Nâng cao năng suất lao động con đường ngắn nhất để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

|

Nâng cao năng suất lao động con đường ngắn nhất để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Tóm tắt:
 
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện những giải pháp tăng năng suất lao động. Điều này được thể hiện rõ khi tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong các Nghị quyết Đại hội Đảng. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
 
Từ khóa: Năng suất lao động, tăng trưởng, phát triển, lao động
 
Năng suất lao động Việt Nam thu hẹp khoảng cách so các nước
 
Năng suất lao động (NSLĐ) là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là một trong những thước đo chính để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
 
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện những giải pháp tăng NSLĐ. Điều này được thể hiện rõ khi tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong các Nghị quyết Đại hội Đảng. Tại Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra chỉ tiêu tăng NSLĐ xã hội bình quân khoảng 5%/năm cho giai đoạn 2016-2020. Đến Đại hội XIII đặt mục tiêu tăng NSLĐ xã hội bình quân giai đoạn 2021-2025 là trên 6,5%/năm.
 
Để tăng NSLĐ, từ Đại hội lần thứ XI đến nay, Đảng xác định rõ phát triển nguồn nhân lực cùng với thể chế và hệ thống kết cấu hạ tầng là 3 đột phá chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố căn bản, cốt lõi để tăng NSLĐ, tạo nền tảng phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm phát triển đất nước nhanh, hiệu quả và bền vững.
 
Cụ thể hoá những chủ trương theo tinh thần các Nghị quyết Đại hội Đảng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến nâng cao NSLĐ.
 
Nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị cùng sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực của từng người lao động, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, NSLĐ của nước ta tăng trưởng tích cực, liên tục, dần thu hẹp khoảng cách với các nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, NSLĐ của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, NSLĐ tăng 3,65%.
 
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính theo sức mua tương đương (PPP), NSLĐ Việt Nam tăng bình quân 4%/ năm trong giai đoạn 2021-2022, mức tăng này cao hơn nhiều so bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á. Trong cùng giai đoạn, NSLĐ bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Philippines tăng lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%; trong khi các nước phát triển trong khu vực là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng lần lượt 3,5%, 1,7% và 1,5%.
 
Kết quả tăng NSLĐ trong chặng đường qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Theo báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động nước ta liên tục tăng, năm 2023 ước đạt 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022; quý I/2024 ước đạt 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
 
Mặc dù việc thực hiện mục tiêu tăng NSLĐ ở nước ta đã đạt những kết quả tích cực song cũng các số liệu cũng cho thấy vẫn còn những hạn chế. Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng NSLĐ thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, theo số liệu của WB, NSLĐ của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua tương đương (PPP) là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng cách đáng kể về NSLĐ và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực trong nước.
 
Mục tiêu tăng năng suất lao động chưa thực sự có bước đột phá do vẫn còn gặp nhiều thách thức

Mục tiêu tăng năng suất lao động chưa thực sự có bước đột phá do vẫn còn gặp nhiều thách thức. Theo báo cáo tình hình thị trường lao động Việt Nam của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 52,4 triệu người, nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 chỉ là 68,9%; quý I/2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm, còn 68,5%.
 
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn cung lao động còn nhiều hạn chế. Năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm tỷ lệ khiêm tốn là 27,0%. Vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Quý I/2024, các con số này thay đổi không đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2024 là 27,8%, hiện cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Điều này cho thấy việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động là thách thức không nhỏ để đáp ứng nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
 
Các con số công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy chất lượng lao động của thị trường lao động chưa có sự cải thiện, khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Năm 2023 dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng tăng sau những tác động của dịch Covid-19 nhưng số lao động phi chính thức vẫn là 33,3 triệu người, chiếm tỷ trọng lớn 64,9% trong tổng số lao động có việc làm. Quý I/2024, các con số gần như không có sự thay đổi so năm 2023.
 
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Năm 2023, số thanh niên (người từ 15-24 tuổi) thất nghiệp là khoảng 437,3 nghìn người, chiếm 41,3% tổng số người thất nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 là 7,63%. Quý I/2024 tỷ lệ này là 7,99%, tăng 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Thị trường lao động còn có độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động, phản ánh qua tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng. Tính chung cả năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I/2024 là 4,4%, tương ứng hơn 2,3 triệu người. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,0%), cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (31,3%). Qua đó cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
 
Thêm vào đó, theo phân tích của chuyên gia kinh tế, hiện NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở nước ta còn quá thấp. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng khá khiêm tốn, chỉ bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 3,6% khu vực DNNN và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI (tính toán dựa trên số liệu GDP năm 2021 và tỉ lệ đóng góp vào GDP của các khu vực kinh tế năm 2021 không thay đổi đáng kể so với năm 2020). Cũng theo chuyên gia này, giai đoạn 2018-2022, NSLĐ của Việt Nam tăng tích cực bình quân 7,06%/năm dù nền kinh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song điều cần chú ý là những ngành có NSLĐ cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp, chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm. Đơn cử như ngành nông, lâm, thủy sản có NSLĐ chỉ bằng 39,73% NSLĐ bình quân cả nước, nhưng có số lao động chiếm 27,54% tổng lao động có việc làm. Điều này cho thấy Việt Nam có một dư địa rất lớn để tăng NSLĐ bằng việc dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, NSLĐ thấp sang những ngành có NSLĐ cao hơn và đang thiếu lao động…

“Xuyên suốt là con người, là trung tâm, là chủ thể của tăng năng suất lao động. Con người vừa là nguồn lực, là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động. Chúng ta không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo cái tăng trưởng đơn thuần”.
 
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH

 
Giải pháp nào để tăng năng suất lao động
 
Hiện tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, năng lực nội tại còn hạn chế, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao, độ mở của nền kinh tế lớn, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ thì nâng cao NSLĐ trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Hơn nữa, tăng NSLĐ trong chặng đường sắp tới là một thách thức lớn, bởi chuyển từ một nước thu nhập thấp lên một nước thu nhập trung bình dễ hơn rất nhiều so với từ một nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao.
 
Ngày 08/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1305/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, NSLĐ trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ.
 
Để đạt mục tiêu này, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động; Hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động; Thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động; Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành.
 
Tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” được tổ chức vào tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nâng cao NSLĐ là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
 
Để thúc đẩy tăng NSLĐ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng tăng NSLĐ.
 
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng NSLĐ, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.
 
Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần có sự bứt phá về: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, hydrogen…; Môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
 
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức công đoàn các cấp thời gian tới chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng NSLĐ. Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
 
Hai là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.
 
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn.
 
Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp.
 
Sáu là, chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
 
Chất lượng nguồn nhân lực ở cả 3 khía cạnh kiến thức, kỹ năng và kỷ luật làm việc mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao NSLĐ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời đại mới đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn hóa và tuân thủ quy trình đối với người lao động trong quá trình sản xuất. Do đó, bên cạnh những chính sách vĩ mô trên thì việc xây dựng môi trường, văn hóa làm việc tại cộng đồng doanh nghiệp là nội dung quan trọng. Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa vai trò trong nền kinh tế, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ xanh. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, xanh, sạch đẹp; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt.

Tin tưởng rằng, chúng ta sẽ huy động được sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân để thực hiện được mục tiêu tăng NSLĐ, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao năm 2030, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao./.

 
ThS. Bùi Thị Kim Cúc
Trường Kinh tế - Đại học Công nghiệp Hà Nội

 
Tài liệu tham khảo:
 
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;
 
Quyết định số 1035/QĐ-TCTK ngày 08/11/2023 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030;
 
Báo cáo tình hinh kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, Tổng cục Thống kê
 
Báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm năm 2023, Tổng cục Thống kê.