Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường xăng dầu: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra

|

Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường xăng dầu: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra

Tóm tắt: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là nguồn nhiên liệu giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất, đời sống xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Những biến động của thị trường xăng dầu sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và an sinh xã hội. Việc giá xăng dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, kìm hãm nền kinh tế phát triển, thậm chí khi thị trường xăng dầu rơi vào khủng còn dẫn tới các nguy cơ bất ổn về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia. Trong bài viết này, tác giả khái quát thực trạng chính sách phát triển thị trường xăng dầu Việt Nam, từ đó đưa ra một số gợi ý mang tính giải pháp để hoàn thiện thể chế nhằm phát triển thị trường cho mặt bằng chiến lược này.

Từ khoá: Thể chế, Xăng dầu, Việt Nam.

 

Sau hơn 35 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường nước ta đang từng bước hình thành và phát triển đồng bộ từ cấu trúc, thể chế và các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có thị trường xăng dầu. Cho đến nay, thị trường xăng dầu Việt Nam về cơ bản đã hình thành và vận hành theo cơ chế thị trường, đồng thời một số lĩnh vực đã theo sát được thị trường xăng dầu thế giới. Việc các cơ quan quản lý nhà nước ban hành kịp thời những quy định về quản lý thị trường xăng dầu kết hợp với sự đa dạng hoá các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ xăng dầu trong những năm vừa qua đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu về xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng cá nhân, tạo ra sự linh hoạt, hiệu quả của thị trường xăng dầu trong nước. Sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước đã có những tác động nhất định tới kiểm soát giá xăng dầu trong nước trước những cú sốc về tăng giá xăng dầu thế giới trong năm 2022, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định về kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thị trường xăng dầu nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập như: Chính sách quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu chưa phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường; Quan hệ lợi ích giữa các chủ thể tham gia kinh doanh trong ngành xăng dầu còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn dẫn tới rủi ro; Thị trường xăng dầu vẫn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; Sản phẩm của các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu cho thị trường chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng; tình trạng buôn lậu, hàng giả còn phức tạp… Những bất cập đó đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn thiện các chính sách để phát triển thị trường xăng dầu trong nước vừa phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường, vừa trở thành công cụ để nhà nước điều tiết nền kinh tế.
Thực trạng chính sách phát triển thị trường xăng dầu

Để điều hành thị trường xăng dầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Đây là văn bản pháp quy có giá trị rất lớn góp phần hình thành thị trường xăng dầu nước ta. Năm 2021, để điều hành thị trường xăng dầu phù hợp với những diễn biến mới của nền kinh tế nước ta sau đại dịch Covid-19 và khắc phục những hạn chế của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, ngày 01/11/2021 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Tính đến nay, cả nước có 38 đơn vị đầu mối (trong đó có 29 đơn vị nhập khẩu và phân phối; 02 đơn vị vừa sản xuất, nhập khẩu và phân phối là Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn; và trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước). Chỉ tính riêng năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã cung cấp cho nền kinh tế 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung). Nhìn chung, dưới sự điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu nước ta đã phát triển tương đối ổn định, góp phần quan trọng cung cấp cho thị trường nguồn nhiên liệu chính cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng dân sinh.
 
Trong giai đoạn cuối năm 2022, trước những biến động của thị trường xăng dầu thế giới và nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu của thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 4 giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, cụ thể: Cho phép Bộ Công Thương linh hoạt lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới; Đề xuất tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia và cho phép Bộ Công Thương chủ động sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để bù đắp cho thị trường trong trường hợp nguồn cung trong nước gặp khó khăn; Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia khẩn trương đàm phán, thống nhất giải pháp tái cấu trúc tổng thể Công ty trách nhiệm hữu hạn lọc hóa dầu Nghi Sơn để bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả; Chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với chi phí phát sinh thực tế…). Đồng thời, triển khai nhiều Nghị quyết, Công điện, Thông báo kết luận hội nghị… theo thẩm quyền để điều hành thị trường xăng dầu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc điều hành thị trường xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc xuất phát từ những hạn chế của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Điều này thể hiện ở chỗ:

Một là, việc quản lý và điều hành giá đối với mặt hàng xăng dầu chưa phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường: Để điều hành giá xăng dầu trên thị trường, tại khoản 9 điều 3 Nghị định có quy định về giá cơ sở và tiếp tục được Nghị định 95 làm rõ. Tuy nhiên, việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở được áp dụng bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước làm căn cứ để điều hành giá trần cho 10 ngày tiếp theo đã không giúp cho việc xác định đúng giá của xăng dầu trên thị trường, thậm chí còn dẫn tới sự“lệch pha” giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, việc điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô cũng làm cho giá cơ sở không phản ánh đúng thực tế. Do giá cơ sở không phản ánh đúng với sự biến động của giá xăng dầu thế giới nên khi thị trường xăng dầu thế giới tăng giá mà giá xăng dầu trong nước chưa kịp điều chỉnh tăng theo sẽ dẫn tới doanh nghiệp nhập khẩu thua lỗ, làm nảy sinh tình trạng“găm hàng” chờ điều chỉnh giá. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu hụt cục bộ xăng dầu tại từng thời điểm trên thị trường cuối năm 2022, mặc dù Bộ Công Thương có quy định bắt buộc các cửa hàng bán lẻ phải mở cửa và xử phạt đối với các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tuy nhiên không giải quyết được tận gốc của vấn đề thiếu hụt xăng dầu trên thị trường.

Hai là, việc đặt ra quy định một đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng bán lẻ cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu là không phù hợp với quan hệ hàng hoá - tiền tệ của nền kinh tế thị trường. Trong thực tế, để thị trường lưu thông thông suốt thì các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được quyền lựa chọn nguồn cung cấp xăng dầu có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh để đảm bảo lợi nhuận. Việc quy định như trên sẽ dẫn tới doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu chèn ép đối với các đại lý bán lẻ không nằm trong hệ thống của mình, từ đó triệt tiêu động lực cạnh tranh trong kinh doanh.

Ba là, việc quy định mức chiết khấu xăng dầu giữa doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu với thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ không phù hợp dẫn tới đại lý bán lẻ rơi vào tình trạng thua lỗ do mức chiết khấu trong giá xăng dầu không đủ bù đắp chi phí vận hành và thuê nhân công. Để điều hành thị trường xăng dầu, Chính phủ quy định giá trần đối với đại lý bán lẻ xăng dầu, tuy nhiên do không tính đúng, tính đủ các định mức về phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển và các chi phí khác vào giá cơ sở nên dẫn tới giá trần do nhà nước ban hành trong một số thời điểm thấp hơn so với giá thực tế. Bên cạnh đó, do không có quy định về định mức chiết khấu tối thiểu cho các đại lý bán lẻ nên doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối để đảm bảo có lãi hoặc hạn chế thua lỗ đã cắt giảm mức chiết khấu bằng không hoặc âm, đẩy phần thiệt hại về cho các đại lý bán lẻ xăng dầu.

Bốn là, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa đem lại hiệu quả như mong đợi từ chính sách khi xảy ra những cú sốc về giá xăng dầu của thị trường thế giới. Mục đích của Chính phủ thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu thông qua cơ chế hoạt động là khi giá xăng dầu giảm sâu liên tiếp sẽ trích nộp quỹ thông qua việcgiảm giá xăng dầu từng bước nhỏ và khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập khẩu nhằm tránh tạo ra cú sốc tăng giá xăng dầu trong nước, gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân, đây là mục tiêu nhân văn và rất có ý nghĩa. Tuy nhiên trong thực tế việc dự báo xu hướng tăng, giảm giá xăng dầu trên thị trường thế giới của Liên Bộ Công Thương - Tài chính đôi lúc không chính xác (do cách tính giá thế giới như đã nêu phần trên).

 
Như vậy, thực tiễn sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2022, đã cho thấy nhiều bất cập trong các quy định về quản lý, điều hành thị trường xăng dầu trong nước. Để giải quyết vấn đề này, ngay từ đầu năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Công văn số 488/VPCP-KTTH ngày 30/01/2023 về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
 
Để quản lý xăng dầu thực sự hiệu quả

Từ thực trạng trên, để việc quản lý kinh doanh xăng dầu thực sự hiệu quả, một số khuyến nghị được đưa ra:

