Chiều ngày 14/11/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành Phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình công tác dự kiến từ chiều 14/11 đến hết ngày 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội cho biết, kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 5 đã cho thấy các làm việc này đạt kết quả rất tốt. Do đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội thống nhất với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội có khoảng 1 tuần để các cơ quan làm việc.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình công tác dự kiến từ chiều 14/11 đến hết ngày 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội cho biết, kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 5 đã cho thấy các làm việc này đạt kết quả rất tốt. Do đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội thống nhất với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội có khoảng 1 tuần để các cơ quan làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự thảo Luật gồm: Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại Phiên họp, các đại biểu được nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Báo cáo đã nhận được những ý kiến trao đổi của các đại biểu đến từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Cơ bản hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đồng thời ghi nhận việc rà soát tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến trao đổi giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm; Các ý kiến giải trình, tiếp thu cơ bản hợp lý. Đến nay cơ bản đạt đồng thuận cao về những vấn đề lớn; Dự thảo Luật có chất lượng tốt đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.
Tiếp theo, Phiên họp dành thời gian nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đến từ Trưởng Ban Công tác đại biểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính phát biểu. kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các nội dung tiếp thu giải trình cơ bản đồng thuận, thống nhất cao. Dự thảo Luật đến nay đạt chất lượng tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải cố gắng tập trung tối đa rà soát để đảm bảo thống nhất các điều khoản có liên quan tới các luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cuối ngày làm việc đầu tiên của Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để đại diện các cơ quan cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Toàn cảnh Phiên họp trong ngày làm việc đầu tiên 14/11/2023
Trong 2 ngày làm việc tiếp theo 15-16/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật gồm: Dự thảo Luật Căn cước; Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời cũng cho ý kiến về: Giảm thuế giá trị gia tăng; Dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023”; Điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ./.
P.V