Một số nét chính về doanh nghiệp FDI trong điều tra PCI 2018

|

Một số nét chính về doanh nghiệp FDI trong điều tra PCI 2018

Đặc điểm của doanh nghiệp FDI
 
Quy mô

 
Theo báo cáo PCI 2018, các doanh nghiệp FDI tiếp tục có xu hướng nhỏ đi, cả về vốn chủ sở hữu và quy mô lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI có quy mô nhỏ hơn 5 lao động tăng lên 9,4%; có quy mô từ 5-9 lao động tăng 11%; có quy mô nhỏ hơn 50 lao động tăng 32%. Tỷ lệ tương ứng trong năm 2017 lần lượt là 7,4%, 10,9% và 31%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp sử dụng 1000 lao động trở lên giảm từ 6,4% trong năm 2017 xuống chỉ còn 4% năm 2018; doanh nghiệp có quy mô từ 500-999 lao động giảm chỉ còn 5,4% so với mức 5,8% trong năm 2017.

 
Bảng 1. Quy mô của doanh nghiệp FDI, giai đoạn 2012-2018
 


Nguồn: Báo cáo PCI 2018
 
Sự thu hẹp quy mô lao động của các doanh nghiệp FDI song hành với sự sụt giảm tương ứng về quy mô vốn. Năm 2018, có sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp nằm trong các nhóm quy mô nhỏ: Dưới 0,5 tỷ đồng, từ 0,5 đến dưới 1 tỷ đồng và từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng, với tỷ lệ lần lượt là 10,8%, 6,6% và 20,3%. Những con số tương ứng trong điều tra năm 2017 là 7,9%, 5,7% và 16,7%.
 
Tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc bốn nhóm lớn nhất đều giảm đáng kể trong năm 2018. Trong đó, đáng chú ý là số doanh nghiệp vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng chỉ còn chiếm 3,9% (năm 2017 5,9%). Điều này cho thấy quy mô bình quân của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang nhỏ dần đi. Một số chuyên gia còn cảnh báo rằng nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh - nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những doanh nghiệp FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang gặp phải.

 
Bảng 2. Quy mô vốn của Doanh nghiệp FDI giai đoạn 2012-2018
 
 
Nguồn: Báo cáo PCI 2018

Loại hình doanh nghiệp

Cơ cấu thành phần về loại hình doanh nghiệp FDI trong năm 2018 về cơ bản không có nhiều thay đổi. Tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn giữ nguyên mức như năm 2017 là 87%. Số doanh nghiệp FDI đăng ký theo Luật doanh nghiệp tăng từ 6% năm 2017 lên 8% năm 2018.
 
Theo báo cáo PCI năm 2016, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đăng ký  theo  Luật  doanh  nghiệp  sẽ  có  xu  hướng tăng sau khi có Luật đầu  tư  năm  2014  chính  thức  có  hiệu  lực  từ  ngày  01/07/2015.  Theo  đó, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ sở hữu nội địa trên 51% sẽ được coi như những nhà đầu tư trong nước và không cần phải xin Giấy chứng nhận đăng đầu tư. Dữ liệu điều tra PCI 2018 tiếp tục khẳng định những nhận định đó. Số doanh nghiệp đăng theo Luật doanh nghiệp chỉ chiếm 4% các doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh trước năm 2015, nhưng đã tăng lên 11% sau khi Quốc hội ban hành Luật đầu tư.
 
Lĩnh vực hoạt động
 
Xét theo ngành nghề sản xuất kinh doanh, đứng đầu là nhóm ngành công nghiệp chế tạo - lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế tạo là 37%; Kế tiếp là lĩnh vực dịch vụ với 27%; Các ngành xây dựng và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lần lượt chiếm 6% và 2%; các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đều chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ ở mức 0,13%.
 
Sự phân bổ doanh nghiệp FDI theo ngành nghề nhìn chung khá ổn định. Đứng đầu vẫn là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa xe gắn máy chiếm 10,2%; sản xuất kim loại 7,8%; các sản phẩm máy tính, điện tử và quang học 6,9% và các sản phẩm cao su và nhựa 6,9%. Theo báo cáo PCI 2017, đã có sự gia tăng đáng   kể tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm máy tính, điện tử và quang học, thay thế tiểu nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc ở vị trí thứ ba. Xu hướng này vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tiếp tục tăng từ 5,8% lên 6,9% trong năm 2018. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc giảm từ 6% trong năm 2016 xuống còn 4,2% vào năm 2017 và chỉ còn 3,8% vào năm 2018. Đây là dấu hiệu cho thấy bắt đầu có sự chuyển dịch quan trọng sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao hơn, có tiềm năng tạo ra việc làm có lương cao hơn và hiệu ứng lan tỏa về công nghệ lớn hơn.
 
Khách hàng của các doanh nghiệp FDI
 

Hầu hết các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều là những mắt xích trong các chuỗi cung ứng đa quốc gia và chủ yếu hướng đến xuất khẩu. Trong số doanh nghiệp tham gia điều tra PCI-FDI 2018, 31% doanh nghiệp bán sản phẩm cho khách hàng ở nước xuất xứ của chủ đầu tư, trong khi 20,7% xuất khẩu sản phẩm của họ sang nước thứ ba. Khi các doanh nghiệp FDI phục vụ thị trường trong nước, khách hàng của họ chủ yếu là các doanh nghiệp FDI khác (53,5%), tiếp theo là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (33,9%). Có rất  ít mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực nhà nước. Năm 2018, chỉ 5,3% doanh nghiệp FDI bán sản phẩm của họ cho các DNNN và thậm chí chỉ 2,5% có khách hàng là các cơ quan nhà nước. Các số liệu về khách hàng của doanh nghiệp FDI năm 2018 đều thấp hơn so với năm 2017, cho thấy các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu tập trung vào một nhóm nhỏ khách hàng thay vì đa dạng hóa như trước đây.
 
Nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI
 

Các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam có thể hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và quản trị từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng - trở thành nhà cung cấp hàng hoá đầu vào và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Mặc dù số doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam có nhiều hơn so với đầu những năm 2010, nhưng quá trình này có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Có khoảng 69% doanh nghiệp mua nguyên liệu đầu vào từ các công ty tư nhân trong nước năm 2015 và 2016, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 62,5% trong năm 2017 và 60,2% vào năm 2018.
 
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI
 
Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong năm 2018 đã có dấu hiệu chững lại so với năm 2017. Tỷ lệ các doanh nghiệp tăng vốn đầu tư là 11,8%, giảm so với con số 13,2% của năm 2017; 58,2% số doanh nghiệp cho biết tăng quy mô lao động, thấp hơn con số 62,4% trong năm 2017; 56% số doanh nghiệp cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam - giảm nhẹ so với mức 60% của năm ngoái, nhưng vẫn là mức khá lạc quan.


 
Bảng 3. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI, giai đoạn 2012-2018
 
Nguồn: Báo cáo PCI 2018

Trên một nửa số doanh nghiệp FDI (53,1%) báo lãi trong năm 2018, trong khi đó, số doanh nghiệp báo lỗ là 36,7%, gần bằng với mức của năm 2017. Doanh thu chi phí trung vị đều tăng trong năm 2018, lần lượt mức 2,57 triệu USD 2,20 triệu USD. Những con số này cho thấy sự tăng đột biến trong hoạt động của năm 2017 không phải chỉmột hiện tượng nhất thời mà là một xu hướng mới.
 
Các doanh nghiệp FDI đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hiệu quả những lợi thế của nguồn vốn FDI. Mức độ lan   tỏa về công nghệ và trình độ quản lý từ các nhà đầu tư nước ngoài đến các nhà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được kỳ vọng, và các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tham gia được sâu vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Trước thực tế này, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030. Điểm nhấn chính của Dự thảo Chiến lược này là chuyển từ thu hút các nhà đầu tư phù hợp với điều kiện của Việt Nam sang phát triển các điều kiện phù hợp (như cải thiện môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) để nhắm đến các loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai. Mục tiêu là hướng tới các lĩnh vực “thế hệ mới” có trình độ công nghệ và kỹ năng cao, nhằm tối đa hóa các hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của FDI. Trong khi tập trung thu hút FDI thế hệ mới, thì FDI “thế hệ đầu” vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thu hẹp khoảng cách của chuỗi cung ứng trong nước, tạo công ăn việc làm và góp phần giảm sự mất cân bằng trong phát triển giữa các địa phương./.


 
Thu Hường