Nỗi niềm khắc khoải

|

Chiều chủ nhật 16-4, cụ bà Lâm Thị Nga (87 tuổi, ở nhà số 1437 Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) ngồi tựa cửa nhìn ra, ngóng ngày cây cầu Long Kiểng hoàn thành.

Năm 2006, được chính quyền vận động, gia đình cụ chấp hành giao đất để xây cầu. Với 126m2 đất đã giao, đơn giá 3.150.000 đồng/m2, thêm “cái xác nhà”, gia đình cụ nhận hơn 500 triệu đồng. Chị Trân (cháu nội của cụ Nga) kể, lúc đó chị vẫn chưa lấy chồng, một hôm thấy bà nội kêu con cháu lại, cho mỗi đứa 5 triệu đồng. Giờ thì chị đã bước sang tuổi trung niên, bà nội chị cũng ở cái tuổi gần đất xa trời mà cây cầu vẫn chưa xong.

Hơn 500 triệu đồng của 17 năm trước giờ chẳng còn, trong khi những người mới di dời gần đây thì được trả tới 44 triệu đồng/m2. Nhưng những điều thiệt thòi đó không khiến cụ Nga quá bận lòng. Ở tuổi lão niên, cụ chỉ mong cây cầu sớm hoàn thành, trả lại cuộc sống bình thường cho gia đình và bà con xung quanh, để nhiều người không còn khổ sở mỗi buổi sớm mai xếp hàng chờ được đi qua cây cầu sắt mong manh chật hẹp nữa… Cụ rất vui khi biết thông tin cầu sẽ hoàn thành vào dịp lễ 2-9 năm nay.

Với những công trình đầu tư công, không chỉ người dân mong đợi, mà các doanh nghiệp cũng trông chờ không kém. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, các doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng đang cầm cự và trông mong vào đầu tư công rất nhiều. Bởi các dự án đầu tư công sẽ giúp các doanh nghiệp này tiêu thụ được hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần cùng thành phố đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình hạ tầng phục vụ nhân dân.

Dự án cầu Long Kiểng chậm tiến độ vì hệ thống điện di dời ì ạch