Tăng nhanh sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Việt Nam

|

Tăng nhanh sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Việt Nam

Nâng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện
 
Cơ cấu nguồn năng lượng sử dụng ở mỗi quốc gia để sản xuất điện phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và tiềm năng các nguồn năng lượng sẵn có, cũng như khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng ở nước ngoài của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn nhất định.
 
Những thập kỷ gần đây, hiện tượng trái đất nóng lên gây nhiều hệ lụy cho sản xuất và đời sống con người. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã trở thành nhiệm vụ cấp bách toàn cầu và được ghi nhận tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (tháng 12/2015 với hơn 180 quốc gia ký kết Hiệp định). Theo đó, việc xác định cơ cấu sử dụng các nguồn năng lượng để sản xuất điện ở mỗi quốc gia, theo hướng hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều hơn và nâng dần tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong sản xuất điện đã được đặt ra. Bởi, năng lượng hóa thạch sử dụng hiện nay đã phát ra tới 2/3 lượng khí thải nhà kính (CO2); và lượng phát thải CO2 từ năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí) lại gấp nhiều lần so với từ NLTT (thủy điện, gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh khối...).
 
Bảng 1. Cơ cấu sử dụng các nguồn năng lượng để sản xuất điện của thế giới và một số nước năm 2017
 
Nguồn: Theo BP Statistical Review of World Energy June 2018
 
Liên bang Đức đứng đầu thế giới về sử dụng nguồn NLTT để sản xuất điện với tỷ trọng 30% (không kể thủy điện). Xu hướng thế giới và hầu hết các quốc gia đã sử dụng nhiều hơn nguồn NLTT để sản xuất điện. Theo số liệu thống kê, năm 2005, trên thế giới NLTT mới đóng góp khoảng 12,6% tổng nguồn năng lượng để phát triển điện, đến năm 2017, tỷ trọng này đã tăng lên 24,3% (nếu không tính thủy điện lớn và vừa, thì tỷ trọng này là 8,4%).
 
Ở Việt Nam, việc sử dụng NLTT đặc biệt là thủy điện đã sớm được đầu tư với các nhà máy thủy điện lớn, như: Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW), Thủy điện Sơn La (2.400 MW), Thủy điện Lai Châu (1.200 MW). Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam mới đang chỉ dừng lại ở việc sử dụng các nguồn thủy lợi mà chưa chú ý tới các nguồn NLTT khác; và phải đến Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, mục tiêu phát triển điện NLTT mới được đề cao rõ hơn, với nhiều nguồn năng lượng khác nhau.
 

 
Bảng 2. Tỷ trọng NLTT trong tổng công suất điện
 
Cũng trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030, năng lượng gió và mặt trời cho sản xuất điện được đặc biệt khai thác, với tổng công suất điện gió được đưa vào vận hành từ 800 MW (năm 2020), 2.000 MW (năm 2025) và 6.000 MW (năm 2030); cũng các năm trên, công suất các nhà máy điện mặt trời sẽ lần lượt là: 850 MW, 4000 MW, và 12.000 MW.
 
Tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam
 
Thủy điện: Tiềm năng thủy điện của Việt Nam rất lớn, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2017, tỷ trọng sản lượng điện từ thủy điện chiếm tới 36,9% trong tổng sản lượng điện (tỷ trọng này của toàn thế giới là 15,9%). Theo nhiều nghiên cứu chính thức, các nguồn năng lượng để có thể xây dựng các nhà máy thủy điện lớn và vừa cơ bản đã hết. Nhưng tiềm năng thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) của nước ta còn khá nhiều. Theo điều tra, khảo sát, nước ta có khoảng 1000 địa điểm được xác định có tiềm năng xây dựng thủy điện nhỏ từ 100 W đến dưới 30 MW, với tổng công suất trên 7000 MW. Việc xây dựng các nhà máy điện nhỏ không đòi hỏi nhiều vốn, quan trọng hơn không mất nhiều diện tích đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp,... vì không phải xây đập, hồ chứa nước lớn.
 
