Một thời kỳ thịnh vượng phía trước đang chờ đón chúng ta

|

Một thời kỳ thịnh vượng phía trước đang chờ đón chúng ta

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đầy tâm huyết nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng, khuyến khích, động viên chúng ta đi đến mục tiêu thịnh vượng.

Con đường mang tên hùng cường

Thời gian từ năm 1930 đến nay đủ để Đảng ta lựa chọn nhân tài, đào tạo cán bộ, huy động sức dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Trong các thế hệ của gần trăm năm đó, người của Đảng đi trước, người trong dân tiếp bước tiến lên đã tạo dựng  những nhịp điệu hùng cường hiếm thấy trên thế giới đối với một quốc gia.

Đó là ở tuổi 15 (năm 1945), Đảng đã cùng toàn dân giành chính quyền từ hệ thống thuộc địa/phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở tuổi 24 (năm 1954), toàn Đảng/toàn Quân/toàn Dân đã hoàn thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình trên toàn miền Bắc. Ở tuổi 45 (năm 1975), Đảng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, tổ chức toàn dân tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở tuổi 55 (năm 1985), Đảng cùng toàn dân đã khắc phục hậu quả của hai cuộc chiến tranh chống đế quốc Pháp/Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới Nam/Bắc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đưa cả nước đi vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Và năm 2024, ở tuổi 94, Đảng đã khởi động và lãnh đạo thực hiện công cuộc Đổi Mới, đưa cả nước đi vào chặng đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội với những bổ sung, sáng tạo mới vào kho tàng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lê nin bằng tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn Việt Nam, đã đạt được gấp bội thành tựu, làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.

 
Việt Nam đã viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc với những nhịp điệu hùng cường được cả thế giới ngưỡng mộ. Ảnh: Chinhphu.vn

Trong chặng đường gần trăm năm đã qua, Đảng đã dành toàn bộ sứ mệnh lãnh đạo của mình để cùng dân tộc tạo nên những nhịp điệu hùng cường của đất nước.

Trên thế giới, không dưới một trăm quốc gia, dân tộc đã cùng cảnh ngộ như Việt Nam vào năm 1930, nhưng đến nay, độc lập – tự do, hòa bình - thống nhất vẫn đang là những ước mơ khát khao đối với không ít trong số đó.

Ở thời điểm Đảng 94 tuổi, tuy dân đói đã không còn, dân nghèo đã được giảm thiểu với tốc độ nhanh ở tốp đầu thế giới, dân trung lưu diện đã rộng nhưng lực vẫn còn mỏng, kinh tế gia đình đã hình thành trên 5 triệu hộ nhưng qui mô nhỏ li ti còn chưa nâng lên được, kinh tế tư nhân lọt tốp toàn cầu chỉ đếm được trên đầu ngón tay, kinh tế quốc doanh đã qua 3 thập kỷ sắp xếp lại nhưng vẫn chưa xong.

Trong khi đó, quốc nạn tham nhũng đã bùng phát trong thời kỳ Đổi Mới. Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng do đích thân Tổng Bí thư phát động và chỉ đạo thực hiện trong thập niên vừa qua đã làm cho Đảng trong sạch hơn, Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân được nâng ở tầm cao hơn, thực chất hơn.

Bước vào tuổi 95, những nhịp điệu hùng cường của Tổ quốc có nhiều cơ duyên chuyển hóa thành những nhịp điệu mới để đi đến thịnh vượng. 

Những phương cách đến thịnh vượng

Nhịp điệu thịnh vượng đầu tiên của quốc gia hùng cường Việt Nam sẽ đến trong thời gian tới, đó là từ Rừng vàng, Biển bạc, Đồng ruộng phì nhiêu, gọn lại là từ Đất đai.

Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã họp phiên bất thường, trong đó quan trọng nhất là để thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi đã qua vài kỳ họp xem xét, thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện.

Đất đai, nơi lưu trữ biết bao hồn thiêng dân tộc, báu vật quốc gia, của cải toàn dân, là nguồn lực phát triển không gì có thể thay thế được.

Vậy mà Luật Đất đai năm 1987 khi ban hành đã có nhiều khiếm khuyết, bất cập khiến Quốc hội đã phải liên tiếp sửa đổi, bổ sung, thay thế vào các năm 1992, 2003, 2012, 2024.

Nếu việc thu hồi giang sơn về một mối là một nhịp điệu hùng cường của quốc gia vào năm 1975, thì những khiếm khuyết, bất cập của Luật Đất đai năm 1987 đã kìm hãm việc chuyển nhịp điệu hùng cường này thành nhịp điệu thịnh vượng trong giai đoạn 1987-2023.

Dân thì khiếu nại, tố cáo về đất đai. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải khoét sâu vào những khiếm khuyết, bất cập của Luật Đất đai để có lợi nhuận phát triển. Khu vực Nhà nước phát sinh “cán bộ ăn đất” không từ một thủ đoạn nào.

Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện để người dân và doanh nhân có thể làm giàu trong kinh doanh từ các lợi thế do Rừng vàng, Biển bạc, Đồng ruộng phì nhiêu tạo ra. Khu vực kinh doanh bất động sản có thời cơ vàng để xây dựng, mua bán, chuyển nhượng các bất động sản trên đất theo các nguyên tắc của thị trường. Đặc biệt, bọn “ăn đất của dân” sẽ không còn địa bàn để tồn tại, phát triển.
Nhịp điệu thịnh vượng thứ hai sẽ đến, đó là việc đất nước sẽ bỏ qua thời kỳ phát triển “Dò đá qua sông” để đi thẳng vào lĩnh vực đỉnh cao của công nghệ bán dẫn.

Từ chỗ bị coi là không sản xuất nổi một chiếc “đinh ốc hợp chuẩn”, bỗng nhiên Việt Nam kích hoạt việc sản xuất Chip cấp độ cao (từ 3nm trở lên) để cung ứng cho thị trường nghìn tỷ đô la đang khan hiếm trên thế giới.

Cơ hội vàng này của Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống, mà bắt nguồn từ những nhịp điệu hùng cường của đất nước mà lan tỏa ra thành các quan hệ hợp tác quốc tế với những độ tin cậy cao trên thương trường.

Đồng thời, từ những nhịp điệu hùng cường của đất nước, Việt Nam đã sản sinh ra những con người, cơ sở, trung tâm, doanh nghiệp dám dấn thân vào lĩnh vực bán dẫn từ sớm, và nay đã sẵn sàng vào cuộc.

Không những thế, Việt Nam còn có nhiều nguồn lực tự nhiên để cung ứng tại chỗ và xuất khẩu cho ngành bán dẫn, trong đó phải kể đến nguồn Đất hiếm với trữ lượng lớn thứ hai thế giới, và nguồn Bauxit với trữ lượng thuộc tốp đầu thế giới.

Sản xuất bán dẫn cấp độ cao hiển nhiên sẽ kích hoạt toàn bộ nền kinh tế/văn hóa/xã hội thời gian tới. Trước đây, thế giới luôn nhắc tới sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, rồi Hàn Quốc, rồì Đài Loan; sắp tới sẽ là vài ba tên khác, trong đó có Việt Nam.

Nhịp điệu thịnh vượng thứ ba sẽ đến, đó là sự hiện diện đầy đủ, có hệ thống của nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN do Việt Nam khởi xướng và sáng tạo cả trên lý thuyết và thực tiễn.

Đây là nền kinh tế hàm chứa được tất cả các lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đang cùng nhau tối ưu hóa quá trình phát triển trong thời kỳ quá độ. Thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng vang vọng ở tầm cao hơn, xa hơn, đầy đủ hơn trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam đã khởi động và sẽ chuyển thông điệp này thành một nhịp điệu thịnh vượng của mình trong thời gian tới. Theo đó: Nền kinh tế nhiều thành phần nhưng không phân liệt mà hòa quyện với nhau để cùng thắng trong phát triển; Chế độ Sở hữu toàn dân với nhiều hình thức sở hữu cụ thể để vận động thích hợp, hiệu quả, trong đó có Sở hữu nhà nước, Sở hữu tập thể, Sở hữu tư nhân, Sở hữu cá nhân; Cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” không bị cắt khúc mà liền mạch trong đời sống Chính trị-Kinh tế-Xã hội đất nước.

Vì hạnh phúc của nhân dân

Gần một thế kỷ qua, Việt Nam đã viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc với những nhịp điệu hùng cường được cả thế giới ngưỡng mộ.

Nhưng chỉ hùng cường là chưa đủ, Việt Nam còn kỳ vọng nhiều hơn thế, đó là Việt Nam phải có thịnh vượng.
Tạo ra được những nhịp điệu hùng cường đã khó, nhưng tạo ra những nhịp điệu thịnh vượng lại càng khó hơn. Trên thế giới đã có không ít quốc gia hùng cường một thời rồi sụp đổ; Không ít quốc gia hùng cường nhưng mãi không sao thịnh vượng được.

Rút ra những bài học về những vết xe đổ đó, Hồ Chí Minh và những tư tưởng của Người đã chủ trương về một Việt Nam Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Chính Người đã đem lại Độc lập và Tự do cho dân tộc; Còn Hạnh phúc thì Người kỳ vọng ở các thế hệ sau sẽ tiếp nối.

Kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng là thời điểm chín muồi để toàn Đảng, toàn Dân hành tiến vào những dinh lũy của Hạnh phúc, ở đó cao nhất là hạnh phúc của nhân dân và không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

 
TS. Đinh Đức Sinh (nguồn: Vietnamnet.vn)