Các nước thu nhập trung bình cần trải qua 2 quá trình chuyển đổi liên tiếp để gia nhập nhóm thu nhập cao

|

Các nước thu nhập trung bình cần trải qua 2 quá trình chuyển đổi liên tiếp để gia nhập nhóm thu nhập cao

Theo phân loại thu nhập năm 2023 của World Bank, thế giới hiện có 108 quốc gia có thu nhập trung bình, chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. Vấn đề tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế thu nhập trung bình đang là mối quan tâm của các nhà xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia do sự tăng trưởng của các nước này có dấu hiệu chậm lại trong những thập kỷ gần đây. Câu hỏi đặt ra là làm sao để các quốc gia này có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và gia nhập nhóm thu nhập cao, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bất ổn như hiện nay.

Cần trải qua 2 quá trình chuyển đổi liên tiếp để gia nhập nhóm thu nhập cao
 
Theo Báo cáo Phát triển thế giới năm 2024 của Ngân hàng Thế giới - World Bank, tăng trưởng kinh tế ở các nước có thu nhập trung bình khác với các nước có mức thu nhập thấp hoặc cao hơn. Khi lợi nhuận vốn giảm dần, để đạt được tăng trưởng bền vững, các quốc gia cần tập trung vào tiến bộ công nghệ và cải thiện hiệu quả trong việc chuyển đổi vốn và lao động thành hàng hóa và dịch vụ.
 
Các nhà phân tích cho rằng, các nước có thu nhập trung bình cần trải qua 2 quá trình chuyển đổi liên tiếp mới có thể đạt được vị thế thu nhập cao. Cụ thể, khi chuyển sang trạng thái thu nhập trung bình, các nước cần trải qua quá trình chuyển đổi đầu tiên là từ việc chủ yếu dựa vào đầu tư vốn cho cơ sở vật chất và con người (những yếu tố trụ cột mang lại tăng trưởng thành công ở mức phát triển thu nhập thấp) của chiến lược 1i sang chiến lược 2i là kết hợp đầu tư với chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất trong nước từ sự học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới (quá trình chuyển giao và ứng dụng công nghệ). Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp cần bổ sung chính sách chuyển đổi, áp dụng các công nghệ hiện đại và học hỏi kinh nghiệm thế giới về phương thức kinh doanh vào các chiến lược đầu tư cho nền kinh tế của mình.
 
Sau khi thành công trong quá trình chuyển đổi đầu tiên, các quốc gia cần tiếp tục quá trình chuyển đổi thứ hai là chuyển sang chiến lược 3i, đòi hỏi các nước phải tập trung, chú ý nhiều hơn đến đổi mới (hay còn gọi là quá trình đổi mới). Quá trình này phù hợp hơn với các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Như vậy, có thể nói, chính cấu trúc của nền kinh tế quyết định thời điểm chuyển dịch chứ không phải từ yếu tố tính toán được là tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người.
 
Hình 1. Một quốc gia có thu nhập trung bình cần phải thực hiện hai quá trình chuyển đổi liên tiếp để đạt được trạng thái thu nhập cao 

 
Sự tăng trưởng của các nước có thu nhập trung bình phụ thuộc vào cả tích lũy vốn và chuyển giao, thay đổi công nghệ khiến thách thức tăng trưởng trở nên phức tạp gấp đôi đối với các nước có thu nhập thấp khi họ chủ yếu chỉ phải tập trung vào tích lũy, hay đối với các nước có thu nhập cao chỉ phải dựa phần lớn vào thay đổi công nghệ, ngay cả khi phần lớn trong số nỗ lực đó là đầu tư mới.
 
Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, việc chuyển đổi, áp dụng công nghệ; khai thác tri thức toàn cầu và cấu trúc thể chế của một nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia có thu nhập trung bình, chứ không chỉ đơn thuần là tăng thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó. Chìa khóa để chuyển đổi, áp dụng công nghệ ở quy mô lớn là sự tăng cường hợp tác, trao đổi thông qua các con đường như: Thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trao đổi tri thức... Sự kết hợp giữa đầu tư và chuyển đổi, áp dụng công nghệ có thể tạo ra tăng trưởng cao thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thay đổi cấu trúc, giúp cải thiện việc phân bổ nguồn lực sản xuất và hội tụ công nghệ thông qua việc áp dụng và chuyển giao các công nghệ nước ngoài.
 
Tuy nhiên, để có thể thực hiện chuyển giao, áp dụng công nghệ ở quy mô lớn, các quốc gia cần có những cánh chim đầu đàn là các tập đoàn, công ty lớn có khả năng cạnh tranh toàn cầu và có nhân lực chất lượng cao về chuyên môn. Khi các công ty áp dụng các công nghệ mới hơn sẽ kéo theo sự tăng lên về nhu cầu nguồn nhân lực là đội ngũ các kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia có tay nghề cao.
 
Để một quốc gia có thu nhập trung bình thực hiện được việc chuyển giao, áp dụng công nghệ từ những nhà đổi mới toàn cầu vào nền kinh tế của mình và duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh, thì quốc gia đó cần hướng đến mục tiêu gia nhập cùng những nhà đổi mới và trở thành một nền kinh tế đổi mới. Song để đạt được mục tiêu này, chính phủ các nước cần làm mọi cách có thể trong giai đoạn chuyển giao, áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới, để không chỉ chuẩn bị cơ cấu kinh tế cho giai đoạn tiếp theo mà còn cải cách và củng cố các thể chế hỗ trợ cho sự phát triển. Đáng chú ý, khi các nhà hoạch định chuyển trọng tâm chính sách sang đổi mới thì nên kết hợp nhiều khoản đầu tư từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau.

Vượt qua tình trạng thu nhập trung bình là không dễ dàng
 
Việc vượt qua tình trạng thu nhập trung bình chưa bao giờ là dễ dàng đối với các nước thu nhập trung bình. Hai thập kỷ sau thế kỷ XXI, thế giới hiện đang đứng trước ngã ba đường lịch sử: Thương mại và đầu tư nước ngoài đang có nguy cơ bị hạn chế bởi căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ cùng nợ công các quốc gia gia tăng. Do đó, tăng trưởng kinh tế trong phần còn lại của thập kỷ này có thể sẽ yếu hơn so với hai thập kỷ trước. Điều đó cũng có nghĩa các nước có thu nhập trung bình phải phát triển trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa (có các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng là sự chuyển đổi, áp dụng công nghệ và đổi mới) bị hạn chế hơn.
 
Một trong những vấn đề khiến các quốc gia đang phải đau đầu là thương mại quốc tế đang ngày càng phân mảng. Sau các đợt tăng tốc tăng trưởng đi kèm với hội nhập thương mại, đến nay nhiều ngành công nghiệp sử dụng công nghệ và đổi mới mạnh mẽ đang và sẽ phải đối mặt với vấn đề về chi phí và rủi ro lớn nếu các liên kết toàn cầu bị thu hẹp. Hơn nữa, theo các chuyên gia, kể từ năm 2019, số lượng chính sách thương mại có hại trên toàn cầu đã vượt quá số lượng chính sách thương mại có lợi và tốc độ ban hành các chính sách có hại đang tiếp tục tăng lên. Theo thống kê, số lượng các biện pháp thương mại có hại mới được ban hành mỗi năm đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Hơn nữa, phần lớn các quốc gia sử dụng chính sách công nghiệp và các biện pháp liên quan đến thương mại để hạn chế dòng chảy thương mại là các quốc gia có thu nhập cao, thu nhập trung bình cao và xu hướng này đang ngày càng tăng lên.
 
Cùng với đó, các quốc gia còn đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc trả nợ và bổ sung nguồn lực tài chính cho các hành động ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Không những vậy, về sau, các nước có thu nhập trung bình còn cần phải dành nguồn lực đáng kể để xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc phát sinh từ biến đổi khí hậu cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của họ.
 
Nợ toàn cầu so với GDP ở mức cao là một vấn đề sau đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình đang mắc nợ nghiêm trọng hơn bao giờ hết, do bị thâm hụt tài chính để ứng phó với sự gia tăng đột biến của chi phí thực phẩm và năng lượng sau đại dịch vừa qua. Trong khi đó, chính sách thắt chặt tiền tệ ở các quốc gia có thu nhập cao đang có nguy cơ làm trầm trọng thêm gánh nặng của tỷ lệ nợ trên GDP đối với các quốc gia có thu nhập trung bình.
 
Năm 2022, thế giới có tới khoảng 3/4 các quốc gia thắt chặt cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Khi lãi suất tăng vọt, ngân sách chính phủ siết chặt càng làm tăng chênh lệch lãi suất và chi phí đi vay của nhiều thị trường mới nổi và cận biên. Điều này khiến một số quốc gia phải đối mặt với việc mất đi khả năng tiếp cận các con đường cứu trợ, từ đó có khả năng dẫn đến một làn sóng vỡ nợ ở các nước có thu nhập trung bình. Dẫn đến việc nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chi nhiều hơn cho các khoản thanh toán dịch vụ nợ và trì hoãn tăng nguồn lực tài chính cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, khiến cho nhu cầu đầu tư mới (bao gồm cả ở quá trình chuyển đổi xanh, giáo dục, năng lực đổi mới và cơ sở hạ tầng).
 
Thêm vào đó, các quốc gia thu nhập trung bình còn phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng đang diễn ra và những lợi thế về nhân khẩu học dần giảm đi, trong khi vẫn phải đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô - điều cần thiết cho tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.
 
Có thể nói, trong hoàn cảnh hiện tại, các nước thu nhập trung bình thấp không dễ dàng tiếp tục duy trì sự tăng trưởng. Do đó, các quốc gia này cần giảm thiểu rủi ro nợ nần và đảo ngược sang xu hướng nợ dài hạn trong chiến lược phát triển của mình. Đặc biệt, chính phủ các nước thu nhập trung bình cần khẩn trương thực hiện các bước để giảm bớt tình trạng nợ nần trong trung hạn. Muốn vậy, các quốc gia cần cải thiện tính minh bạch của nợ, tăng cường các chính sách và khuôn khổ quản lý nợ, coi đó là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro nợ nần. Những cải cách này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nếu chúng được kết hợp với các cải cách trong thị trường lao động và thị trường hàng hóa sản phẩm. Việc giảm gánh nặng nợ là vấn đề rất quan trọng để các quốc gia có nguồn lực tài chính đầu tư vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Hành động vì khí hậu
 
Nhiên liệu hóa thạch, than, dầu và khí đốt tự nhiên là những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, chiếm hơn 3/4 tổng lượng khí thải nhà kính và khoảng 90% lượng khí thải carbon dioxide (CO2).
 
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) đã công bố rằng, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần phải giảm nhu cầu than toàn cầu xuống 90%, dầu xuống 75% và khí đốt tự nhiên xuống 55% trong giai đoạn 2020 - 2050. Do đó, hành động vì khí hậu và các biện pháp nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu đòi hỏi phải thay đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng của các nền kinh tế.
 
Các nước có thu nhập trung bình hiện chiếm khoảng 2/3 lượng khí thải CO2 toàn cầu, nên việc giảm phát thải carbon của họ là yếu tố quan trọng đối với khả năng đạt được các mục tiêu về khí hậu của thế giới. Ngày nay, cả mức độ tiêu thụ năng lượng và cường độ carbon ở các nước có thu nhập trung bình đều khá cao. Cụ thể, mức độ tiêu thụ năng lượng ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao gấp 2 lần so với các quốc gia có thu nhập cao và mức thải carbon trong mức tiêu thụ năng lượng của họ là vấn đề đáng quan tâm.
 
Ngày nay, công nghệ chuyển đổi năng lượng tạo nên khoảng cách đầu tư rất lớn và cần có nguồn lực đáng kể để mở rộng quy mô năng lượng carbon thấp, đáng tin cậy. Công nghệ năng lượng carbon thấp đòi hỏi vốn ban đầu đáng kể mặc dù chi phí hoạt động thấp hơn. Do đó, các quốc gia có thu nhập trung bình cần tiếp cận vốn chi phí thấp để tăng khả năng chi trả cho quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp, cải thiện đáng kể các nguồn năng lượng sạch thâm dụng vốn như điện gió, quang điện mặt trời (PV), xe điện và máy điện phân hydro.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chi phí vay cao đang khiến các nước có thu nhập trung bình gặp nhiều thách thức hơn trong việc tăng cường các khoản đầu tư cho năng lượng xanh và giảm thiểu phát thải carbon. Ngoài ra, các nước đang phát triển hiện đang chi nhiều cho các khoản thanh toán lãi suất hơn là cho các khoản đầu tư vào khí hậu, mặc dù họ cần phải tăng gấp 3 lần các khoản đầu tư vào khí hậu để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Thỏa thuận Paris.
 
Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập trung bình lại dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro từ biến đổi khí hậu hơn các quốc gia có thu nhập cao và có ít khả năng thích ứng với những rủi ro như vậy. Các chuyên gia cho rằng, nhóm quốc gia này sẽ ngày càng phải đối mặt với việc dành chi phí cao cho thích ứng với khí hậu. Theo tính toán, vào năm 2030, chi phí hàng năm để một số quốc gia có thu nhập trung bình cần phải chi để thích ứng và giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ước tính vượt quá 1% GDP mỗi năm, trong khi nhu cầu thích ứng hàng năm của toàn thế giới chỉ là khoảng 0,25% GDP toàn cầu.
 
Có thể nói, không gian để chính phủ các nước có thu nhập trung bình hành động đang thu hẹp lại, do nợ và lãi suất tăng, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước yếu ớt do triển vọng thương mại và đầu tư nước ngoài suy yếu. Bên cạnh đó là các áp lực quốc tế và cam kết trong nước về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi các quốc gia này phải dành một khoản đầu tư đáng kể cho hoạt động thích ứng và giảm thiểu rủi ro.
 
Đặc biệt, với những nền kinh tế có thu nhập trung bình đang phải đối mặt với nợ cao và chi phí vay cao hơn, họ đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan về lựa chọn các chính sách, để đạt được các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đầy tham vọng có lợi về lâu dài và ngăn chặn mất cân bằng kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn. Như vậy, rõ ràng các quốc gia có thu nhập trung bình đang khó khăn hơn trong việc xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế so với giai đoạn thu nhập thấp hoặc cao./.
 
Bích Ngọc