Cần có quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển đô thị thông minh

|

Để phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, các cơ quan quản lý cần xây dựng ngay quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển ĐTTM, ban hành tiêu chí đánh giá khu đô thị; ban hành đầy đủ và đồng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM.\r\n

Chiều 17-6, phiên toàn thể Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”, trong 2 ngày diễn ra diễn đàn, nhiều hội thảo chuyên đề đã được tổ chức. Trong đó, nổi bật là vấn đề phát triển ĐTTM.

Thông tin từ diễn đàn cho biết, hiện cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM. Tuy nhiên, ĐTTM vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để phát triển bền vững.

Diễn đàn Phát triển đô thị bền vững diễn ra tại Hà Nội, thu hút gần 400 đại biểu tham dự trực tiếp và trên 2.000 đại biểu tham dự trực tuyến


Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, thực hiện Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong 5 năm qua, nhiều địa phương đã triển khai đề án phát triển ĐTTM.

Kết quả ban đầu là, nhiều dịch vụ ĐTTM đã được ứng dụng trong thực tế, như: xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM; ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh; ứng dụng về giao thông, giáo dục, y tế thông minh... Những ứng dụng này đã phát huy hiệu quả đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá, các địa phương mới chỉ bước đầu tập trung nhiều về ứng dụng dịch vụ ĐTTM, trong khi các nội dung về quy hoạch ĐTTM, quản lý xây dựng ĐTTM chưa thực sự được chú trọng.

Hiện có rất ít các dự án ĐTTM có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là những bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư.

Tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các ĐTTM còn hạn chế; tính kết nối, chia sẻ giữa những đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản.

Chia sẻ cụ thể hơn về những hạn chế của ĐTTM tại Việt Nam, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, việc xây dựng và phát triển ĐTTM tại Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ rõ nét,  thiếu cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại thiên tai, bão lũ, cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. 

Bên cạnh đó, những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị chưa nhiều. Đặc biệt, giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh chưa nhiều, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.

Để phát triển ĐTTM, các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, các cơ quan quản lý cần xây dựng ngay quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển ĐTTM, ban hành tiêu chí đánh giá khu đô thị; ban hành đầy đủ và đồng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM.

Bên cạnh đó, cần tạo nguồn lực cho phát triển ĐTTM bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực. Để có đủ nguồn lực cho phát triển ĐTTM, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế để thu hút sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế...