Quan hệ Việt - Pháp phát triển toàn diện trên mọi mặt
Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp được thiết lập từ năm 1973. 40 năm sau, năm 2013, hai nước ký "Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp". Nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt - Pháp trong hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 11 năm quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ hai nước đã phát triển toàn diện trên mọi mặt, có sự tích lũy cả về lượng và chất.
Pháp luôn là một trong đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu và EU, với quan hệ hợp tác kinh tế đa dạng và lâu dài. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại EU với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 là 4,8 tỷ USD (sau Đức, Hà Lan và Italia), gấp 1,5 lần năm 2013 - thời điểm Việt - Pháp nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược (số liệu Tổng cục Thống kê).
Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp được thiết lập từ năm 1973. 40 năm sau, năm 2013, hai nước ký "Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp". Nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt - Pháp trong hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 11 năm quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ hai nước đã phát triển toàn diện trên mọi mặt, có sự tích lũy cả về lượng và chất.
Pháp luôn là một trong đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu và EU, với quan hệ hợp tác kinh tế đa dạng và lâu dài. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại EU với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 là 4,8 tỷ USD (sau Đức, Hà Lan và Italia), gấp 1,5 lần năm 2013 - thời điểm Việt - Pháp nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược (số liệu Tổng cục Thống kê).
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại EU
với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 là 4,8 tỷ USD
với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 là 4,8 tỷ USD
Năm 2019, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được ký kết, trong đó có sự ủng hộ mạnh mẽ của Pháp. Đây là khuôn khổ quan trọng, tạo đòn bẩy cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Thực tế kể từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 01/8/2020 đến nay, rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã bước đầu tận dụng được các lợi thế của Hiệp định này trên thị trường Pháp.
Pháp cũng là một trong những nhà đầu tư lớn của EU tại Việt Nam. Lũy kế đến ngày 31/12/2023, Pháp có 678 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3,8 tỷ USD (số liệu Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đứng thứ hai trong các nước nhận nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Pháp tại khu vực châu Á, ước tính mỗi năm khoảng 200 triệu euro. Không chỉ vậy, Pháp còn có hơn 300 công ty, trong đó có 170 công ty con của các tập đoàn Pháp đang có mặt tại Việt Nam.
Pháp là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi sinh thái, chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp cũng như là nước có vai trò, đóng góp lớn cho tài chính khí hậu. Với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Pháp cũng dành ưu tiên cao cho Việt Nam trong hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi sinh thái, bao gồm các lĩnh vực hợp tác mà Pháp có thế mạnh như: Cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, giao thông vận tải, hạ tầng bền vững, công nghệ xanh (greentech).
Bên cạnh những kết quả trên, Việt Nam và Pháp luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương và là một trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp hiện nay. Trong năm vừa qua, hợp tác giữa các địa phương có vai trò đáng kể giúp các địa phương có thêm cơ hội, thêm đối tác và nâng cao năng lực triển khai các hoạt động đối ngoại, mang lại kinh nghiệm và các dự án cụ thể trên nhiều lĩnh vực phục vụ mục tiêu phát triển của các địa phương. Điển hình là Hội nghị lần thứ 12 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2023 có nội dung “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”, với sự tham gia của 65 địa phương cùng nhiều tổ chức, hiệp hội đối tác hai nước, tập trung trao đổi 4 cụm chủ đề trung tâm được các địa phương quan tâm là: Đô thị bền vững; Môi trường, nước và xử lý nước; Văn hóa, Di sản và Du lịch; Thành phố thông minh và Số hóa.
Những xung lực mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Pháp mở ra chương mới, đánh dấu bởi sự kiện hai nước ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Với quyết định này, Pháp là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và là nước thứ 8 có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, cùng với 7 nền kinh tế lớn khác trên thế giới là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia.
Việt Nam – Pháp nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất trong quan hệ ngoại giao góp phần
củng cố thêm niềm tin và mở ra cơ hội hợp tác phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu
trên tất cả các lĩnh vực trong tương lai
củng cố thêm niềm tin và mở ra cơ hội hợp tác phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu
trên tất cả các lĩnh vực trong tương lai
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam - Pháp nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất trong quan hệ ngoại giao đã góp phần củng cố thêm niềm tin và mở ra cơ hội hợp tác phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực trong tương lai; đồng thời tăng cường tiếng nói cũng như những đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn, sự kiện quốc tế.
Hợp tác thương mại đầu tư sẽ là lĩnh vực được hưởng lợi lớn từ mốc son mới trong quan hệ hai nước. Với tuyên bố chung, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam; khuyến khích các cơ quan doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, tăng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.
Một cơ hội khác đến từ Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) - một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều quốc gia, nhằm bảo vệ các nhà đầu tư và khoản đầu tư vào nước sở tại, được đối xử công bằng và sẽ không bị phân biệt đối xử. Hiện nay, Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) vẫn đang trong quá trình phê chuẩn của các thành viên EU. Sau nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam - Pháp sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án của hai bên tại mỗi nước nhằm hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và có thể dự đoán được, được cụ thể hóa bằng việc Pháp sẽ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn (EVIPA). Điều này được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Pháp nói riêng và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nói chung, đặc biệt trong những ngành là thế mạnh của các nền kinh tế này, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ… Nhìn xa hơn, dòng vốn đầu tư từ Pháp sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cao sức cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực EU và toàn cầu, từ đó hỗ trợ Việt Nam phát triển khu vực kinh tế trong nước.
EU là một trong ba thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. “Thẻ vàng” IUU của liên minh châu Âu vẫn đang là rào cản lớn đối với ngành thủy sản nước ta khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu. Hiện Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực đồng hành cùng các ngư dân thực hiện các giải pháp tháo gỡ chiếc thẻ vàng quyền lực, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường chủ lực EU. Việc Pháp đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững và sẽ vận động EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU sau khi hai nước nâng tầm quan hệ là cơ hội lớn để ngành khai thác thủy sản Việt Nam chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.
Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho sự phát triển của một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Pháp nhất trí cùng hướng đến phát triển và làm sâu sắc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ mới, đặc biệt thông qua các trao đổi về chính sách công và hoạt động đào tạo. Theo đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác với Pháp và các công ty của Pháp trong lĩnh vực mà cũng chính là thế mạnh của đối tác là: Cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị và đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, hydrogen phi các-bon, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics và cơ sở hạ tầng cảng biển, hàng không dân dụng và cáp ngầm dưới biển... Bên cạnh đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hạt nhân dân dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.
Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, với những biểu hiện, như: Lũ lụt bất thường, hạn hán, nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao… Biến đổi khí hậu hiện đang tạo ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Cuối năm 2022, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) thống nhất một Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) mạnh mẽ. Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh nước ta.
Là đối tác JETP của Việt Nam và với một nấc thang mới trong quan hệ được thiết lập, Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trên để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách thông qua tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen… Hai bên đồng thời tiếp tục hợp tác về phát triển các mô hình dựa vào hệ sinh thái, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các đô thị, vùng duyên hải ven biển, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích. Quan hệ hợp tác mới sẽ chắc chắn sẽ giúp Việt Nam đạt được tham vọng đưa phát thải ròng về bằng “0” và chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Trên cơ sở nền tảng quan hệ mới được thiết lập, ngoài trụ cột hợp tác, phát triển kinh tế - thương mại, Việt Nam - Pháp sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực y tế, văn hóa.
Có thể nói, mốc son mới trong quan hệ Việt Nam - Pháp sẽ tạo thêm xung lực cho Việt Nam phát triển, tự lực tự cường vươn lên mạnh mẽ trong một kỷ nguyên mới./.
Những cột mốc đáng nhớ trong quan hệ Việt Nam - Pháp
• Tháng 4/1973: Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao. • Tháng 2/1993: Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm Việt Nam sau năm 1975. • Tháng 9/2013: Việt Nam và Pháp ký kết tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. • Tháng 10/2024: Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. |
Bích Ngọc