Xu hướng phát triển hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình giai đoạn 2020-2022 tương đối ổn định

|

Xu hướng phát triển hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình giai đoạn 2020-2022 tương đối ổn định

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã thực hiện tính toán giá trị tăng thêm hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình áp dụng theo chuẩn mực quốc tế, kết quả cho thấy xu hướng phát triển hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình giai đoạn 2020-2022 tương đối ổn định.

Phương pháp luận tính toán giá trị tăng thêm hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình áp dụng theo chuẩn mực quốc tế

Để biên soạn hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã thực hiện 3 bước sau:

Bước 1: Tính sản lượng hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình.

Số liệu sản lượng nông, lâm nghiệp và thủy sản chi tiết đến từng sản phẩm theo phân ngành sản phẩm cấp 8,9; tỷ lệ sản lượng của hộ sản xuất kinh doanh cá thể nông, lâm nghiệp và thủy sản trên tổng sản lượng của toàn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tỷ lệ hoạt động tự sản tự tiêu của các hộ trồng trọt theo kết quả điều tra năng suất, sản lượng cây hằng năm và lâu năm.

Tỷ lệ hoạt động tự sản tự tiêu của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm được ước tính từ: Tổng số hộ có chăn nuôi phân theo quy mô hộ (báo cáo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2016); tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm gia súc, gia cầm 1 người/năm ở khu vực nông thôn; hệ số quy đổi từ gia súc, gia cầm sống sang gia súc, gia cầm (theo quy định của FAO); số người bình quân một hộ; ước tính tự sản tự tiêu trên mức tiêu dùng của các hộ có nuôi có hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô hộ.

Tỷ lệ hoạt động tự sản tự tiêu của hộ thủy sản được ước tính từ: Tổng số hộ sản xuất thủy sản cá, tôm, thủy sản khác (trong TĐT NTNN 2016); số hộ có tàu thuyền khai thác biển; số nhân khẩu bình quân/hộ; mức tiêu dùng cá, tôm bình quân đầu người/tháng; ước tính mức tiêu dùng thủy sản khác ngoài cá, tôm bình quân đầu người/tháng; ước tính tính tỷ lệ sản lượng hoạt động tự sản tự tiêu trên tổng mức tiêu dùng của hộ có hoạt động nuôi trồng và khai thác cá, tôm, thủy sản khác.

So sánh với mức tiêu dùng các sản phẩm bình quân đầu người/tháng trong năm với dân số khu vực nông thôn.

Bước 2. Tính giá trị sản xuất hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình.

Sử dụng Bảng giá cố định và chỉ số giá của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản để tính giá trị sản xuất hoạt động tự sản tự tiêu của các hộ gia đình nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Bước 3. Tính giá trị tăng thêm hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình.

Sử dụng hệ số chi phí trung gian của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản để tính giá trị tăng thêm hoạt động tự sản tự tiêu của các hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản đến phân ngành kinh tế cấp 2.

Phương pháp luận tính toán giá trị tăng thêm hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) áp dụng theo chuẩn mực quốc tế do Chuyên gia IMF khuyến nghị. Theo đó, giá trị tăng thêm hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình được tiếp cận theo phương pháp sản xuất, là kết quả của hoạt động tạo ra giá trị sản xuất sau khi trừ đi chi phí trung gian để thực hiện hoạt động tự sản tự tiêu của hộ. Do vậy, kết quả tính toán giá trị tăng thêm hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình đã được điều chỉnh theo khuyến nghị của Chuyên gia IMF.

Xu hướng phát triển hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình giai đoạn 2020-2022 tương đối ổn định

Kết quả đo lường, tính toán hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho thấy, giá trị sản xuất của hoạt động tự sản tự tiêu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 theo giá hiện hành chiếm 5,41% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, thấp hơn 0,19 điểm phần trăm so với mức 5,6% của năm 2021, trong đó nông nghiệp chiếm 7,24%, thấp hơn 0,08 điểm phần trăm so với năm 2021; lâm nghiệp chiếm 6,13%, thấp hơn 1,41 điểm phần trăm so với năm 2021.

Xem xét theo Vùng kinh tế, vùng Trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục là Vùng có tỷ trọng giá trị hoạt động tự sản tự tiêu trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành cao nhất, chiếm 13,36%, thấp hơn 0,23 điểm phần trăm của cơ cấu 13,59% năm 2021; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 13,11%, cao hơn 0,13 điểm phần trăm của cơ cấu 12,97% năm 2021; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 7,39%, thấp hơn 0,41 điểm phần trăm so với mức 7,80% của năm trước; vùng Tây Nguyên chiếm 1,05%, không thay đổi so với cơ cấu năm 2021; vùng Đông Nam Bộ chiếm 2,53%, thấp hơn 0,14 điểm phần trăm so với cơ cấu 2,66% của cùng kỳ năm trước; vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 1,03%, không thay đổi cơ cấu so với năm 2021.

Một số tỉnh, thành phố có cơ cấu hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình cao nhất năm 2022 là: Nam Định chiếm 8,10%; Nghệ An chiếm 6,83%; Thanh Hóa chiếm 5,04%; Hà Giang và Hà Nội cùng chiếm 3,96%.

Một số tỉnh, thành phố có cơ cấu hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình thấp nhất năm 2022 là: Hậu Giang chiếm 0,18%; Đà Nẵng chiếm 0,17%; Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 0,14%; Cần Thơ chiếm 0,11%; Bình Dương chiếm 0,06%.

 Xem xét theo cơ cấu trong GDP, hoạt động tự sản tự tiêu của hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành năm 2022 bằng 0,68% quy mô GDP cả nước, thấp hơn 0,06 điểm phần trăm so với cơ cấu 0,74% của năm 2021. Năm 2019 và 2020, cơ cấu hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình lần lượt là: 0,73% và 0,75%. Tương tự khu vực phi chính thức, kết quả của hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình cũng đã được thu thập, tính toán bao gồm trong quy mô GDP cả nước năm 2022 và được tính toán, bóc tách riêng cơ cấu của hoạt động này trong quy mô GDP năm 2022 phục vụ thực hiện Đề án khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE).

Hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình hiện nay bao gồm phạm vi các hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Về cơ cấu, ngành nông nghiệp là ngành chiếm cơ cấu lớn nhất trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2022, hoạt động tự sản tự tiêu trong nông nghiệp chiếm 95% toàn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với cơ cấu 94,69% của năm 2021; hoạt động tự sản tự tiêu trong lâm nghiệp chiếm 5%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với cơ cấu năm 2021; hoạt động tự sản tự tiêu trong thủy sản chiếm cơ cấu không đáng kể, khoảng 0,01%.
 
Biểu đồ 1: Cơ cấu hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình phân theo ngành kinh tế
giai đoạn 2021-2022
      Nguồn: Tính toán từ kết quả Điều tra kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 
giai đoạn 2020-2022

Biểu đồ 5 thể hiện tốc độ phát triển hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình giai đoạn 2020-2022 của nước ta. Theo đó, xu hướng phát triển hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình giai đoạn 2020-2022 tương đối ổn định, mặc dù, năm 2021 giảm nhẹ nhưng tốc độ giảm không nhiều. Xem xét theo Vùng kinh tế cho thấy, các Vùng kinh tế có xu hướng phát triển rất khác nhau, trong đó 5 trong 6 Vùng kinh tế (bao gồm các Vùng: đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long) có xu hướng sụt giảm tốc độ phát triển trong năm 2021 và gia tăng mạnh mẽ trong năm 2022; riêng Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có xu hướng ngược lại: gia tăng mạnh trong năm 2021 và sụt giảm giảm mạnh trong năm 2022.
 
 Biểu đồ 2: Tốc độ phát triển quy mô hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình
giai đoạn 2020-2022

                                                                                                                                                           Đơn vị tính: %
Nguồn: Tính toán từ kết quả Điều tra kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 
giai đoạn 2020-2022

Tính toán hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình cũng đang còn khó khăn. Kết quả tính toán cho thấy, trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ có ngành trồng trọt có thể tính được kết quả hoạt động tự sản tự tiêu từ hệ số tự sản tự tiêu tính trực tiếp qua các cuộc điều tra có liên quan. Trong khi kết quả hoạt động tự sản tự tiêu của các ngành nông nghiệp khác tính toán sẽ khó khăn hơn vì hệ số tự sản tự tiêu của nhóm này không thể tính trực tiếp từ điều tra mà phải tính gián tiếp từ các nguồn thông tin bổ sung khác.

Ngoài ra, do hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình mới được tính theo dãy 4 năm 2019-2022 (khi triển khai Đề án NOE) nên chưa xây dựng được chuỗi số liệu với nhiều năm quan sát để kiểm tra chéo, kiểm chứng. Vì vậy, để đảm bảo có đủ chuỗi số liệu đáng tin cậy, cần tiếp tục duy trì lồng ghép thu thập thông tin đo lường các chỉ tiêu hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình trong các cuộc Điều tra thường xuyên của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và Điều tra mức sống dân cư hằng năm./.
 
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK