Hiệu quả trong thực tế triển khai phương thức mua sắm tập trung

|

Hiệu quả trong thực tế triển khai phương thức mua sắm tập trung

Mua sắm tập trung là phương thức mua sắm đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh mua sắm tập trung là giải pháp tối ưu nhằm giảm thời gian, chi phí, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và tiết kiệm cho ngân sách quốc gia. Tại Việt Nam, bắt đầu từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề cập đến hình thức mua sắm tập trung (MSTT). Đây có thể xem là đường hướng chỉ đạo đúng và trúng, là nền tảng đầu tiên cho những nỗ lực nhằm đưa MSTT dần đi vào cuộc sống. Đến nay, hình thức MSTT ở nước ta đã dần được hoàn thiện về mặt cơ chế chính sách và thực tế triển khai thí điểm hình thức mua sắm này đã đạt được những hiệu quả tích cực.
 
Từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách về MSTT

Ngày 21/8/2006, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X (gọi tắt là Nghị quyết 04/NQ-TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã chỉ ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm công. Theo đó sẽ triển khai thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn. Đây chính là tinh thần đột phá của Nghị quyết 04, thể hiện sự quyết tâm và những nỗ lực nhằm đẩy mạnh MSTT.

Trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 về việc thực hiện thí điểm phương thức MSTT.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 179, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2008 đến năm 2012 chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm là hơn 467 tỷ đồng. Hiệu quả này không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt, giá mua thống nhất và các sản phẩm tương đồng về kỹ thuật.

Tiếp theo đó, trước yêu cầu thắt chặt chi tiêu công gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế MSTT và mở rộng phạm vi áp dụng được cho là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia. Do đó, trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế và kết quả thí điểm thực hiện tại Việt Nam, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có một mục quy định về MSTT để áp dụng rộng rãi. Với mục tiêu nhằm bảo đảm việc chi tiêu bằng nguồn vốn nhà nước có hiệu quả, cắt giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu. Đây được xem là bước chuyển từ cơ chế “thí điểm” sang bắt buộc của công tác MSTT.

Những quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung được đánh giá là nâng MSTT lên mức độ cao hơn hẳn so với giai đoạn thí điểm.

Trong quá trình triển khai, nhằm cụ thể hóa những quy định liên quan tới MSTT trong Luật Đấu thầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu với 5 điều hướng dẫn thực hiện MSTT. Cụ thể: Nguyên tắc trong MSTT; Trách nhiệm trong MSTT; Quy trình MSTT tổng quát; Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng MSTT và Nội dung thỏa thuận khung (từ Điều 68 đến Điều 72).

Tiếp theo, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung được ban hành. Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2016/TT-BTC và Thông tư số 35/2016/TT-BTC hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Có thể thấy, ở giai đoạn này khung pháp lý về MSTT đã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ và tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện. Hình thức MSTT cũng mang lại những hiệu quả bước đầu. Theo đó, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau, cơ quan MSTT chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp. Cách thức này không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức MSTT phù hợp trên phạm vi toàn quốc, số tiền Nhà nước tiết kiệm được sẽ chiếm tỷ lệ 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, việc giảm chi cho bộ máy và biên chế trong mua sắm công là rất lớn. Cả nước từ chỗ có hơn 100.000 đầu mối mua sắm công, nay giảm chỉ còn 107 đầu mối, gồm 2 đơn vị mua sắm cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, ngành trung ương và 63 đầu mối của các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, hiện nay, với quyết tâm và định hướng của Chính phu là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng   tới nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 11/2019/BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 01/02/2020) quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả chính thức có hiệu lực. Với sự ra đời của Thông tư, việc áp dụng đấu thầu qua mạng trong công tác lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu MSTT đã thực sự đi vào đúng lộ trình, bài bản.

Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu MSTT sẽ đem lại nhiều lợi ích như: Tăng hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao tính minh bạch, tăng tính cạnh tranh cho các gói thầu… đồng thời việc áp dụng MSTT qua mạng cũng sẽ lan tỏa tinh thần công khai, minh bạch.

Theo lộ trình, việc triển khai MSTT sắp tới sẽ tăng cường áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2022 - 2025 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) các gói thầu MSTT. Như vậy, chỉ còn chưa đến 2 năm nữa, MSTT sẽ bước vào giai đoạn chỉ đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà thầu.

Hiệu quả thực tế triển khai MSTT

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay hình thức MSTT được triển khai tại nhiều bộ, ngành, địa phương, đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, điển hình là việc thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc lĩnh vực bảo hiểm y tế đã giúp giảm giá thuốc, đảm bảo giá thuốc cân bằng giữa các địa phương. Hạn chế được tình trạng giá thuốc có sự khác biệt quá lớn, từ đó hỗ trợ gián tiếp người bệnh. Đồng thời, nguồn cung ứng thuốc ổn định vì đấu thầu tập trung sẽ chọn được nhà thầu năng lực tốt; có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội, nhà thầu cung cấp thuốc và vật tư y tế...

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về thí điểm lần 1 (năm 2017), mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2018 có kết quả từ ngày 1/1/2018 cho thấy: Tổng giá trị trúng thầu của 5 hoạt chất là 946,8 tỷ đồng, giảm 11% so với giá kế hoạch (tương ứng với giá trị giảm là 117 tỷ đồng) và giảm 21,1% so với giá trúng thầu bình quân năm 2017 (tương ứng với giá trị giảm là 252,92 tỷ đồng). Trong đó, riêng biệt dược gốc giảm 13,8% về giá.

Ở lần thí điểm thứ 2, mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2019 - 2020 với 16 hợp chất và 26 thuốc không trùng Danh mục đấu thầu thuốc của Bộ Y tế, kết quả cho thấy, tổng giá các mặt hàng đã lựa chọn giảm 22,4% so với giá trúng thầu bình quân năm 2018 tại các địa phương (tương ứng 2.903,95 tỷ đồng). Trong đó, biệt dược gốc giảm 13%, thuốc generic giảm 37%.

Tương tự, kết quả đấu thầu MSTT thuốc quốc gia do Trung tâm MSTT thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế thực hiện cũng cho thấy, triển khai MSTT thuốc đã mang lại hiệu quả kinh tế, lựa chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu. Kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017 cho thấy, tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được hơn 477 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 17%. Các gói thầu thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2019 có sự tham gia cung ứng của nhiều nhà thầu, tỷ lệ tiết kiệm khá cao.

Bên cạnh đó, số liệu từ báo cáo công tác MSTT tại nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thời gian qua cho thấy sự ủng hộ và hiệu quả lan tỏa của phương thức mua sắm này ngày càng lớn. Theo đó, tại Bộ Công an, trong 2 năm 2017 - 2018, Trung tâm Đấu thầu MSTT Bộ Công an đã tổ chức đấu thầu hơn 80 gói thầu, gồm các tài sản, phương tiện bộ, phương tiện thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, các mặt hàng quân trang, thiết bị y tế, thuốc và hóa chất xét nghiệm… với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng các gói thầu hoàn thành năm 2017, số kinh phí tiết kiệm qua đấu thầu đạt gần 30 tỷ đồng (4,3%). Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức đấu thầu thành công 3 gói thầu mua sắm phương tiện cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, cứu thương theo đề nghị của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an với kinh phí gần 130 tỷ đồng.

Tại TP Hà Nội: Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính Hà Nội cho biết, năm 2017, Trung tâm đã hoàn thành 3 đợt mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bao gồm đợt đấu thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020, đợt đấu thầu MSTT đầu năm 2017 và đợt đấu thầu MSTT cuối năm 2017.

Đối với lĩnh vực dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, Trung tâm đã lựa chọn được nhà thầu cho tất cả 26 gói thầu giai đoạn 2017 - 2020 với tổng giá trúng thầu là 4.470 tỷ đồng, giảm 170 tỷ đồng so với giá dự toán. Đối với MSTT tài sản đầu năm 2017, thông qua đấu thầu, Trung tâm tiết kiệm được hơn 52 tỷ đồng. Trong đó, thông qua đấu thầu 5 gói thầu thiết bị văn phòng, bàn ghế học sinh tiết kiệm 21 tỷ đồng (tổng giá trúng thầu là 433 tỷ đồng); thông qua đấu thầu 19 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tiết kiệm 31 tỷ đồng (tổng giá trúng thầu là 2.069 tỷ đồng).

Tại TP. Hồ Chí Minh: Trong hai năm 2018 - 2019, Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP. Hồ Chí Minh đã triển khai 194 gói thầu cho cả VNPT và VNPT TP. Hồ Chí Minh với tổng giá gói thầu gần 4.500 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018 có 14 gói thầu MSTT cho Tập đoàn, 93 gói thầu cho VNPT TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị ước toán khoảng 2.000 tỷ đồng, tiết kiệm gần 30 tỷ đồng. Năm 2019, Trung tâm triển khai 15 gói thầu MSTT cho Tập đoàn, 72 gói thầu cho VNPT TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị ước toán là 2.450 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 45 tỷ đồng.

Tại tỉnh Đắk Lắk: Trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk tổ chức đấu thầu 38 gói thầu (1 gói không thực hiện được do không đủ điều kiện), tổng giá các gói thầu là hơn 175 tỷ đồng. Năm 2018, Trung tâm tổ chức đấu thầu 13 gói thầu (4 gói không thực hiện được do không đủ điều kiện), tổng giá các gói thầu là hơn 39 tỷ đồng. Trong năm 2019, Trung tâm tổ chức đấu thầu 22 gói thầu, tổng giá các gói thầu là hơn 239 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Phước: Trong 3 năm 2017 - 2019, Sở Tài chính tỉnh Bình Phước đã tổ chức MSTT 15 gói thầu với tổng giá gói thầu hơn 104 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu đạt 1,5%. Đặc biệt, năm 2019, tất cả các gói thầu MSTT tại Bình Phước đều được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2019, công tác MSTT tại Sở Y tế Đồng Nai đã đạt được kết quả tích cực. Đây cũng là đơn vị có đóng góp lớn cho tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu của Tỉnh. Cụ thể, nếu tính riêng các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, Sở Y tế Đồng Nai đã thực hiện 20 gói thầu MSTT với tổng giá các gói thầu là 4.180 tỷ đồng. Tổng giá trúng thầu là 3.351 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu đạt 19,82%. Nếu tính kết quả của các gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, Sở Y tế Đồng Nai thực hiện 31 gói, tổng giá gói thầu là 4.200 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 3.371 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 19,73%.

Tại tỉnh Tiền Giang: Trung tâm Mua sắm công ngành y tế tỉnh Tiền Giang đã thực hiện MSTT 12 gói thầu trong năm 2018, trong đó có 3 gói thầu mua thuốc (mua vắc xin, dược liệu và vị thuốc cổ truyền). Tỷ lệ các mặt hàng trúng thầu trung bình là 86,63%, tỷ lệ tiết kiệm trung bình tính trên các mặt hàng trúng thầu là 25,81%. Có 9 gói thầu mua vật tư y tế như chỉ phẫu thuật, bơm tiêm - dây chuyền dịch… Tỷ lệ các mặt hàng trúng thầu trung bình là 75,81%, tỷ lệ tiết kiệm trung bình tính trên các mặt hàng trúng thầu là 20,74%. Trong năm 2019, Trung tâm đã thực hiện MSTT 6 gói thầu, trong đó có 1 gói thầu thuốc generic, 1 gói mua vắc xin, 2 gói mua dược liệu, 2 gói mua vị thuốc cổ truyền. Số mặt hàng trúng thầu là 1.441/2.050, chiếm tỷ lệ 80,97%, tỷ lệ tiết kiệm bình quân là 17,93%.

Tại Ninh Bình, năm 2019, Sở Tài chính Ninh Bình đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 71 gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, qua đó tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 552 triệu đồng.

Có thể thấy, MSTT với những nội dung cụ thể đã được quy định trong Luật Đấu thầu năm 2013 đang từng bước đi vào cuộc sống. Mặc dù trong quá trình triển khai ở mỗi hạng mục, mỗi bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp còn có sự lúng túng và gặp một số khó khăn, trở ngại… Song với những số liệu thực tế về hiệu quả khi triển khai phương thức mua sắm này đã cho thấy đây là đường hướng đúng, được đề ra kịp thời và phù hợp với xu thế. Trong thời gian tới, để chủ trương MSTT tiếp tục thực hiện có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia nhằm đảm bảo tính minh bạch, thuận thiện và đồng nhất trong triển khai thực hiện./.
Thu Hòa