Bán lẻ Việt Nam - Thời cơ và thách thức trong tương lai gần

|

Bán lẻ Việt Nam - Thời cơ và thách thức trong tương lai gần

Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là một trong những thị trường thuộc nhóm sôi động nhất thế giới. Tuy nhiên, sự chuyển mình của các xu hướng thương mại bán lẻ trong thời đại mới và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong hiện tại cùng các dự báo trong tương lai đang đòi hỏi Việt Nam vừa cần nhanh chóng tận dụng thời cơ, vận hội vừa có sự chuẩn bị cho các đối sách trước những thách thức mới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Bán lẻ Việt Nam trước vận hội mới

Việt Nam có quy mô dân số lớn với trên 96,2 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (58,5% dân số từ 15-54 tuổi theo  số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019), chi tiêu hộ gia đình theo dự báo của WorldBank tăng trung bình 10,5%/năm kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Điều đó đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại bán lẻ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt trên 10% (theo Vietnam Report), đồng thời cho thấy tiềm năng cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam trên con đường phía trước còn rất lớn.

Theo báo cáo từ khảo sát của QandMe được thực hiện từ tháng 3/2020 để so với thời điểm tháng 4/2019, thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã mở cửa đón sự xuất hiện của một số thương hiệu bán lẻ đình đám từ nước ngoài với nhiều chuỗi cửa hàng như Uniqlo, GG25… Tuy nhiên có một vài thương hiệu lớn của Việt Nam phải tái cấu trúc hoặc rút lui khỏi thị trường. Điển hình là thương vụ mua bán và sáp nhập của Massan với chuỗi VinEco và VinCommerce, ngay sau đó Massan đã đóng của hàng trăm cửa hàng Vinmart+ và mở thêm khoảng vài chục siêu thị Vinmart mới.

 

Ảnh minh họa, nguồn internet

Cũng theo QandMe đến thời điểm khảo sát, số siêu thị của năm 2020 đã giảm khoảng 20% từ 336 siêu thị xuống còn 330 siêu thị. Trái với siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi lại có mức tăng đáng kể với 60% từ 2.495 cửa hàng lên 5.228 cửa hàng; trung tâm thương mại tăng 11% từ 96-107 trung tâm; cửa hàng nhỏ tăng 163- 170 cửa hàng; drug store (thuốc, mỹ phẩm…) tăng 30% từ 340-679 cửa hàng; siêu thị điện máy tăng 11% với 3.141 cửa hàng… Dẫn đầu về quy mô cửa hàng mỗi lĩnh vực phải kể đến những cái tên quen thuộc như: Vincom, Miniso, Phamacity, Thế giới di động, Điện máy xanh, Việt Tiến, Blue Exchange, Biti’s, Highland, The Coffee House… Trong đó, có sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thương hiệu: Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh… khi các doanh nghiệp này đồng loạt mở rộng quy mô, số lượng cửa hàng cho các thương hiệu con. Trong khoảng 1 năm, Thế giới di động đã tăng từ 1.817 cửa hàng lên 1.929 cửa hàng, Điện máy xanh từ 798 cửa hàng lên 1.026 cửa hàng, đặc biệt Bách hóa xanh là thương hiệu mở rộng mạnh nhất khi số lượng cửa hàng tăng gấp 2 lần từ 512 cửa hàng lên 1024 cửa hàng.

Nhờ sự hoạt động năng nổ của hệ thống bán lẻ, năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đạt 4.940,4 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của đạt 3.751,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức, tăng 11,8% so với năm trước, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2016-2019. 9 tháng đầu năm 2020, dù chịu ít nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng bán lẻ thiết yếu thường có mức tăng cao gồm có: Lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, may mặc…

Có thể nói, với nền tảng và thế mạnh sẵn có, ngành bán lẻ vẫn tiếp đà tăng trưởng và đang trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, những thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực bán lẻ tạo nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam với những thay đổi đột phá cùng những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ số. Là một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị thông minh cao, do đó ngành bán lẻ tại Việt Nam phát triển khá sôi động với các hình thức triển khai đa kênh, đặc biệt với sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã thúc đẩy sự sôi động của thị trường bán lẻ trong vài năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, là một quốc gia có nền chính trị ổn định, đang trên đà tăng trưởng và hội nhập với độ mở kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam là điểm sáng đầu tư tại khu vực ASEAN và châu Á, là điểm đến thu hút của cuộc dịch chuyển thị trường đầu tư. Việt Nam đang nắm trong tay “cơ hội vàng” chuẩn bị đón chờ làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bán lẻ không nằm ngoại lệ trước làn sóng đầu tư sắp tới. Đặc biệt, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ thúc đẩy các luồng vốn từ EU đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam, qua đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại nội địa. Các chuyên gia bán lẻ cũng cho rằng, việc mở cửa thị trường nội địa sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đồng thời, không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp nội nâng cao sức cạnh tranh mà còn có cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý thương mại hiện đại từ EU. Trong một nghiên cứu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về tác động của các HIệp định thương mại (FTA) thế hệ mới đối với ngành bán lẻ, có tới 98% doanh nghiệp đánh giá đây là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi và phát triển; 91% doanh nghiệp cho rằng các FTA thế hệ mới sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn cung hàng hóa phong phú với giá cả hợp lý hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ nội địa có những thuận lợi nhất định khi nhiều doanh nghiêp bán sản phẩm do chính doanh nghiệp đó sản xuất hoặc mua trực tiếp từ nhà sản xuất nội địa.

Với việc hiện đại hóa hệ thống bán lẻ Việt Nam, cùng lúc người tiêu dùng sẽ được tiếp cận những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, thậm chí cả CPTPP về thương mại điện tử được đánh giá là sẽ tạo ra những cơ hội mới cho mô hình bán lẻ điện tử, đồng thời đóng góp vào sự sôi động và phát triển tích cực của thị trường bán lẻ Việt Nam từ nay về sau.

…cùng với những thách thức đi kèm

Thời cơ và thách thức là hai phạm trù đối lập nhưng khi có sự xuất hiện của thời cơ thì hiển nhiên thách thức cũng hiện hữu, tương lai ngành bán lẻ cũng không ngoại lệ khi đón nhận vận hội cũng cùng lúc phải đương đầu với thách thức, thậm chí có thể còn có rủi ro. Và đối với bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới, dự báo thách thức có thể nhiều hơn cơ hội. Thị trường Việt Nam hiện nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Tuy nhiên thời gian qua, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam thông qua các tập đoàn bán lẻ như: Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Family Mart… do thị trường bán lẻ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng. Cuộc đổ bộ ào ạt của doanh nghiệp ngoại đã đem lại những mặt hàng phong phú, những cách tiếp cận mới lạ, hấp dẫn.

Từ góc độ của các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập và mở cửa thị trường hàng hóa thông qua việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan, hàng hóa nước ngoài có nhiều điều kiện thuận lợi để nhập khẩu vào trong nước và có giá cả cạnh tranh hơn trước đây. Điển hình là khi Việt Nam phải thực thi các cam kết trong EVFTA, mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EU, doanh nghiệp Việt sẽ mất lợi thế sân nhà và phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp từ EU. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này đa phần còn thiếu tính chuyên nghiệp, liên kết, quản trị yếu và vốn ít. Nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không có sự chuẩn bị phương án từ trước có thể sẽ bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm hoặc “hất cẳng” ra khỏi thị phần bán lẻ của chính nước mình.

Ngoài ra, với việc ứng dụng số hóa ngày càng được phổ biến, ngành bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn tiếp nhận và chuyển giao sang mô hình bán hàng đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online (website, facebook, zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại của hàng, đại lý, siêu thị…) được tích hợp đồng bộ vào một hệ thống. Mô hình này không chỉ giúp thương hiệu tương tác với người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị công nghệ và nền tảng mà còn kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay, bán hàng đa kênh đã chứng tỏ khả năng linh hoạt và dự kiến có thể vượt trội hơn sau đại dịch. Đây cũng chính là một trong những xu thế hiệu quả trong tầm nhìn trước mắt mà các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần bắt nhịp.

Mặt khác, thương mại điện tử hiện đang là một điểm sáng và dần biến đổi để hỗ trợ các cửa hàng trước, trong và dự kiến là sau đại dịch. Dù vậy, trước sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bán lẻ truyền thống vẫn đang giữ chỗ đứng nhất định. Report Vietnam năm 2019 nhận định, có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho biết gần như toàn bộ doanh thu của họ đến tử cửa hàng, đại lý và chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã khiến người tiêu dùng hạn chế đến các trưng tâm mua sắm, siệu thị, cửa hàng… mà chuyển sang mua sắm online. Theo Nielsen, tỷ lệ người mua sắm tại siêu thị và chợ truyền thống đã giảm xuống còn 69% và 64% trong khi số người mua sắm trực tuyến đã tăng đáng kể. Ngoài ra, dù có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhưng tại Việt Nam không phải ai cũng sẵn sàng tham gia thương mại điện tử. Điều này đồng thời đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh, nhanh chóng khai thác những thế mạnh tiềm năng.

Một điểm yếu khác của doanh nghiệp là hiện trạng nhiều cơ sở kho bãi tại Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu so với tốc độ tăng trưởng của công nghệ. Thực tế trước đây, trên thế giới ngành hậu cần phục vụ cho thương mại điện tử cần rất nhiều lao động. Nhưng hiện nay trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học máy tính (machine learning), Internet vạn vật (IoT) đã cho phép tự động hóa mọi quá trình làm việc, tăng năng suất, sử dụng không gian hiệu quả hơn, giảm tương tác vật lý của con người. Những điều này cũng đặt ra yêu cầu để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần sớm liên kết mở rộng tiềm lực, tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số trong các quy trình kinh doanh của mình. Còn trước mắt, với áp lực gia tăng về tốc độ giao hàng, DN cần tìm các địa điểm gần khu dân cư, có liên kết giao thông thuận lợi và cơ sở hạ tầng tiên tiến để cạnh tranh tốc độ, giảm chi phí vận tải và đảm bảo tiến độ của chuỗi cung ứng hàng hóa.

Để chuẩn bị cho ngành bán lẻ thuận lợi đón nhận cơ hội và đương đầu với thách thức sắp tới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời cần sự đánh giá và tăng cường xây dựng các thể chế, chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong nước bằng việc tạo lập các hàng rào kỹ thuật. Song song với sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cũng cần nâng tầm bản thân, nghiên cứu các quy tắc nội khối để tận dụng lợi ích của các FTA. Ngoài ra, để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cần phải liên kết lại thành các công ty, tập đoàn bán lẻ lớn, xây dựng thương hiệu bán lẻ của riêng mình. Chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, maketting sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu./...

 
ThS. Nguyễn Thị Minh Huyền - ThS. Phùng Thị Kim Phượng
Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội