Năm 2023 đánh dấu một dấu mốc đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2023). Trên chặng đường 50 năm qua, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Hợp tác chính trị - ngoại giao tin cậy, chiến lược
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/1973. Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước. Pháp cũng luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, như: Chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2019); Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11/2021); chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (tháng 11/2018), Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (tháng 12/2022)... đã khẳng định quan hệ chính trị khăng khít giữa Việt Nam và Pháp.
Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại Chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì (phiên họp thứ 7 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 1/2022); Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng (phiên họp lần thứ nhất tổ chức tại Paris vào tháng 7/2019).
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher thăm Việt Nam tháng 12/2022
Hiện nay, Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và phức tạp như hiện nay, Việt Nam và Pháp đều chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng, hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, cùng nỗ lực phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững bao trùm. Hai nước khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững; coi trọng Hiến chương Liên hợp quốc, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước. Đặc biệt, hai nước ủng hộ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Về hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và hiện giữ chức Chủ tịch vùng châu Á - Thái Bình Dương của APF (gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và một số quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương). Quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước ngày càng phát triển tích cực thông qua việc thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực.
Dấu ấn trong quan hệ song phương
Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó có Pháp.
Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp có tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011 - 2019. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU, chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo. Thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng trưởng, đạt gần 7 tỷ euro (7,45 tỷ USD) vào năm 2021 và ước tính lên tới 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022. Đặc biệt, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.
Về hợp tác đầu tư, nhiều doanh nghiệp Pháp chọn đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì thị trường nội địa đầy tiềm năng, mà còn là địa bàn thuận lợi để phát triển kinh doanh ra khu vực ASEAN. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp Pháp đầu tư 20 dự án mới, điều chỉnh mở rộng 9 dự án và thực hiện 83 lượt góp vốn mua cổ phần (GVMCP), mua phần vốn góp. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và GVMCP đạt 23,7 triệu USD. Tính đến ngày 20/11/2022, Pháp là đối tác FDI lớn thứ 2 của Việt Nam trong EU và đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 659 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 3,75 tỷ USD. Quy mô đầu tư bình quân của Pháp đạt hơn 5,7 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 12,1 triệu USD/dự án.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Pháp tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện; các lĩnh vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản... Đặc biệt, dự án Metro số 3 là dự án nhận được sự tài trợ lớn từ phía Pháp và góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình giao thông của thành phố Hà Nội, cũng như giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đầu tư sang Pháp 18 dự án với tổng số vốn hơn 38 triệu USD. Kết quả này được đánh giá là còn thấp so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp cũng như so với nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam và Pháp đều kỳ vọng vào sự hợp tác và tham gia của các nhà đầu tư Pháp, trong các dự án tương lai. Bên cạnh đó, hai bên đề xuất một số nội dung mới cần tăng cường hợp tác liên quan tới các dự án đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số và nông nghiệp.
Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng viện trợ không hoàn lại (ODA) của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro (gần 231 triệu USD) cho Việt Nam, tập trung vào ba lĩnh vực là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng là một trong số ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, hai bên tái khẳng định quyết tâm tạo xung lực mới cho lĩnh vực hợp tác này trong khuôn khổ đối tác chiến lược song phương nhằm khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Việt Nam và Pháp khuyến khích các trao đổi trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Pháp, hướng tới tổ chức các phiên họp tiếp theo của các nhóm công tác trong khuôn khổ này, cũng như đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, Việt Nam và Pháp tiếp tục triển khai Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018 - 2028.
Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục - đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực, như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới… Hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo, như Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tin học Pháp ngữ (IFI). Tháng 10/2010, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Pháp tài trợ đã khai giảng khóa học đầu tiên. Đây là một trong bốn trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giao lưu văn hóa giữa hai nước cũng ngày càng phát triển. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu Euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, điển hình là việc hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Viện Trao đổi văn hóa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Đây là nơi tổ chức và diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. Pháp đứng thứ 7 trong số các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam cũng xác định Pháp là thị trường trọng điểm du lịch.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế, hợp tác giữa các địa phương, an ninh - quốc phòng cũng ngày càng được đẩy mạnh. Trong lĩnh vực y tế, hai nước hiện có 30 dự án hợp tác đào tạo y học và cận y học như đào tạo bác sĩ nội trú tại các bệnh viện Pháp. Gần 3.000 bác sĩ Việt Nam được thực tập tại các bệnh viện Pháp và hợp tác giữa Viện Pasteur Paris và Viện Pasteur Việt Nam. Các dự án hợp tác này được tài trợ từ các Quỹ đối tác bệnh viện của Bộ Ngoại giao Pháp, Chương trình liên đới mạng điều trị (ESTHER) và quỹ riêng của các bệnh viện Pháp. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang cho các địa phương của Pháp, Pháp hỗ trợ 5,5 triệu liều vắc-xin và nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam.
Hợp tác giữa các địa phương trở thành nét đặc thù và là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Pháp từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này với 240 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững.
Việt Nam và Pháp xác định hợp tác giữa các địa phương là một trụ cột góp phần tăng cường mối quan hệ và tình đoàn kết giữa hai nước và nhân dân hai nước. Tính đến năm 2022, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp về hợp tác phi tập trung luân phiên. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 4/2023 tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng cho việc ký kết các quan hệ đối tác mới.
Ngoài ra, mối quan hệ khăng khít Việt Nam - Pháp không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương mà còn được hỗ trợ, tăng cường bởi các diễn đàn đa phương như quan hệ Á - Âu (ASEM), Cộng đồng Pháp ngữ (ACCT), Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ASEAN-EU…
Có thể nói, với nền tảng mối quan hệ chính trị và ngoại giao bền vững, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế, hy vọng rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới sẽ có những bứt phá mạnh mẽ, góp phần đưa hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới./.
Thu Hường