Quy hoạch cảng biển Trần Đề thành cửa ngõ vùng ĐBSCL

|

Cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) được quy hoạch với tổng diện tích 4.960ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu ước tính hơn 55.000 tỷ đồng, công suất thiết kế từ 80-100 triệu tấn/năm, được kỳ vọng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa vùng ĐBSCL.

Quy hoạch cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 5 nhóm cảng biển, với 36 cảng. Trong đó, có 4 cảng biển gồm: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt. 

Thực tế hiện nay cho thấy, hơn 70% lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TPHCM và Đông Nam bộ, kéo theo chi phí vận chuyển tăng từ 10%-30%. Chưa kể, hệ thống giao thông đường bộ kết nối nội vùng và liên vùng của ĐBSCL hiện đang quá tải, khiến quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa càng thêm nhọc nhằn. Bên cạnh đó, ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng hàng hóa rất lớn, trung bình hơn 6%/năm (báo cáo từ Bộ GTVT cho thấy, năm 2017 vận tải hàng hóa của vùng ĐBSCL khoảng 131,7 triệu tấn) với 3 mặt hàng chủ lực là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Do đó, việc có một cảng biển đóng vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu của vùng là vô cùng cần thiết.

Để triển khai quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển của Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động, khẩn trương thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), trong đó trọng tâm là cảng biển Trần Đề. Theo quy hoạch, cảng biển Trần Đề sẽ có tổng diện tích 4.960ha. Trong đó, diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 960ha (giai đoạn đầu 580ha), diện tích khu dịch vụ, hậu cần, cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ là 4.000ha (giai đoạn đầu 1.000ha).

Cảng biển Trần Đề có cầu vượt biển dài 18km (quy mô 8 làn xe, giai đoạn đầu 4 làn xe), 15 cầu cảng (12 cầu cảng tổng hợp, container và 3 cầu cảng chuyên dùng), đê chắn sóng dài 8,3km. Theo công suất thiết kế, cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT hoặc lớn hơn và tàu hàng rời 160.000 DWT, với công suất từ 80-100 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn đến năm 2030 có công suất 30-35 triệu tấn/năm.

Vùng hấp dẫn trực tiếp của cảng biển Trần Đề sẽ có 8 tỉnh, thành ĐBSCL, gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng. Trong đó, khoảng cách đường bộ đến cảng dao động từ 50-197km, đường thủy nội địa từ 30-200km. Cụ thể, cảng biển Trần Đề đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng ĐBSCL hiện đang tiếp chuyển đến các cảng khu vực Đông Nam bộ; thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực ĐBSCL; thu hút hàng trung chuyển sang Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Công…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cảng biển Trần Đề có một vị trí rất đặc biệt, thuận lợi cả về yếu tố khí hậu, địa chất, thủy văn lẫn tính kết nối giao thông vùng và liên vùng. Về kết nối đường bộ với cảng hiện có các tuyến quốc lộ như 1A, 91, 91C, 60... Ngoài ra còn có các dự án giao thông chuẩn bị đầu tư như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng và Trà Vinh, dự án mở rộng quốc lộ 91C, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau… Đối với kết nối đường thủy có các tuyến chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia, hành lang vận tải thủy kết nối các tỉnh ĐBSCL về sông Hậu; luồng hàng hải Định An - Cần Thơ (tải trọng 10.000-20.000 DWT), luồng Trần Đề qua cửa Trần Đề 2.000 tấn, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Tắt (tàu 20.000 DWT giảm tải). Về đường hàng không, cảng biển Trần Đề chỉ cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 60km và dễ dàng kết nối thông qua hệ thống quốc lộ… 

Theo ước tính, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề đến năm 2030 ước tính khoảng 55.700 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2030 khoảng 146.300 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Hiện quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng trong đó có cảng Trần Đề đã hoàn tất báo cáo cuối kỳ và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng thống nhất thông qua. Dự kiến, sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, quy hoạch chi tiết cảng biển Trần Đề sẽ được trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt vào giữa tháng 7.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một lần nữa đã xác định, khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL”. Một tín hiệu vui là song song với công tác lập quy hoạch của tỉnh, hiện cảng biển Trần Đề đang được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, triển khai công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tiền khả thi để chuẩn bị cho các bước đầu tư tiếp theo. Một khi cảng biển Trần Đề hình thành sẽ tạo nên bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL.