Sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang dần được định hình trong đời sống xã hội của người dân. Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công ghi nhận kết quả khá ấn tượng, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Thanh toán không dùng tiền mặt “bùng nổ” trong dịch vụ công
Theo báo cáo từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật, thể hiện trên các mặt sau: Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Thứ hai, hạ tầng thanh toán (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng); hệ thống chuyển mạch, bù trừ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện. Thứ ba, hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công. Thứ tư, hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán. Cùng với đó, vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.
Thanh toán không dùng tiền mặt “bùng nổ” trong dịch vụ công
Theo báo cáo từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật, thể hiện trên các mặt sau: Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Thứ hai, hạ tầng thanh toán (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng); hệ thống chuyển mạch, bù trừ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện. Thứ ba, hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công. Thứ tư, hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán. Cùng với đó, vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Giới chuyên gia đánh giá, hiện xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán kinh doanh thương mại nhiều hơn. Đặc biệt, thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Theo một số khảo sát, nếu như trước đây, chỉ số thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn thì đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động TTKDTM đang được triển khai mạnh mẽ trong nhiều dịch vụ công trên cả nước. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Tổng cục Thuế cho biết, tính đến cuối năm 2019, có 99% doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký nộp thuế điện tử. Số tiền thuế đã nộp bằng phương thức điện tử là trên 700.000 tỷ đồng. Về triển khai thí điểm hóa đơn điện tử, cuối năm 2019, Tổng cục Thuế đã tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đã có 53 ngân hàng (trong đó 34 ngân hàng trong nước và 19 ngân hàng nước ngoài) và 12 đơn vị T-VAN (nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian) tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế.
Còn theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán tăng mạnh qua các năm, từ 14,88% số hóa đơn năm 2015 tăng lên 64% và hơn 81% tiền điện trong năm 2019. Trong đó, 54,64% số hóa đơn và 72,32% tiền điện được thực hiện qua các phương thức TTKDTM. Hiện đang có 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện cho EVN.
Với vai trò là đơn vị kết nối và hỗ trợ, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh của 12 tỉnh, thành phố. Đồng thời, hỗ trợ một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện thanh toán phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Một số lĩnh vực công khác như giáo dục, y tế… cũng đang được các địa phương ráo riết đẩy mạnh. Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh và một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng xã hội không dùng tiền mặt. Đến nay, vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế và giáo dục đã đạt được những kết quả nổi bật.
Trong lĩnh vực giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã phối hợp với một số ngân hàng triển khai mô hình thí điểm trường học không sử dụng tiền mặt năm học 2014-2015, bằng việc thanh toán học phí và các khoản thu thông qua dịch vụ ngân hàng. Không chỉ dừng lại đó, ngành giáo dục thành phố còn triển khai thử nghiệm mô hình quản lý Trường học thông minh – Trường học không tiền mặt bằng thẻ đa năng, tích hợp nhiều tiện ích khác như điểm danh học sinh, mua hàng và thanh toán… Thực tế cho thấy, đa số học sinh và phụ huynh đều hưởng ứng bởi những tiện lợi mà mô hình mang lại. Đến nay, việc nộp học phí không tiền mặt đã được triển khai đến hơn 300 trường ở TP. Hồ Chí Minh, với hơn 200.000 thẻ học đường được phát hành và tốc độ tăng thanh toán không tiền mặt mỗi năm đến vài chục lần. Sự thành công trong mô hình thí điểm của TP. Hồ Chí Minh đã giúp “tiếng lành” lan xa. Một số địa phương đã tới tìm hiểu và đề nghị ngân hàng hỗ trợ việc triển khai mô hình này trên địa bàn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế của Thành phố cũng đang bước đầu triển khai TTKDTM, với khoảng 50% bệnh viện trên địa bàn áp dụng hẹn lịch và thanh toán điện tử, trong đó có các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch… Người dân thay vì đi từ 5-6 giờ sáng mệt mỏi xếp hàng, nay chỉ cần một số thao tác đã có thể đặt lịch hẹn, thanh toán viện phí từ xa, rút ngắn thời gian chờ đợi.
Hoàn thiện hệ sinh thái không dùng tiền mặt
Theo các chuyên gia kinh tế, thói quen thanh toán không tiền mặt đã và đang được hình thành trong đời sống sinh hoạt của nhiều người dân. Đáng chú ý, đợt dịch COVID-19 vừa qua đã tạo cú hích lớn, thay đổi thói quen mua sắm và thanh toán của nhiều người, từ mua sắm truyền thống sang hình thức trực tuyến và thanh toán chuyển khoản. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), số liệu thống kê từ 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất ở Việt Nam gồm: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo cho thấy, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch diễn ra đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019. Mỗi ngày, có khoảng 4 triệu lượt truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm. Đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch, việc đặt hàng và thanh toán trước qua ứng dụng cũng tăng dần.
Thống kê của NHNN cho thấy, hoạt động TTKDTM đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử năm 2019 qua kênh Mobile banking lần lượt là 198% và 210%; các kênh Internet banking và ví điện tử cũng đều tăng trưởng khoảng 37- 86% so với cùng kỳ; Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM giảm từ 62% năm 2018 xuống còn 42% vào cuối năm 2019, cho thấy sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền mặt phục vụ chi tiêu hàng ngày sang các kênh ngân hàng điện tử. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, hoạt động TTKDTM đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động đạt được những kết quả ấn tượng, cả về số lượng khách hàng cũng như số lượng và giá trị giao dịch. 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành đạt mức 103,1 triệu thẻ (tăng 22,4% so với cuối năm 2017). Đặc biệt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo giới chuyên gia, hiện hầu hết các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đều đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như: Phân tích hành vi khách hàng trên Big Data, xác thực sinh trắc học, ứng dụng QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless)… Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cơ sở pháp lý về TTKDTM đã được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện tạo nền tảng cho hoạt động thanh toán.
Để có sự thay đổi mạnh mẽ trên, ngoài sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thì phải kể đến sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Theo đó, ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN yêu cầu ngành Ngân hàng phải đẩy mạnh TTKDTM, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.
Hiện thực hóa Chỉ thị này, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, trong đó miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công. Theo như dự kiến chương trình sẽ áp dụng đến hết tháng 12/2020.
Về phía các ngân hàng, nhiều công nghệ thanh toán vượt trội đã được các ngân hàng ứng dụng trong thanh toán dịch vụ công. Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát triển cơ chế đăng nhập một lần Single Sign On (SSO) giữa cổng dịch vụ Internet Banking của ngân hàng với cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã ứng dụng công nghệ thanh toán kết nối dữ liệu và gạch nợ tự động qua nhiều kênh thanh toán iBanking, mBanking, Sacombank Pay, Contact Center, ủy thác thanh toán tự động… để triển khai hàng loạt liên kết với các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thuế điện tử.
Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng đã áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý để tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí... Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã hoàn lại số tiền hơn 300 tỉ đồng cho khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ để thanh toán các dịch vụ công như: Giáo dục, dịch vụ y tế, thuế, phí… được hưởng lợi đáng kể. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh phát hành 20.000 thẻ học đường tại gần 300 trường với doanh số thanh toán bình quân ở mức hơn 500 tỉ/năm, Ngân hàng Sacombank còn triển khai thấu chi tài khoản thanh toán của phụ huynh để thanh toán học phí cho con em mình.
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song việc TTKDMT tại các ngân hàng cũng còn một số bất cập, trong đó khó khăn lớn nhất của các ngân hàng TMCP khi tham gia việc kết nối thanh toán dịch vụ công là bài toán chi phí và hiệu quả. Do chưa có khung phí nên nhiều dịch vụ hành chính công không thể trả phí cho ngân hàng, kể cả phí thanh toán bằng thẻ, trong khi đầu tư chi phí hệ thống vận hành khá lớn. Các đơn vị hành chính công cũng không được duy trì số dư trên tài khoản mở tại các ngân hàng TMCP nên cũng không thể sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để bù đắp chi phí vốn.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định thói quen sử dụng tiền mặt, sự chưa đồng bộ hệ thống thanh toán vẫn là trở ngại lớn khi đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt với dịch vụ công. Công tác triển khai hóa đơn điện tử chưa hoàn tất tại các đơn vị cung cấp cũng là hạn chế cho dịch vụ thanh toán, vì khách hàng lo ngại khi thanh toán qua ngân hàng không nhận được hóa đơn kịp thời. Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu không được tập trung cũng là một trở ngại nhất định trong việc triển khai nhanh và đồng bộ định hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.
Vì vậy, để thúc đẩy TTKDTM, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về TTKDTM; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)... Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025; cũng như sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ…/.
ThS. Đào Bùi Trung Kiên
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân