Tập trung đẩy mạnh phát triển ngành dược sau đại dịch

|

Tập trung đẩy mạnh phát triển ngành dược sau đại dịch

Nhìn lại năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đa chiều đến ngành dược Việt Nam, tạo nên sự phân hóa rõ rệt trong bức tranh về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp đầu ngành giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận thì không ít doanh nghiệp lại ghi nhận mức lợi nhuận“đi ngang”, thậm chí là sụt giảm. Năm 2021, dù ngành công nghiệp dược được dự đoán sẽ tăng trưởng khả quan nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều khó khăn đã và đang đến với ngành dược nước ta, thể hiện qua sự sụt giảm đáng kể kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm.
 
Theo kết quả phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoáng SSI dựa trên số liệu báo cáo từ các công dược ty niêm yết và dữ liệu đấu thầu thuốc của Cục Quản lý Dược Việt Nam, lũy kế 8 tháng của năm 2021, tổng doanh thu của nhóm ngành dược phẩm tại Việt Nam đã giảm 11% so với cùng kỳ ngoái. Trong đó, doanh thu từ các cửa hàng thuốc bán lẻ giảm 3% so với cùng kỳ và doanh thu tại bệnh viện giảm 16% so với cùng kỳ.
 
Sự phân hóa vẫn tiếp tục diễn ra trong những tháng qua khi một số công ty vẫn chứng tỏ là những điểm sáng trong bức tranh kinh doanh toàn ngành. Ví dụ như Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) có doanh thu thuần đạt 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 404 tỷ, lần lượt tăng 17% và tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kỳ có kết quả cao nhất về lợi nhuận sau thuế kể từ đầu năm 2017 đến nay của Công ty này. Bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, 6 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Traphaco (TRA) ước đạt 1.030 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 22% và 38% so với cùng kỳ. Tương tự, Công ty cổ phần Pymepharco (PME) cũng ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm với các con số lần lượt là 1.076 tỷ đồng và 168 tỷ đồng, tăng 29% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, một số công ty phải đối mặt với tình trạng giảm sút đáng kể về lợi nhuận như Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (OPC), Công ty cổ phần Dược Hà Tây (DHT), Công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex (MED), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (DP3)…
 
Sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh của ngành dược nước ta trong những tháng đầu năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội kéo dài trên toàn quốc của Chính phủ, nhiều công ty dược phẩm, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, như Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Dược phẩm OPC cùng hàng loạt các công ty dược phẩm khác thực hiện sản xuất “ba tại chỗ”, đã phải cắt giảm sản lượng sản xuất 20 - 30% trong tháng 7 và tháng 8, gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc cho thị trường trong nước.
 
Bên cạnh đó, do sự bùng phát mạnh của dịch bệnh lần thứ 4 trong quý II và quý III, nhiều bệnh viện phía Nam được chuyển đổi thành trung tâm điều trị Covid-19, người dân cả nước hạn chế khám chữa bệnh do các bệnh viện siết chặt công tác này để đảm bảo hạn chế sự lây nhiễm trong bệnh viện, đã khiến kênh phân phối ETC (các loại thuốc được bán ra theo đơn bác sĩ) hầu như bị đóng băng. Trong khi kênh phân phối này chiếm hơn 60% nhu cầu dược phẩm của toàn ngành.

                                                                                                                                             Nguồn: ISS
 

Việc thực hiện giãn cách toàn xã hội kéo dài tại nhiều địa phương cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, yêu cầu kê khai thông tin người đến mua thuốc ho, hạ sốt, các sản phẩm khẩu trang và cồn sát khuẩn không được tăng giá cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kênh OTC - kênh bán lẻ của các nhà thuốc, hiệu thuốc.
 
Tuy vậy, trong “cái khó ló cái khôn”, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhạy bén, biến nguy thành cơ, nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới như tăng cường sức đề kháng, sát khuẩn, trang thiết bị y tế nhằm khai thác thị trường tiềm tăng mới không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu rất nghiêm ngặt như: Mỹ, Đức, Nhật… trong bối cảnh dịch bệnh.
 
Cũng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để giúp các doanh nghiệp dược phẩm trong nước đẩy nhanh triển khai các sản phẩm mới, quy trình phê duyệt thuốc của Cục Quản lý Dược Việt Nam đã giảm thời gian đáng kể từ nửa cuối năm 2021. Số lượng phê duyệt thuốc đã tăng từ 171 trường hợp trong 8 tháng 2020 lên 335 trường hợp trong 8 tháng đầu năm 2021, thời gian phê duyệt trung bình đối với một số loại thuốc đã giảm từ 22 tháng xuống 18 tháng.
 
Với sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vắc xin và thuốc điều trị là những giải pháp quyết định khả năng kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh. Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021, ngành dược Việt Nam đã tăng cường nhận chuyển giao công nghệ, tập trung nghiên cứu vắc xin phòng, chống và thuốc điều trị Covid-19. Đây là một kết quả tích cực của ngành dược, góp phần giúp Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, sớm khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời thể hiện sự nỗ lực của ngành công nghiệp dược đang có những bước phát triển cùng ngành dược thế giới.
 
Mặc dù vậy, qua thời gian đối mặt với dịch bệnh, ngành dược Việt Nam cũng lộ rõ điểm yếu lớn nhất cần tập trung giải quyết hiện nay là phụ thuộc đến 80-90% nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung lớn nhất. Điều này là đáng lo ngại bởi trên thực tế dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn hóa chất dược phẩm (API) nghiêm trọng cho sản xuất trong nước thời gian qua, do việc sản xuất API ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đều bị gián đoạn trong thời gian phong tỏa. Tình trạng khan hiếm API cộng hưởng cùng với chi phí vận chuyển, phân phối tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã đẩy giá của hầu hết các loại nguyên liệu tăng cao. Hơn nữa, do diễn biến của dịch bệnh Covid-19, tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và đối tác nước ngoài liên tục bị trì hoãn bởi việc hạn chế di chuyển, cản trở tiến độ đánh giá nhà máy đạt tiêu chuẩn cao và xét duyệt quá trình chuyển giao công nghệ.
 
Để góp phần đảm bảo tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, Chính phủ Việt Nam xác định trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, đặc biệt là đẩy mạnh tính chủ động trong nguồn nguyên liệu sản xuất. Trên tinh thần đó, tháng 3/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 376/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong top 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Đồng thời, phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới.
 
Ảnh minh họa
 
Chương trình cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 02 - 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 01 - 02 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
 
Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020, phát triển được 10 - 15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 01 tỷ USD.
 
Đến năm 2045, Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
 
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về: Thể chế, pháp luật; Đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; Khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; Kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; Hợp tác và hội nhập quốc tế; Thông tin và truyền thông.
 
Trong đó, Chương trình áp dụng các ưu đãi đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với hoạt động đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất nguyên liệu làm thuốc đặc biệt là nguyên liệu làm thuốc nguồn gốc sinh học, nguyên liệu làm thuốc sử dụng nguồn dược liệu có giá trị kinh tế cao trong nước. Tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
 
Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, Chương trình tập trung đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc, quý, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến đánh giá chất lượng nguồn gen và chọn tạo giống cây thuốc.
 
Nhằm nâng cao năng lực sản xuất trong nước, trong thời gian tới sẽ huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất thuốc trong nước, sản xuất thuốc nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, vắc xin, sinh phẩm y tế và các sản phẩm từ dược liệu. Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình hóa dược để sản xuất nguyên liệu làm thuốc phục vụ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại.
 
Với hàng loạt các giải pháp cụ thể trên của Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với các yếu tố nền kinh tế trong nước mở cửa trở lại, giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) trên thị trường dược phẩm thế giới “hạ nhiệt” do Ấn Độ đã nối lại sản xuất và chuẩn bị tăng thêm công suất kéo theo đó giá nguyên liệu đầu vào giảm xuống, ngành dược Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay trong những tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo./.
Bích Ngọc