Nhiều dự án đầu tư công ở Gia Lai vướng giải phóng mặt bằng

|

Nhiều dự án đầu tư công quan trọng về đường sá, trụ sở làm việc, cầu, trường học ở Gia Lai bị chậm tiến độ thi công do vướng mặt bằng...\r\n

Dự án đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông có chiều dài hơn 32km, vốn đầu tư khoảng 320 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3-2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2022. Đến nay, phần nền, cấp phối, thảm ở nhiều đoạn đã xong, riêng đoạn qua một số khu dân cư ở thị trấn Nhơn Hòa và xã Ia Hla (cùng thuộc huyện Chư Pưh) thì chưa thể triển khai do bị vướng giải phóng mặt bằng. 

Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai (chủ đầu tư dự án), đến ngày 24-8, vẫn còn 1km đường thuộc thị trấn Nhơn Hòa và 300m thuộc xã Ia Hla chưa giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, đơn vị liên quan vẫn chưa di dời 14 trụ điện thuộc hệ thống đường điện cao thế. Việc bàn giao mặt bằng chậm đã gây nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công, khiến việc vận chuyển vật liệu phải đi đường vòng, làm phát sinh chi phí cũng như có nguy cơ chậm tiến độ hợp đồng.

Văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết, vừa qua, đất trên địa bàn huyện lên “cơn sốt”, trong khi dự án đi qua một số vị trí nằm ở mặt đường thị trấn Nhơn Hòa, người dân đòi bồi thường cao gấp nhiều lần giá quy định của nhà nước. Dù huyện đã nhiều lần làm việc, đối thoại nhưng người dân chưa đồng thuận để bàn giao mặt bằng.

Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) được khởi công tháng 12-2021, dự kiến hoàn thành tháng 11-2023. Dù công trình đã được bố trí đủ vốn để triển khai, nhưng hiện nay việc giải phóng mặt bằng còn chậm. Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, tại dự án này, hệ thống điện lưới dọc 2 bên tuyến di dời chậm; trên tuyến còn 16 vị trí vướng vật, kiến trúc của các hộ dân nằm trong chỉ giới đường nhưng chưa giải phóng xong.

Ngoài 2 dự án nói trên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, còn có thêm 3 dự án khác do đơn vị này làm chủ đầu tư cũng đang bị vướng mặt bằng, gồm: dự án cầu qua sông Ayun (huyện Phú Thiện, còn 13 hộ xã Ia Piar chưa đồng ý về giá đất, cây cối và vật kiến trúc); dự án Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa (phê duyệt đầu tư xây dựng trong năm 2022, hiện mặt bằng xây dựng chưa giải phóng); dự án Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê, đã ký hợp đồng xây lắp nhưng do chưa giải phóng mặt bằng nên chưa thể khởi công).