Xuất khẩu năm 2020: Kỳ vọng từ các hiệp định thương mại

|

Xuất khẩu năm 2020: Kỳ vọng từ các hiệp định thương mại

Chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, suốt nửa đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng ở tất cả ngành hàng chủ lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8% như kế hoạch nếu tận dụng được các cơ hội từ thị trường. Đặc biệt, những ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

 
Xuất khẩu giảm sút

Dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan sang các quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam, khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Nếu trong quý I/2020, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chưa bị tác động nhiều bởi đại dịch COVID-19 thì bước sang quý II, hoạt động này phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế trước diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, khó lường. Hơn nữa, dịch bệnh tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian này.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngay trong tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã bị giảm mạnh 18,4% so với tháng 3/2020, đạt 19,7 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều sụt giảm so với tháng 3/2020, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm tới 20% và chỉ đạt 16,4 tỷ USD; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 18,6%, đạt 247 triệu USD; nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,6%, đạt 2,02 tỷ USD. Hầu hết thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác lớn đều bị sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2019; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%; Hàn Quốc giảm 13,7%; EU giảm 28,6%; Hoa Kỳ giảm 24,1%…

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo các chuyên gia thương mại, hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020 đã bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19. Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện từ ngày 10/4/2020-20/4/2020 cho thấy, trong 126.565 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 57,7% doanh nghiệp ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định thời gian qua, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được; 39,9% doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu… Một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn khi hầu hết các doanh nghiệp quy mô lớn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, cụ thể: Đối với doanh nghiệp xuất khẩu ngành may mặc và da giày, tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa lần lượt là 64,5% và 65,0%. Tiếp theo, ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô cũng gặp khó khăn khi doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa chiếm tỷ lệ khá cao, trên 45,0%.

Bên cạnh đó, số liệu kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,2 tỷ USD.

Tuy thị trường xuất khẩu có sự sụt giảm mạnh, nhưng các chuyên gia kinh tế đều nhận định, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn dù vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực cũng đã bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu trong tháng 6/2020 sang các thị trường đã có diễn biến tích cực hơn so với tháng 5, khi dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được khống chế ở nhiều nước trên thế giới. Việc Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và các nước châu Âu, Mỹ dần mở cửa trở lại từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020 khiến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phục hồi khá nhanh trở lại.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau khi giảm mạnh xuống còn 19,7 tỷ USD trong tháng 4/2020 đã tăng lần lượt là 9,1% và 9,5% trong tháng 5 và tháng 6/2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cũng dần thu hẹp khoảng cách so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tháng 5/2020 kim ngạch xuất khẩu giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng sang đến tháng 6/2020 mức giảm chỉ là 2%. Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỉ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỉ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI sụt giảm được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay.

Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại

Theo các chuyên gia kinh tế, trong nửa cuối năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trở lại và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại, cộng với những lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định thương mại được ký kết.

Từ khoảng những năm 90 đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt FTA với độ mở của nền kinh tế rất lớn. Với hiệp định thương mại tự do (EVFTA), EU là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 được kỳ vọng mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020 và những năm tới.

Theo lộ trình, EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Bộ Tài chính đánh giá, cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.

Hiện tại, EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá còn hạn chế. Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định này chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường tiềm năng này. Từ đó, sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, đồng thời mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, với hiệp định EVFTA, Việt Nam có thế mạnh rất lớn khi ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, đánh giá định lượng đến năm 2025, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 43%, năm 2030 tăng trưởng khoảng 45%. Hiệp định EVFTA sẽ mang đến doanh thu cao hơn trong xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang EU như điện thoại, linh kiện điện tử - những mặt hàng chiếm hơn một phần ba tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam; máy tính, sản phẩm điện tử… Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh như: Gạo tăng khoảng hơn 60%, mặt hàng da giày tăng 91%, dệt may tăng 80%. Đây đều là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và chủ lực của Việt Nam, vì vậy, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu tại Việt Nam khi hiệp định EVFTA được thực thi là rất rõ ràng. Nếu tận dụng tốt được hiệp định EVFTA, Việt Nam có thể bù đắp được những thiệt hại về kim ngạch thương mại trước đó do dịch COVID-19 gây ra.

Cùng với Hiệp định EVFTA, hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đang mang lại cơ hội rất lớn cho xuất khẩu hàng hóa. Sáu tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng tích cực khi xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%... Cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP tiếp tục mở rộng khi Nhật Bản đã chấp nhận nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2020 và lượng vải sang quốc gia này đang tiêu thụ rất tốt. Bên cạnh đó, Canada cũng lần đầu tiên nhập khẩu trái xoài Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, dòng vốn dịch chuyển sang Việt Nam cũng đang là cơ hội cần quan tâm và tận dụng. Mới đây, LG đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang… Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này, tạo nguồn hàng chất lượng để xuất khẩu trong thời gian tới./.

 
Thu Hường
 
 
 
  
Thu Hường