Mặc dù liên tục đối mặt với các đợt sóng dịch Covid-19, nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 ở hầu hết các nhóm hàng. Từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn được kỳ vọng tiếp tục phục hồi, là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Vượt thách thức, đạt mức tăng trưởng khả quan
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Vượt thách thức, đạt mức tăng trưởng khả quan
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Ảnh minh họa
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%. Đà tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm có sự góp mặt của hầu hết các mặt hàng chủ chốt như: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 25,1 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,7 tỷ USD, tăng 22,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 17 tỷ USD, tăng 63,4%; hàng dệt may đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD, tăng 61,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,4 tỷ USD, tăng 42,8%.
Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,2%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 92,6%; giày dép chiếm 82,4%; hàng dệt may 63,5%.
So với cùng kỳ năm 2020, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều hồi phục mạnh. Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 84 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 53,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 58 tỷ USD, tăng 31,2% và chiếm 36,8% (tăng 0,8 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,58 tỷ USD, tăng 15,8% và chiếm 7,3% (giảm 0,8 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,4% và chiếm 2,6% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng một số mặt hàng nông, thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,5%; rau quả đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,7%; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,1% (lượng tăng 22,2%); cao su đạt 1,1 tỷ USD, tăng 80% (lượng tăng 41,3%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 614 triệu USD, tăng 30,5% (lượng tăng 16,3%); hạt tiêu đạt 499 triệu USD, tăng 40,5% (mặc dù lượng giảm 6,7% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng do giá xuất khẩu tăng); chè đạt 95 triệu USD, tăng 4,5% (lượng tăng 0,1%). Riêng mặt hàng gạo đạt 1,6 tỷ USD, giảm 4,7% (lượng giảm 14,8%); cà phê đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,5% (lượng giảm 12,3%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%. Thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%. Thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26%. Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 14,7%. Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), con số tăng trưởng của những ngành hàng tiềm năng và quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phần nào cho thấy những mảng sáng tích cực trong bối cảnh đại dịch bủa vây nền kinh tế thời gian qua. Đồng thời cũng cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Song song với đó, các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Triển vọng nửa cuối năm 2021
Đánh giá về 6 tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó không thể không nhắc đến thực trạng thiếu container vận chuyển hàng hóa vẫn đang tiếp diễn. Hơn nữa, giá cước vận tải đường biển tăng phi mã, liên tục và không có lộ trình khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá cước vận tải các tuyến châu Á và châu Phi đã tăng 3-4 lần, các tuyến châu Âu tăng 5-6 lần... Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 155 ngàn tấn, giảm 7%. Nguyên nhân chính là do hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt container, chi phí logistics như phí bến bãi, xếp dỡ, thủ tục hành chính tại cảng xuất và các chi phí liên quan đến vận chuyển container... tăng đột biến.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục chỉ ra những thách thức đến từ việc chủ nghĩa bảo hộ, số vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại đối với hàng Việt đang có xu hướng gia tăng… Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt đang phải đối diện với nỗi lo đánh mất thị trường xuất khẩu trọng điểm hoặc mất phần lớn thị phần do hàng rào kỹ thuật và thuế quan.
Dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng Bộ Công Thương cũng đưa ra yếu tố thuận lợi đối với những ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… khi dự báo, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc-xin cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách sẽ tiếp tục làm phục hồi và tăng nhu cầu của thị trường nhập khẩu.
Trên thực tế, bước sang quý II/2021, khi dịch Covid-19 không quá căng thẳng như trước đó, Liên minh Châu Âu (EU) dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn. Nền kinh tế các quốc gia thuộc EU khởi sắc là một trong những nhân tố hỗ trợ hàng hóa Việt Nam (đặc biệt là nông, thủy sản) xuất khẩu sang thị trường này bật tăng trở lại.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), việc triển khai rộng rãi và nhanh chóng tiêm vaccine chống dịch Covid- 19 ở Hoa Kỳ và gói kích thích kinh tế của Chính phủ nước này đã thúc đẩy kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh trong quý I và II năm 2021. Do vậy, các đơn hàng thủy sản gia tăng không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ mà cả ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhà hàng, khách sạn. Dự báo, nhập khẩu thủy sản của thị trường Hoa Kỳ năm 2021 sẽ tăng 6% về khối lượng đạt 2,9 triệu tấn, giá trị tăng 9% đạt 23,3 tỷ USD, cao hơn cả mức nhập khẩu của những năm trước đại dịch.
Ngoài thủy sản, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng lạc quan xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp đồ gỗ nội thất lớn nhất tại thị trường Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD trên tổng 6,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành này...
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cho rằng, để đón cơ hội khi thị trường tiếp đà phục hồi, cần hỗ trợ đẩy mạnh thông tin về nhu cầu nhập khẩu các nước, cập nhật về biến động thị trường nước ngoài giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các thị trường đối tác.
Mặt khác, nhằm đẩy mạnh khai thác cơ hội và hạn chế thách thức từ các hiệp định FTA, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các chương trình đào tạo, phổ biến cho doanh nghiệp dưới các hình thức đa dạng, trong đó có hình thức trực tuyến; xây dựng đầu mối hỗ trợ thực thi tại các bộ, ngành và địa phương…, giúp doanh nghiệp vận dụng và phát huy hiệu quả ưu đãi của các hiệp định FTA. Đồng thời, đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến dựa trên những nền tảng mới; xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tháo gỡ các rào cản thâm nhập thị trường mới.
Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mai trực tuyến của Bộ, đã giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thêm quan hệ, tiếp cận sâu với nhiều thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết FTA. Vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chương trình hữu ích, thiết thực với từng ngành hàng cụ thể.
Để tạo thêm lực đẩy cho tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ chú trọng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp; Sẽ tiếp tục theo dõi thị trường, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tìm giải pháp giảm chi phí khai thác hạ tầng vận tải, logistics. Mặt khác, Bộ tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo cơ chế “một cửa quốc gia”, “một cửa ASEAN”... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, trước mắt cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm ổn định sản xuất; Theo dõi thông tin cập nhật về các thị trường xuất khẩu để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đón đầu cơ hội thị trường mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ quy định của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tận dụng tối đa cơ hội, phát huy thế mạnh của mình, khai thác thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu.
Với những giải pháp bám sát thực tiễn, Bộ Công Thương dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Như vậy, xuất nhập khẩu sẽ tiến tới cán mốc 600 tỷ USD trong năm nay./.
Thu Hường