Để du lịch trở thành ngành “công nghiệp không khói”

|

Để du lịch trở thành ngành “công nghiệp không khói”

Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đây được coi là dấu ấn đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường du lịch quốc tế, là điểm đến lý tưởng đối với du khách, đồng thời cho thấy việc hiện thực hóa giấc mơ về ngành “công nghiệp không khói” đang đi theo đúng lộ trình đã đề ra.
  
Du lịch Việt Nam - Từ chặng đường gian nan đến khi hái trái ngọt

Kể từ ngày 9/7/1960, khi Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 26/CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam, ngành Du lịch Việt Nam mới chính thức ra đời và bắt đầu sự nghiệp xây dựng thành một ngành kinh tế. Xuất phát điểm của ngành Du lịch khi ấy gần như từ con số không với 9 khách sạn, 152 buồng phòng nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

 

Một số địa danh du lịch Việt Nam. Nguồn Internet

Giai đoạn 1971-1978, hoạt động du lịch của Việt Nam được mở rộng ở một số địa phương trên cả nước, đồng thời vươn ra các thị trường du lịch ngoài khối Xã hội chủ nghĩa như Nhật Bản, Pháp… Trong giai đoạn này, ngành Du lịch đã tiệm cận đầy đủ hơn với tính chất kinh doanh du lịch, với tính liên ngành trong hoạt động kinh doanh du lịch và kinh doanh du lịch quốc tế. Từ năm 1992 đến năm 2006, Du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ với vị thế của một ngành kinh tế, được thể hiện trong quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 45/ CP ngày 22/6/1993 là: “Ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước” và Chỉ thị 46/CT/TW ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa,… góp phần thưc hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước”. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành Du lịch, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam được xây dựng trong giai đoạn này đã thúc đẩy việc quy hoạch các vùng du lịch, các trung tâm du lịch, quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được thực hiện một cách có hệ thống trên phạm vi toàn quốc. Sự phát triển “bùng nổ” của Du lịch Việt Nam thời kỳ này đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong 7 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trên toàn thế giới.

Sau gần 6 thập kỉ, đến nay ngành du lịch Việt Nam đã có những bước trưởng thành mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Minh chứng cho những chặng đường phát triển đó là những con số biết nói, cụ thể: Nếu lấy năm 1990 là năm mốc lần đầu tiên phát động Năm Du lịch, Việt Nam đã đón 250 nghìn lượt khách quốc tế và 1 triệu lượt khách du lịch nội địa. Sau 20 năm, số khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên gấp 15 lần, đạt gần 3,8 triệu lượt và số khách du lịch nội địa tăng gấp 5,2 lần, đạt trên 5,2 triệu lượt vào năm 2009. Nhưng đến năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên kỷ lục, đạt được kết quả ấn tượng với 15,5 triệu lượt khách, tăng 20% so với năm trước đó và gấp gần 62 lần so với mốc năm 1990; trong đó hầu hết khách đến với mục đích du lịch, còn các mục đích khác cũng thường gắn liền với các hoạt động du lịch tại Việt Nam. Riêng tháng 11/2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục 1,8 triệu lượt khách, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam tại thời điểm đó lên đến 16,3 triệu lượt khách. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đầy đã vượt khá xa so với mục tiêu đạt 10,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 của ngành Du lịch đề ra trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013. Bên cạnh đó, người Việt Nam cũng ngày càng dành nhiều ưu ái cho du lịch trong nước khiến lượt khách du lịch nội địa cũng tăng lên nhanh chóng.

Cùng với sự gia tăng về số lượng khách du lịch, doanh thu của ngành Du lịch cũng có mức tăng trưởng vượt bậc, đóng góp ngày càng lớn cho xã hội trong suốt quá trình phát triển. Hoạt động du lịch của Việt Nam đã mang lại thu nhập không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh du lịch mà gián tiếp đối với các ngành liên quan, xuất khẩu tại chỗ, tạo thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư địa phương. Nếu năm 2009, doanh thu du lịch Việt Nam chỉ đạt 28,6 nghìn tỷ đồng (trong đó doanh thu của các cơ sở lưu trú đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, doanh thu của các cơ sở lữ hành đạt gần 10,3 nghìn tỷ đồng). Hết năm 2018, doanh thu du lịch của Việt Nam đạt đến con số 580,5 nghìn tỷ đồng (trong đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, doanh thu từ các cơ sở lữ hành đạt 41 nghìn tỷ đồng) gấp hơn 20 lần so với năm 2009. Đây là con số rất ấn tượng so với những gì Du lịch Việt Nam đã đạt được từ 10 năm trước đây.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng không ngừng về số lượng khách du lịch còn thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của Du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Theo Tổng cục du lịch, đến nay, Việt Nam đã có trên 15 nghìn cơ sở lưu trú với trên 300 nghìn buồng phòng phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng cơ sở lưu trú được xếp hạng 5 sao cũng tăng nhanh chóng từ 32 cơ sở đến nay đã tăng lên trên 150 cơ sở đạt chuẩn.

Bứt phá để hiện thực hóa giấc mơ toàn cầu

Có thể thấy, sức tăng trưởng của Du lịch Việt Nam đã ngày càng chứng minh được khả năng hiện thực hóa của giấc mơ về ngành “công nghiệp không khói” này. Hoạt động du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khi thu hút sự tham gia và tạo động lực phát triển cho các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân. Do những tác động liên hoàn nên du lịch phát triển cũng đồng nghĩa nhiều ngành cũng phát triển. Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những ngành được hưởng lợi do nhu cầu của du lịch nghỉ dưỡng; ngành vận tải phát triển khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu qua đường không, đường sắt và đường thủy; ngoài ra còn góp phần tăng cường tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu… Quan trọng hơn, phát triển du lịch còn được coi là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn, quảng bá đặc sản, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời Du lịch Việt Nam còn đóng vai trò quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, thu hút đầu tư để giữ gìn, phát triển di sản Việt Nam.

Với sự tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Du lịch Việt Nam đang tự tin cùng với các quốc gia tham gia hợp tác quốc tế tại các tổ chức thế giới như UNWTO, ASEAN, PATA, APEC, GMS, ACMECS… và đã ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về du lịch với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam   đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt bạn bè và du khách trong và ngoài nước. Hình ảnh du lịch quốc gia ngày càng được nâng tầm thế giới; hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày càng phong phú; nhiều điểm du lịch được các tổ chức uy tín bình chọn là địa chỉ yêu thích của đông đảo du khách quốc tế. Trong đó, điển hình là: Vịnh Hạ Long được trang web BuzzFeed của Mỹ bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới; Hà Nội được TripAdvisor bình chọn là 1 trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới năm 2014; Việt Nam được Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất, dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch lẻ; Hang Sơn Đoòng được Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới và Tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Nga bình chọn là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới của năm 2014; Tuyến du lịch trên sông Mê Kông (đoạn Việt Nam - Campuchia) được báo Telegraph (Anh) xếp thứ 4/5 tuyến du lịch trên sông hàng đầu châu Á...

 
Năm 2019 vừa qua, Du lịch Việt Nam lại tiếp tục gây ấn tượng khi được xướng tên trong các đề cử và gần 20 lần được vinh danh tại Lễ trao giải toàn cầu “Giải thưởng Du lịch Thế giới” (WTA) được tổ chức tại Vương quốc Oman. Đây là giải thưởng được tổ chức thường niên nhằm vinh danh những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất trong các lĩnh vực lữ hành, du lịch và được Wall Street Journal ví như giải “Oscar của ngành du lịch thế giới”. Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành Điểm đến hàng đầu thế giới về Di sản; trước đó, Việt Nam đã được công nhận là Điểm đến tốt nhất thế giới về Gofl và Điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giành giải hàng đầu thế giới tại các hạng mục quan trọng như: Sân bay hàng đầu thế giới (Sân bay Quốc tế Vân Đồn), Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới (Sunworld Fansipan Legend), Hệ thống cáp treo hàng đầu thế giới (Sun World Bà Nà Hills). Cùng với đó, các khách sạn đẳng cấp của Việt Nam cũng được vinh danh: M Gallery Sa Pa - Khách sạn có thiết kế hàng đầu thế giới, Khách sạn biểu tượng của thế giới; Intercontinental Đà Nẵng - Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng hàng đầu thế giới; Premier Village Đà Nẵng - Khu nghỉ dưỡng biệt thự dành cho gia đình hàng đầu thế giới; Premier Village Phú Quốc - Khu nghỉ dưỡng biệt thự biển hàng đầu thế giới. Đặc biệt, khách sạn Vinpearl Luxury Lanmark 81 - toà nhà biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh cũng được trao giải Khách sạn hướng sông hàng đầu thế giới.

Thắng lợi của các đơn vị doanh nghiệp và nền Du lịch Việt Nam đã tạo nên sức hấp dẫn và tiềm năng lôi cuốn mạnh mẽ hơn nữa đối với du khách, đồng thời tạo đà cho du lịch tiếp tục hoàn thành và phát huy vai trò của ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực phát triển và kéo theo sự tăng trưởng của những ngành kinh tế liên quan. Những thành quả Việt Nam đạt được cũng cho thấy, chất lượng Du lịch Việt Nam đang trên đà bứt phá, sự phát triển đi theo chiều sâu thay vì chiều rộng và theo đúng định hướng trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam. Chuỗi giải thưởng đã đánh dấu sự vươn tầm vượt bậc của Việt Nam với chính sách đầu tư du lịch đúng đắn trong thập kỷ vừa qua. Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, ngoại giao, thương mại…, Chiến lược phát triển Du lịch bền vững còn mang nhiều ý nghĩa, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy bảo vệ di tích và cải tạo môi trường thông qua phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch tình nguyện, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên…

Những con số đẹp, những sự kiện hay cho thấy sự phát triển đầy ấn tượng, song đằng sau nó, du lịch Việt vẫn còn “khoảng lặng”. Đó là dù Việt Nam có tiềm năng lớn về du lịch, nhưng việc quy hoạch khai thác tài nguyên du lịch còn chưa tương xứng với năng lực; mức chi tiêu của khách du lịch không lớn... Những năm trở lại đây, khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng nghỉ lại lâu hơn nhưng chi tiêu lại ít hơn so với các nước trong khu vực. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ năm 2009 đến nay, khách du lịch đến Việt Nam chỉ chi tiêu bình quân trong khoảng trên dưới 100 USD/ngày (cao nhất là năm 2011 với mức 105,7 USD/ngày), trong khi đó du khách đến các quốc gia Đông Nam Á khác lại có mức chi bình quân khá cao: Tại Singapore (330 USD/ngày), Thái Lan (115 USD/ngày). Theo Tổng cục Du lịch, Nga, Pháp, Úc, là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất về chi tiêu du lịch ra nước ngoài, trong khi Trung Quốc, Mỹ là hai thị trường có mức chi tiêu du lịch ra nước ngoài nhiều nhất. Mặc khác, trong khoảng 10 năm từ 2008-2018, công suất buồng bình quân qua các năm chỉ đạt từ 54-60%, cao nhất là năm 2014 đạt 69%. Điều đó cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục cố gắng nỗ lực hơn nữa, cần xây dựng các chính sách chiến lược để thu hút du khách tăng chi cho các dịch vụ du lịch. Qua đó nâng cao giá trị đóng góp của ngành Du lịch vào mức tăng chung của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, Du lịch muốn phát triển không thể không gắn chặt với môi trường, bao gồm cả môi trường xã hội - văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu môi trường văn hóa bảo đảm cho du lịch hướng đến văn minh; thì môi trường tự nhiên là cơ sở cho sự phát triển bền vững của du lịch. Do đó, bảo vệ môi trường đang được đặt ra như một vấn đề có tính sống còn của du lịch hiện nay và một trong những nguyên nhân lớn để Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào ngành công nghiệp không khói này./.

 
Thu Hiền