Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

|

Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với 458/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,62%). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Thừa Thiên Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử và văn hóa.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Phạm Đông

Theo Nghị quyết, thành phố Huế trực thuộc trung ương được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2  và 1.236.393 người; có 09 ĐVHC cấp huyện (02 quận, 03 thị xã, 04 huyện); có 133 ĐVHC cấp xã (78 xã, 48 phường, 07 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người). Thành phố Huế giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Biển Đông. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng, hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thành phố Huế trực thuộc trung ương năm 2025 sẽ có 02 quận, 03 thị xã và 04 huyện

Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài. Quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực rất lớn đạt được nhiều thành quả rất quan trọng, bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định. Nổi bật, mô hình đô thị Huế theo hướng di sản, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường đã hình thành, phát triển được các trung tâm về văn hóa du lịch; trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực; trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước. Việc trở thành đô thị trực thuộc Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ tạo sức bật mới, động lực mới của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

Thừa Thiên Huế sẽ tập trung xây dựng để xứng tầm là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương. Ảnh: VGP

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương ở các quận mới được thành lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho bổ sung trong dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận mới được thành lập. Việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ tỉnh sang thành phố trực thuộc Trung ương cũng đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức; trong đó, có các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, quản lý trật tự đô thị, kiến trúc cảnh quan. Về lâu dài, thành phố Huế hướng tới mô hình tổ chức chính quyền đô thị; bảo đảm để phát triển kinh tế-xã hội, đô thị nhanh, bền vững, theo định hướng; xứng tầm là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương.

Sau khi thành phố Huế trực thuộc trung ương được thành lập, chính quyền địa phương tiếp tục có biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển theo mô hình đô thị di sản, sinh thái thân thiện với môi trường và thông minh; tập trung đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế-xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực. Với vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô... từ đó, kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân.

Một góc thành phố Huế. Ảnh: VGP 

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, Thừa Thiên Huế sẽ có ba trung tâm đô thị ở trung tâm TP Huế, vùng Tây Bắc và vùng Đông Nam. Trong đó, đô thị TP Huế được chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương, là trung tâm vùng, đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực; thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh. Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9-10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)...

P.V