Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ để tạo sự thay đổi về chất

|

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ để tạo sự thay đổi về chất

Thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 05/12/2024, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ký quyết định số 140/KH-BCĐTKNQ18 về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Kế hoạch được đưa ra nhằm tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV và khóa XVI đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định, từ đó xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
 
Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, theo kế hoạch sẽ kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ. Đảng ủy Chính phủ. 
 
Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ. 
 
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, duy trì 08 bộ, cơ quan ngang bộ, song có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 
 
“Việc đề xuất duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ trên là cần thiết, bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay”, Kế hoạch nêu rõ. 
 
Cũng theo kế hoạch, sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ như sau:
 
Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
 
Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
 
Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc  tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương sau khi Ban này kết thúc hoạt động; đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
 
Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sau khi2 cơ quan này kết thúc hoạt động.
 
Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
 
Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác. Cũng theo Kế  hoạch trên, kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan. Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển; các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
 
Đối với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...) nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
 
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan. Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính (gồm: chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng), trong điều kiện các luật chuyên ngành đang giao trách nhiệm cho các bộ, ngành thực hiện chức năng giám sát chuyên ngành (Bộ Tài chính giám sát thị trường chứng khoán, bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát hoạt động ngân hàng), cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành do Lãnh đạo Chính phủ làm người đứng đầu để chỉ đạo hoạt động điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính.
 
Kế hoạch sắp tới cũng sẽ sắp xếp 2 Viện Hàn lâm khoa học và 2 Đại học Quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
 
Đối với 2 Viện Hàn lâm thực hiện theo một trong hai phương án sau: (1) Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; (2) Duy trì 02 Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.
 
Đối với 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý.
 
Đồng thời kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp. Bên cạnh đó, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
 
Theo kế hoạch, sẽ chuyển Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng. Cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển). Thực hiện phương án này, về cơ bản vẫn tạo điều kiện cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính độc lập như hiện nay; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng quản lý bảo hiểm (hiện nay do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch) chỉ đạo công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được hiệu quả (thu gọn được 1 đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ).
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phát huy tinh thần trách nhiệm
trong thực hiện Kế hoạch

Kế hoạch sắp xếp tổ chức các tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang Bộ
 
Đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc Bộ. Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
 
Đối với các vụ, cục, sự nghiệp công lập, mỗi Bộ chỉ duy trì 01 đầu mối tổ chức trong các lĩnh vực: Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Kế hoạch Tài chính, Thanh tra để thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp chung.
 
Các cục, vụ thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; chỉ duy trì các vụ, cục có đối tượng quản lý chuyên ngành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ.
 
Các vụ, cục có nhiệm vụ liên thông, gắn kết sẽ sắp xếp, kiện toàn thành 01 đầu mối. Hạn chế tối đa chuyển các vụ thành cục, trừ trường hợp cần đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền xử lý theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Trong đó, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Chỉ duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành (gồm: Viện; tạp chí; báo; trung tâm thông tin; trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức); đồng thời sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định. 
 
Với viện, Ban Chỉ đạo đề nghị sắp xếp, tổ chức lại theo hướng thu gọn đầu mối trên cơ sở thực hiện nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và phù hợp với quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ công lập.
 
Với báo, tạp chí, Ban Chỉ đạo đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị này, bảo đảm mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ có 1 cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và 1 tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).
 
Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.
 
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trường trung cấp) thực hiện sắp xếp theo Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 4 cấp: quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, bảo đảm đến hết năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên.
 
Các học viện, đại học, trường đại học, Ban Chỉ đạo đề nghị đến năm 2025 tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời rà soát, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.
 
Đối với bệnh viện, chỉ giữ lại các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học; đến hết năm 2025 các cơ sở khám chữa bệnh (trừ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh đặc thù) là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên. 
 
Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc văn phòng, cục thuộc bộ, cục thuộc tổng cục thuộc bộ, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các đơn vị sự nghiệp công lập khác phải tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.
 
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn lại, yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ tài chính. Xây dựng phương án tự chủ về tài chính và chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điểu kiện theo quy định của pháp luật.
 
Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
 
Tạo sự thay đổi về chất
 
Thực hiện kế hoạch trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) sẽ tinh gọn, có 13 bộ, 04 cơ quan ngang bộ (giảm 05 Bộ); 04 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 04 cơ quan). Tổ chức bên trong của Chính phủ sẽ tinh gọn đầu mối, giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.
 
Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ khắc phục những vấn đề còn giao thoa hiện nay. Sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực theo yêu cầu Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 74-KL/TW, Kết luận số 50, 62-KL/TW, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời, điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
 
Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ nêu trên sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.
 
Tuy nhiên, do số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo. Thực hiện phương án sắp xếp này, quy mô và phạm vi của một số Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu Bộ và đội ngũ lãnh đạo Bộ. Do đó cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.
 
Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, Ban Chỉ đạo yêu cầu cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trính ắp xếp, nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
 
Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng Báo cáo tổng kết trước ngày 31/12/2024. Như vậy, thời gian để các Bộ, ngành thuộc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy là rất cấp bách. Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhiều cán bộ, công chức, viên chức. Dù vậy, theo như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm, “chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng". Có như vậy mới tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

"Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai"
Tổng Bí thư Tô Lâm

 
Trước nhiệm vụ khó, nặng nề, thời gian ngắn, yêu cầu cao, công việc phức tạp, nhạy cảm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng cấp ủy và các cơ quan thuộc bộ, ngành quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, bảo đảm khoa học với lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này cần gắn với phát huy trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, cá nhân lãnh đạo các cơ quan; gắn với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Song song với đó, phải làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi"./.

Bích Ngọc