Đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc: Phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương

|

Tại hội nghị về triển khai các dự án đường bộ cao tốc do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 1-6 tại Hà Nội, đại diện các địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và có những đề xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc, hướng tới mục tiêu hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030.

Giao địa phương triển khai 1.650km đường cao tốc

Theo thông tin từ Bộ GTVT, trong số 2.900km đường cao tốc sẽ được triển khai từ nay đến sau năm 2025, sẽ có 1.650km được giao cho các địa phương thực hiện. Cụ thể, trong 6 dự án đường cao tốc (Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Hà Nội) có chiều dài 1.300km, sẽ có khoảng 500km giao cho các địa phương triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cùng các địa phương đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700km đường cao tốc, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400km. Đồng thời, Bộ GTVT đang thu xếp nguồn vốn để sau năm 2025 triển khai khoảng 900km đường cao tốc, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km.

Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 Hà Nội. Ảnh: MINH DUY

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, các dự án đường bộ cao tốc đều có quy mô phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, phải hoàn thành nhiều trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, thời gian yêu cầu gấp. Trong khi đó, năng lực của đội ngũ cán bộ thẩm định, ban quản lý dự án còn chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Do vậy, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh một số quy định pháp luật còn bất cập; quy định về trình tự đầu tư còn kéo dài, nhiều thủ tục liên quan đến các bộ, ngành; thời gian từ khi đề xuất cho đến khi khởi công dự án kéo dài; một số hướng dẫn của các bộ, ngành chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây các cách hiểu khác nhau khi triển khai.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, khó khăn về vốn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp, khan hiếm về nguồn cung vật liệu xây dựng… cũng cần phải được nỗ lực tháo gỡ.

Giải phóng mặt bằng: Đi trước một bước

Tại hội nghị, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án đường Vành đai 4. Hiện nay, địa phương đã thu hồi hơn 41% diện tích mặt bằng sau 7 tháng phê duyệt chủ trương đầu tư. Thành công đó là nhờ công tác GPMB được tách thành dự án thành phần độc lập, đảm bảo việc GPMB đi trước một bước.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đồng thời tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB; rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án xây dựng các khu tái định cư… TP Hà Nội đồng thời giao nhiệm vụ trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua, phân bổ vốn cụ thể cho các địa phương để chủ động GPMB.

Cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc sớm GPMB, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 3, công tác rà soát, thống kê, kiểm kê, thu thập pháp lý, xác định nguồn gốc đất được triển khai ngay sau khi dự án được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể hóa các đầu việc - từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi đưa vào khai thác, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để làm cơ sở kiểm điểm tiến độ, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát. Hiện nay, dự án đang được kiểm soát các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.

Với tỉnh Hậu Giang, nơi đang đạt và vượt về tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 2 dự án đường cao tốc, đại diện địa phương cho biết, vấn đề quan trọng là phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Cụ thể, đồng chí bí thư tỉnh ủy, các đồng chí bí thư huyện ủy cần giữ vai trò trưởng ban chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình trọng điểm…

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng thời các công việc liên quan đến công tác GPMB để đến ngày khởi công có thể bàn giao 70% mặt bằng, đủ điều kiện thi công.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nguồn vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành cùng hỗ trợ giải quyết. Đặc biệt, Bộ GTVT cam kết sẽ tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng; kỷ luật người đứng đầu của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ; xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm nghiêm trọng.

Dự án thành phần 4 đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến khởi công giữa tháng 6-2023

Dự kiến 25-6, khởi công dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu