Khắc phục hư hỏng cầu đường, giải quyết tình trạng ngập cục bộ

|

TPHCM cần theo dõi tình trạng công trình đường bộ, kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và đột xuất.

Ngày 9-4, HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 4-2023 với chủ đề “Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông”. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng điều hành chương trình.

Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 4. Ảnh: QUỐC HÙNG

Tại chương trình, hầu hết các đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cơ bản kết nối với hạ tầng xã hội của TP, đáp ứng nhu cầu đi lại và tạo được sự thuận tiện cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu đi lại như cầu, đường, hầm, vỉa hè, thoát nước, thủy lợi và các công trình phụ trợ xuống cấp; công tác quản lý và bảo trì kết cấu công trình chưa đáp ứng được sự phát triển của TPHCM. Vì vậy, TPHCM cần triển khai thực hiện việc bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý hạ tầng giao thông… Bên cạnh đó, TP cần có chủ trương, giải pháp để hoàn chỉnh hệ thống cống thoát nước tại các tuyến đường trên địa bàn TP nhằm khắc phục tình trạng ngập cục bộ khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao, đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống và lưu thông.

Ngoài ra, chính quyền TP cần quan tâm đến kết cấu hạ tầng, bảo trì các công trình thủy lợi; quy trình bảo dưỡng thiết bị, công tác giám sát để đảm bảo chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Đại biểu và cử tri tham dự chương trình. Ảnh: QUỐC HÙNG

Trả lời các câu hỏi của cử tri, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục có nhiều hệ thống mới như: tuyến đường sắt đô thị số 1 đưa vào khai thác, sử dụng; sẽ có hệ thống về ga ngầm, hệ thống về đường sắt đô thị; các hệ thống kiểm soát về triều… Trong quá trình thực hiện các nhóm công trình này, TP sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thêm đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, tiếp tục phân cấp trong quá trình thực hiện; tiếp tục có cơ chế chính sách, công cụ quản lý thực hiện cho phù hợp để chuẩn hóa lại, bởi vì nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã thay đổi.

Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai thực hiện và rà soát, các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận vẫn còn một số tồn tại cần phải cập nhật, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường cơ chế phối hợp... để nâng cao chất lượng trong công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.

Đối với một số cơ chế về giá, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, TP tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo có sự cạnh tranh, công khai, minh bạch trong quản lý và khai thác hiệu quả các hệ thống hạ tầng dịch vụ này…

"UBND TP sẽ tiếp thu, ghi nhận và giao các sở ngành, UBND các quận, huyện có liên quan phân loại, đánh giá, tiếp tục hoàn thiện gắn với các nhóm về chủ thể quản lý, các đối tượng quản lý cũng như các công cụ chính sách quản lý để tiếp tục hoàn thiện và khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của TP trong thời gian tới", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết.

Kết luận chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát, củng cố hồ sơ quản lý đối với đường, cầu, hầm đường bộ, các công trình phụ trợ và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt là các công trình thủy lợi, ngăn triều. Nhanh chóng số hoá dữ liệu, hồ sơ để phục vụ tốt công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa hoặc khắc phục sự cố.

Bên cạnh đó, TP cần theo dõi tình trạng công trình đường bộ, kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và đột xuất.

TPHCM có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng ngập cục bộ trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho nhân dân sinh sống hai bên tuyến và lưu thông trên tuyến đường bị ngập.

Ngoài ra, TP nên giao một đơn vị quản lý chung đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung như đường dây điện, cáp và đường ống để thống nhất quản lý; xử lý nghiêm các đơn vị thi công đào đường, vỉa hè, tái lập không đạt yêu cầu.

"TPHCM cần rà soát công tác bàn giao hạ tầng của các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP, nhất là việc kết nối giao thông giữa dự án với khu vực dân cư xung quanh; kiểm tra rà soát, chấn chỉnh khu vực bờ sông Sài Gòn. Đồng thời, có giải pháp đối với Dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến rạch Bà Bếp để giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp", Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị.