Phân tích đánh giá chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015-2022

|

Phân tích đánh giá chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015-2022

Đặt vấn đề

Tỷ suất lợi nhuận (TSLN) là chỉ tiêu hiệu quả kinh tế tổng hợp, phản ánh kết quả cuối cùng của quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), được xác định bằng cách so sánh chỉ tiêu lợi nhuận với chỉ tiêu vốn sản xuất kinh doanh (gọi là TSLN theo vốn sản xuất), chỉ tiêu lợi nhuận với chi phí sản xuất hoặc giá thành sản phẩm tiêu thụ (gọi là TSLN theo chi phí sản xuất) và chỉ tiêu lợi nhuận với doanh thu tiêu thụ sản phẩm (gọi là TSLN theo doanh thu).

Tăng tỷ suất lợi nhuận luôn gắn liền với giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận nên đó là cơ sở quan trọng nhất cho tăng tích lũy để mở rộng và đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập góp phần nâng cao đời sống của người lao động nói riêng và của nhân dân nói chung.

Yêu cầu của công tác quản lý và phát triển sản xuất là cần phải thường xuyên tính toán, đánh giá phân tích chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận (TSLN) của các DN để biết chỉ tiêu này đạt được ở mức nào, có xu thế tăng lên hay giảm đi, làm rõ những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tăng giảm để có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp góp phần tiếp tục nâng cao TSLN của DN.

Bài viết sẽ đi sâu phân tích đánh giá biến động của chỉ tiêu TSLN tính theo doanh thu của các DN Việt Nam giai đoạn 2015 - 2022.

Nội dung, phương pháp và kết quả tính toán chỉ tiêu TSLN theo doanh thu của DN     

Tỷ suất lợi nhuận theo doanh thu (từ đây viết gọi là tỷ suất lợi nhuận) được xác định bằng cách so sánh giữa lợi nhuận trước thuế và doanh thu thuần theo công thức:
 
 

Theo phạm vi tính toán, chỉ tiêu TSLN được tính cho mỗi DN hoặc từng bộ phận các DN như các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế cũng như các loại hình doanh nghiệp (gọi chung là TSLN của từng bộ phận) và TSLN được tính tổng hợp chung cho tất cả các ngành, các khu vực kinh tế hay chung cho các loại hình kinh tế (gọi là TSLN bình quân chung tất cả các DN của nền kinh tế).

Khi ký hiệu:
- s và  là TSLN của từng bộ phận DN và TSLN bình quân chung của các DN;

- L và ∑L là lợi nhuận trước thuế của từng bộ phận các DN và chung toàn bộ các DN;

- D và ∑D là doanh thu thuần của từng bộ phận các DN và chung toàn bộ các DN

Ta có các công thức tính:

 

Lưu ý là: Chỉ tiêu doanh thu thuần luôn đạt giá trị dương, còn lợi nhuận trước thuế thường đạt giá trị dương, nhưng cá biệt cũng có thể đạt giá trị bằng không hoặc âm. Khi lợi nhuận trước thuế đạt giá trị bằng không hoặc âm thì TSLN cũng đạt giá trị bằng không hoặc là âm.

Từ số liệu về lợi nhuận trước thuế và doanh thu thuần, áp dụng các công thức (1b) và (1a), TCTK đã tính toán và công bố TSLN bình quân chung của tất cả DN và của riêng các loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Số liệu được hệ thống ở bảng 01.

 
Bảng 01. TSLN của các DN Việt Nam qua các năm phân theo loại hình DN (%)
 Nguồn: Số liệu từ năm 2015 - 2021 lấy từ NGTK năm 2020 và 2022 của TCTK; và Số liệu năm 2022
do Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK cung cấp

2. Phân tích biến động TSLN bình quân chung các DN Việt Nam qua các năm

Để phân tích biến động chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận bình quân chung của các doanh nghiệp theo thời gian thường áp dụng các đại lượng sau đây:

 

Trong đó:

tỷ suất lợi nhuận bình quân chung kỳ gốc và kỳ báo cáo;

Trong trường hợp chỉ tiêu TSLN đạt giá trị bằng không hoặc giá trị âm thì không được phép áp dụng nguyên nội dung của công thức phân tích nêu trên mà phải tính toán linh hoạt để có kết quả đánh giá biến động TSLN cho phù hợp.

Từ số liệu về TSLN chung các DN có Bảng 01, áp dụng các công thức 2a, 2b và 2c ta tính được chỉ số phát triển (PT), mức tăng lên và tốc độ tăng của TSLN chung các DN qua các năm như Bảng 02.

 
Bảng 02. Chỉ số phát triển, mức tăng và tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận
qua các năm
 
Ghi chú:

- Cột 1 và 2 (Tỷ suất lợi nhuận BQ chung) lấy từ dòng chung các DN Bảng 02


- Cột 3 (chỉ số PT) = cột 2 : cột 1; BQ 2016-2022 là BQ tích của các năm

- Cột 4 (mức tăng) = cột 2 - cột 1 và  Cột 5 (tốc độ tăng) = cột 3 ×100 -100

Số liệu Bảng 02 cho thấy:

Tỷ suất lợi nhuận bình quân chung của các DN đang hoạt động ở Việt Nam năm 2016 đạt 3,99%, so với năm 2015 bằng 1,0992% và có mức tăng cao hơn là 0,36% (3,99% - 3,36%), tương ứng với tốc độ tăng là 9,92%.

Năm 2017, TSLN chung của các DN đạt 4,25%, so với năm 2016 bằng 106,52% và có mức tăng cao hơn là 0,26% (4,25%-3,99%), tương ứng với tốc độ tăng 6,52%.

Khác với các năm 2016 và 2017, năm 2018 TSLN chung của các DN giảm đi và đạt là 3,79%, với mức giảm so với năm 2017 là - 0,46% (3,79% - 4,25%), tương ứng với tốc độ tăng TSLN ở mức giảm là -10,82%.

Năm 2019, TSLN chung của các DN tiếp tục giảm và còn đạt là 3,38%, giảm so với năm 2018 là - 0,41% (3,38% - 3,79%), tương ứng với tốc độ giảm TSLN ở mức giảm là - 10,82%.

Năm 2020, tỷ suất lợi nhuận chung của các DN đạt 3,49%, so với năm 2019 bằng 103,25% và có mức tăng cao hơn là 0,11% (3,49% – 3,38%) tương ứng với tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận là 3,25%.

Năm 2021, TSLN chung của các DN đạt 4,2%, so với năm 2020 bằng 120,34% và có mức tăng cao hơn là 0,71% (4,20% - 3,49%), tương ứng với tốc độ tăng là 20,34%. Như vậy, năm 2021, TSLN của các DN đã đạt mức tương đối khá so với các năm trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn thấp hơn mức đạt được của năm 2017 (4,20% so với 4,25%).

Năm 2022, TSLN của các DN đạt 4,12%, có mức giảm so với năm 2021 là - 0,08% (4,125-4,20%), tương ứng với tốc độ giảm TSLN có mức giảm là -1,90%.

Bình quân năm giai đoạn 2016-2022, chỉ số phát triển TSLN chung của các DN Việt Nam là 101,83%, có mức tăng là 0,07%, tương ứng với tốc độ tăng là 1,83%%.

So sánh tỷ suất lợi nhuận giữa các loại hình doanh nghiệp

Từ số liệu về TSLN của các DN thuộc 3 loại hình ở Bảng 01, nhận thấy: TSLN của loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn có mức đạt thấp nhất, chỉ từ 1,84% đến 2,80%; còn TSLN của các loại hình doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao hơn hẳn; trong đó loại hình doanh nghiệp nhà nước có TSLN đạt từ 5,57% đến 8,19% và có 3 năm 2019, 2021 và 2022 đạt cao nhất; và loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có TSLN đạt từ 5,22% đến 6,68% và ở các năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2020 đạt cao nhất.        

Lấy TSLN của các loại hình doanh nghiệp đạt cao hơn chia cho TSLN của loại hình doanh nghiệp đạt thấp nhất (loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước) có kết quả như sau:

Năm 2015, TSLN của doanh nghiệp nhà nước bằng 3,03 lần và TSLN của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng 3,15 lần. Nói cách khác, nếu lấy TSLN của loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1 đơn vị thì TSLN của loại hình doanh nghiệp nhà nước là 3,03 đơn vị và loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3,15 đơn vị.

Tương tự như vậy, ta xác định được quan hệ so sánh TSLN giữa 3 loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của năm còn lại lần lượt như sau: Năm 2016 có quan hệ so sánh là 1;3,52 và 3,55; năm 2017 có quan hệ so sánh là 1; 2,59 và 2,68; năm 2018 có quan hệ so sánh là 1; 2,31 và 2,32; năm 2019 có quan hệ so sánh là 1; 3,13 và 2,90; năm 2020 có quan hệ so sánh là 1; 3,01 và 3,02; năm 2021 có quan hệ so sánh là 1; 2,75; 1,98; năm 2022 có quan hệ so sánh là 1; 3,03 và 1,93.

Có thể mô tả quan hệ so sánh về tỷ suất lợi nhuận giữa loại hình doanh nghiệp nhà nước và loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước từ năm 2015 đến năm 2022 qua Biểu đồ 01.

 
Biểu đồ 01. So sánh tỷ suất lợi nhuận giữa 3 loại hình doanh nghiệp qua các năm
 
Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn có TSLN cao hơn hẳn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Mức độ chênh lệch này thu hẹp ở năm 2021, do TSLN của doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng lên và đạt 2,80% (so với mức từ 1,84% đến 2,70% ở các năm khác). Chênh lệch TSLN giữa doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hẹp thấy rõ trong giai đoạn 2020-2022 do TSLN của doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng, còn TSLN của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm. Năm 2022, do TSLN của doanh nghiệp nhà nước đạt 8,19% (mức đạt cao nhất so với các năm trước đây) và bằng 3,03 lần TSLN của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ngược lại ở năm này, TSLN của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 5,22% (mức thấp nhất so với tất cả các năm trước đây) nên chỉ còn bằng 1,93 lần so với TSLN của doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tỷ suất lợi nhuận của loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước (loại hình có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất, nhưng có quy mô doanh thu thuần lớn nhất) tăng trong giai đoạn 2020-2022 so với các giai đoạn trước, đó là dấu hiệu thuận lợi cho phát triển sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Để không ngừng nâng cao TSLN, các DN vừa phải phấn đấu tăng nhanh về khối lượng và chất lượng sản phẩm, mở rộng mặt hàng sản xuất để tăng doanh thu của doanh nghiệp, vừa thực hiện giảm chi phí sản xuất bằng cách:

1. Tăng cường đầu tư cho đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý sản xuất, đổi mới sản phẩm, đổi mới tiếp thị; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp... góp phần tăng khối lượng sản phẩm và chất lượng sản phẩm, bảo đảm cho yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

2. Xét theo các loại hình doanh nghiệp, phấn đấu nâng cao TSLN ở tất cả các loại hình doanh nghiệp; trong đó đặc biệt chú ý đến nâng cao TSLN của loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuy TSLN của loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước những năm qua đã có xu thế tăng lên đáng phấn khởi, song vẫn còn thấp so với hai loại hình doanh nghiệp còn lại (theo số liệu năm 2022, TSLN của các doanh nghiệp ngoài nhà nước mới chỉ bằng 32,97% TSLN của loại hình doanh nghiệp nhà nước và bằng 51,72% TSLN của loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tỷ lệ doanh thu thuần của loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2015 chiếm 54,02% và tăng lên 57,81% năm 2021 so với tổng doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp. Với cơ cấu lớn như vậy nên tăng TSLN của loại hình doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăngTSLN chung của các doanh nghiệp.

3. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích mạnh hơn đối với các DN trong việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, sử dụng tốt nguồn nguyên liệu đã có, tận dụng triệt để các loại phế liệu phế phẩm, sử dụng lại các loại bao bì đóng gói khi điều kiện cho phép...  luôn xem tiết kiệm là yêu cầu thường xuyên và lâu dài của quá trình sản xuất. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận và TSLN cho DN, đồng thời còn góp phần quan trọng giảm bớt ô nhiễm môi trường cho xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2016 ), Từ điển Thống kê, NXB Thống kê;  
2. Tổng cục thống kê (2021), Niên giám Thống kê năm 2020, NXB Thống kê;
3. Tổng cục thống kê (2023), Niên giám Thống kê năm 2022, NXB Thống kê;
4. Trần Thị Kim Thu (2012), Lý thuyết Thống kê, NXB Đại học KTQD;
5. Tăng Văn Khiên (2015), Phân tích thống kê- lý thuyết và ứng dụng;