% tổng GDP của cả nước. Theo VCCI công bố, ước tính đến cuối năm 2018, cả nước có 94% doanh nghiệp hiện đang hoạt động theo mô hình công ty gia đình.

Căn cứ bộ tiêu chuẩn ICB phân ngành - StockPlus), số lượng công ty gia đình niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2018 gồm tổng cộng 57 doanh nghiệp, hoạt động trong 7 lĩnh vực, ngành nghề chính bao gồm: Vật liệu cơ bản, công nghiệp, hàng tiêu dùng, y tế, các dịch vụ hạ tầng, tài chính và công nghệ.

 

Căn cứ vào dữ liệu được mô tả sơ bộ trong bảng 1, biến ROE có giá trị trung bình là 0,096 với giá trị nhỏ nhất là 0.000 và giá trị lớn nhất là 0.333, chỉ ra rằng các doanh nghiệp công nghiệp trong mẫu quan sát đều có khả năng tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên nếu so sánh tổng quan hiệu quả trên toàn thị trường thì các CTGĐ hoạt động cũng chưa thực sự đạt hiệu quả cao sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao. Biến số phản ánh tốc độ tăng trưởng GROWTH đạt giá trị trung bình là 0.137, trong đó giá trị nhỏ nhất là -0.819, giá trị lớn nhất đạt 1.316, chỉ ra rằng nhìn chung tốc độ tăng trưởng của các CTGĐ trên TTCK Việt Nam ở mức độ khá cao, tuy nhiên vẫn còn tồn tại khoảng chênh lệch rất lớn trong trình độ phát triển của các doanh nghiệp trên.
 
Với 2 mô hình đánh giá ban đầu là FEM và REM thông qua kiểm định Hausman test chỉ ra rằng mô hình REM phù hợp với dữ liệu nghiên cứu hơn mô hình FEM (P-value của kiểm định Hausman = 0.9121). Tuy nhiên, kiểm định tự tương quan (Autocorrelation test = 0.0000 < 0.05 ) lại chỉ ra mô hình đang tồn tại tự tương quan, do đó tác giả sử dụng mô hình GMM để hiệu chỉnh các khuyết tật, kết quả mô hình chỉ ra rằng mô hình GMM đạt tin cậy với chỉ số AR(2) bằng 0.420 > 0.05 và kiểm định Hansen  cho giá trị P-value = 0.384 > 0.05.
 
Kết quả phân tích chỉ ra rằng, ROE của CTGĐ nhìn chung lại khá nhạy cảm với các đặc điểm về thâm niêm công tác, cụ thể biến OWNERSHARE có tác động âm (-) đến ROE, có nghĩa là, động cơ tăng hiệu suất điều hành của CEO bằng việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu không tạo ra ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của các CTGĐNY.

Biến CHANGE có tác động dương (+) tới ROE cho thấy, cũng giống như với tổng tài sản việc thay đổi giám đốc điều hành có tác động tích cực đến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Kết quả phân tích trên trùng với biện luận nghiên cứu của Davis và Schoorman (1997) về khả năng tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động từ việc thay đổi CEO.

Ngoài ra, biến KIEMNHIEM lại không có tác động đến ROE, có nghĩa là việc gia tăng các quyền kiêm nhiệm trong quản lý cho CEO không tạo ra những tác động đáng kể tới vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp như kỳ vọng. Hay quyền kiêm nhiệm các chức danh quản lý khác trong HĐQT của CEO tại các CTGĐNY hiện nay không phải là nội dung có nhiều sức ảnh hưởng như với nhóm các doanh nghiệp khác.

4. 
Bình luận kết quả nghiên cứu

Có thể nhận thấy rằng,  các đặc điểm liên quan đến công tác của CEO như tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, thay đổi nhân sự CEO, quyền kiêm nhiệm các chức danh quản lý khác trong HĐQT trong mô hình CTGĐ không tạo ra nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bởi một số các đặc trưng của loại hình doanh nghiệp này như tính ràng buộc về mặt trách nhiệm lẫn quan hệ theo văn hoá gia đình, vai trò chi phối của HĐQT …. Bởi vậy, các đặc điểm này, khi đặt đơn lẻ thì ít có khả năng tạo ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của CTGĐNY, nhưng khi xem xét trong một chỉnh thể chung với các đặc điểm khác của CEO thì có thể sẽ tạo ra những ảnh hưởng khác nhau đến hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chứng minh được tính hợp lý phù hợp của việc sử dụng mô hình dữ liệu mảng (Panel Data) để xem xét mối quan hệ của các đặc điểm giám đốc điều hành (CEO’s characteristic) và hiệu quả của công ty gia đình niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giai đoạn 2012 - 2018./.
 
ThS. Hoàng Hải Yến
Trường Đại học Ngoại thương


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  1. Astrachan, J.H.; Shanker, M.C. (2003), Family business contribution to the U.S economy: A closer look, Family Business Review, Số 3, Bộ 16: 211 - 219.
  2. Badi H. Baltagi, 2005, Econometric Analysis of Panel Data, Library of Congress Cataloging-in-Publication Data, ISBN-13 978-0- 470-01456-1.
  3. Brickley, J.A., Linck, J.S., Coles, J.L. (1999). What happens to CEOs after they retire? New evidence on career concerns, horizon problems, and CEO incentives. Journal of Financial Economics, 52 (3): 341-377.
  4. Cao Thị Vân Anh (2018). Tác động của sở hữu gia đình đến kết quả tài chính của các công ty gia đình ở Việt Nam. Tạp chí Công thương, số 13, tháng 10/2018, 364-369.
  5. Dallas, L. (2002). The new managerialism and diversity on corporate boards of directors. Tulane Law Review, 76(5-6): 1363-1405.
  6. Donald C. Hambrick, Phyllis A. Mason, Upper Echelons: The Organization as a Reflection of Its Top Managers. The Academy of Management Review, Volume 9, Issue 2: 193 - 206.
  7. Gibbons, N.R., Murphy, K. (1992). Does executive compensation affect investment? Journal of Applied Corporate Finance, 5(2): 99-109.
  8. Finegold D, Bentson G.S, Hecht D (2007). Corporate Boards and Company Performance: review of research in light of recent reforms. Cooporate Governance - An international review, 2007, http:// doi.org/10.1111/j.1467-8683.2007.00602.x.
  9. Finkelstein, S. (1992). Power in top management teams: Dimensions, measure-ment, and validation. Academy of Management Journal, 35(3): 505-538.
  10. Ngô Mỹ Trân, Bùi Văn Trịnh, Giang Minh Tiến, Các nhân tố ảnh hưởng đến thù lao tổng giám đốc của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 54, số 6D (2018) - 196-205
  11. Phạm Bùi Gia Thuỷ, Trần Đức Tài, Ảnh hưởng của đặc điểm tổng giám đốc điều hành đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Tạp chí khoa học Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh, số 55 (4) 2017.
  12. Truong T.N.T và Dao T.B (2017), Female director and financial performance of listed compagnies in Vietnam, Tạp chí Journal of Economics and Development, Đại học Kinh tế quốc dân.
  13. http://vneconomy.vn/nang-chat- quan-tri-cho-cong-ty-gia-dinh-bay-gio-hoac-khong-bao-gio-20191204090711253.htm
  14. https://enternews.vn/the-nao-la-cong-ty-gia-dinh-132365.html
  15. https://hot-world-news.com /vi/doanh-nghiep-gia-dinh-muon-lon-manh-can-co-them-nguoi-tai-khong-phai-thanh-vien-trong- nha/.