Điện gió: Việt Nam có bờ biển dài, có vùng núi cao, nên tiềm năng gió rất lớn. Theo Ngân hàng thế giới (WB), tiềm năng gió   Việt Nam là nhiều nhất trong khu vực. Với hơn 39% diện tích tự nhiên được ước tính có tốc độ gió trung bình trên 6 m/giây ở độ  cao 65 m, có tổng công suất lên tới 512 GW (trong đó có tới 8% diện tích tự nhiên có tiềm năng gió trên 7 m/giây ở độ cao 65      m), trong khi với sự phát triển công nghệ điện gió, với những nơi có tốc độ gió trung bình trên 5 m/giây ở độ cao 65 m, đã có thể đặt tua bin điện gió. Đặc biệt, các dự án điện gió không chỉ đặt trên đất liền mà cả các vùng nước ven biển với độ sâu không lớn. Theo điều tra khảo sát khu vực biển có độ sâu không lớn, khu vực biển có độ sâu từ 0-30 m từ Bình Thuận đến Cà Mau có diện tích khoảng 4.400 km2, có nhiều khả năng đặt các nhà máy điện gió với đầu tư không lớn hơn nhiều, và không phải giải phóng mặt bằng, không phải bồi thường nhiều diện tích để đặt các nhà máy điện gió, cũng như tiền thuê vùng bờ biển này không quá cao.
 
Điện mặt trời: Việt Nam có tổng giờ nắng cao trên 2500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm tương đối lớn, lên tới trên 230-250 kcl/cm2, tuy có sự khác biệt giữa các vùng, như ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên gấp gần 1,4 lần Đông Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng về lượng bức xạ. Theo Chương trình Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ đánh giá sơ bộ, tiềm năng của các dự án điện mặt trời trên mặt đất nối lưới tại Việt Nam khoảng 20 GW, trên nóc mái nhà (roof top) từ 2-5 GW. Với tiềm năng năng lượng mặt trời lớn như vậy, nhưng đến năm 2014, Việt Nam mới có 1 MW công suất điện từ lắp đặt các tấm pin mặt trời (theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, 2015).
 
Điện sinh khối: Là một nước nông nghiệp, dân số đông, Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng sinh khối từ gỗ năng lượng, phế phẩm, phế thải từ trồng trọt, chăn nuôi, từ các nhà máy công nghiệp chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, hải sản, rác thải ở các đô thị... Theo tính toán, khả năng khai thác bền vững từ các nguồn sinh khối nông, lâm nghiệp đạt khoảng 150 triệu tấn/ năm.
 
Điện nhiệt: Tuy chưa được điều tra và tính toán đầy đủ, nhưng bước đầu về tiềm năng địa nhiệt lên tới nhiều trăm MW.
 
Triển vọng thực hiện các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo năm 2030
 
Từ sau Quy hoạch VII điều chỉnh, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những quyết định, chính sách và biện pháp để khuyến  khích và hỗ trợ phát triển nguồn NLTT để sản xuất điện, như: Giải quyết vấn đề vướng mắc lớn nhất giữa các dự án điện NLTT và EVN là giá điện; Giảm và miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất điện; Giảm và miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định  của các dự án sản xuất NLTT; Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các dự án điện gió, điện mặt trời; Ưu tiên cung cấp tín dụng; Các quy định với bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện đã nối lưới; đẩy mạnh quy hoạch. Đó là những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Nếu năm 2014, mới có 46 MW điện gió và 1 MW điện mặt trời hoạt động thì đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 3322 MW; 8 nhà máy điện gió với 43 MW; 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 212 MW; riêng với điện mặt trời có khoảng 10.000 MW công suất đã đăng ký, trong đó có 8.100 MW đã được bổ sung vào quy hoạch và có khoảng 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư dự án điện và EVN. Những tháng đầu năm 2019, làn sóng đầu tư vào các dự án điện từ NLTT vẫn tăng, đặc biệt dự án điện gió Kênh Gà có quy mô 3.400 MW của công ty Enterprise đã đệ trình Bộ Công Thương vào tháng 3/2019. Như vậy, mục tiêu đến năm 2030 sử dụng NLTT để sản xuất điện có nhiều khả năng thực hiện được./.

 
TS. Nguyễn Quán