Thứ nhất, Chính phủ nên xem xét việc đưa giá xăng dầu trở về với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường dựa trên quan hệ Cung - Cầu để quyết định mức giá. Chính phủ chỉ can thiệp bằng biện pháp đưa ra mức giá trần trong trường hợp thị trường xăng dầu thế giới có những cú sốc về giá và kéo dài với biên độ lớn dẫn tới giá xăng dầu ở thị trường trong nước tăng cao dẫn tới lạm phát và nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Trong thực tế việc kiểm soát về giá trần năng lượng đã được các nước trong Liên minh Châu Âu vận dụng trong thời gian vừa qua để đảm bảo thị trường khí đốt và thị trường điện không đổ vỡ dẫn tới khủng hoảng kinh tế và đã thu được những thành công nhất định trong việc kiểm soát giá. Đối với vấn đề này, Chính phủ chỉ nên đưa ra quy định về các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, toàn bộ các chi phí khác do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự xác định và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, cần mở rộng quy định cho đại lý bán lẻ xăng dầu có thể nhập từ ít nhất 03 đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, đồng thời xem xét loại bỏ khâu trung gian trong chuỗi phân phối xăng dầu. Chuyển hoạt động của thương nhân phân phối sang hoạt động thuần túy là dịch vụ vận chuyển để giảm các tầng nấc có thể can thiệp vào thị trường xăng dầu. Việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lựa chọn nhập hàng từ nhiều nguồn sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu xăng dầu; đồng thời tạo ra sự linh hoạt trong điều tiết nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, việc cho phép các đại lý bán lẻ lấy hàng từ nhiều đầu mối sẽ góp phần hạn chế việc chèn ép mức chiết khấu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu xăng dầu với đại lý bán lẻ. Đối với vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm xăng dầu, các đại lý bán lẻ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (thực tế quy trình nhập, xuất xăng dầu đều được lấy mẫu phục vụ kiểm định nên việc kiểm soát chất lượng nguồn hàng nhập về kho đại lý bán lẻ hoàn toàn có thể kiểm soát được).

Thứ ba, trong điều kiện chưa thực hiện được việc đưa giá xăng dầu trở về với quy luật của nền kinh tế thị trường, Chính phủ cần xem xét quy định tỷ lệ chiết khấu tối thiểu để đảm bảo lợi nhuận của các đại lý bán lẻ, từ đó trong trường hợp đảm bảo lợi nhuận dựa trên mức giá chiết khấu tối thiểu mà doanh nghiệp vẫn thực hiện hành vi găm hàng, đóng cửa không bán thì cơ quan quản lý xử lý vi phạm theo quy định sẽ đảm bảo tính khách quan và đại lý bán lẻ sẽ không thấy bị đối xử bất bình đẳng trong kinh doanh.

Thứ tư, xem xét và đánh giá khách quan về tính hữu ích của quỹ bình ổn xăng dầu. Về bản chất thì người tiêu dùng tự chi trả cho khoản chênh lệch do tăng giá hay giảm giá xăng dầu thông qua hoạt động trích lập và xả quỹ của cơ quan chức năng. Không những vậy, việc sử dụng quỹ còn dẫn tới nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm và khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát quá trình sử dụng quỹ.

Hoàn thiện chính sách đề quản lý hiệu quả thị trường xăng dầu là yêu cầu cấp thiết đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng nhằm tạo lập một môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả để duy trì sự ổn định của thị trường xăng dầu, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, góp phần giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Có nhiều cách khác nhau để thực hiện việc điều tiết thị trường xăng dầu và mỗi quốc gia tuỳ thuộc vào mục tiêu của mình có thể lựa chọn những cách thức phù hợp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã định. Trong nội dung bài viết này, tác giả đã đưa ra một số gợi ý mang tính giải pháp với kỳ vọng việc chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ sẽ giải quyết triệt để những nút thắt của thị trường xăng dầu trong nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bộ Công Thương, 2023. Liên Bộ Công thương - Tài chính giải trình vấn đề xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/bo-truong- nguyen-hong-dien-tham-du-phien-giai-trinh-ve-tinh-hinh-thi-truong-xang-dau-va-ket-qua-thuc-hien- quan-ly-nha-nu.html. [Truy cập ngày 28/5/2023].
  2. Chính phủ, 2014, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
  3. Chính phủ, 2021, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, ngày 01 tháng 11 năm 2021. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.
  4. Chí Công, 2023, Công bằng quyền lợi trong kinh doanh xăng dầu. Báo điện tử Nhân Dân, https://nhandan. vn/cong-bang-quyen-loi-trong-kinh-doanh-xang-dau-post743292.html.
  5. Kỳ Thư, 2023, Quỹ bình ổn giá ổn giá xăng dầu là sáng tạo của Việt Nam, nhưng không đảm bảo sự bình ổn. Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính https://vietnamfinance.vn/quy-binh-on-gia-xang-dau-la-sang-tao-cua-viet- nam-nhung-khong-dam-bao-su-binh-on- 20180504224280775.htm.
 TS. Tường Mạnh Dũng - ThS. Bùi Văn Hà
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên